Ba kịch bản để phát triển TPHCM trong năm 2024

GD&TĐ - Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (HIDS) vừa đưa ra 3 kịch bản phát triển kinh tế - xã hội TPHCM.

Hoạt động bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)
Hoạt động bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)

Kịch bản cơ sở và bất lợi

Thứ nhất, HIDS đưa ra kịch bản cơ sở. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn có chiều hướng chậm lại, dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi.

Du khách quốc tế dần quay trở lại TPHCM kéo theo khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Xung đột Nga - Ukraine diễn biến theo chiều hướng giảm dần căng thẳng, tạo điều kiện dần ổn định nguồn cung xăng dầu và nguồn nguyên liệu chính phục vụ cho ngành điện - điện tử (một trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố).

Đối với sự tăng trưởng các khu vực kinh tế, các gói hỗ trợ kinh tế cũng như các dự án đầu tư công dần phát huy hiệu quả. Song song đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi dẫn đến thu nhập và việc làm tăng, kéo theo tiêu dùng nội địa tăng.

Mặc dù, tăng trưởng xuất khẩu dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn do ảnh hưởng tăng trưởng toàn cầu, nhưng tiêu dùng trong nước mạnh hơn dự kiến sẽ bù đắp cho việc nhu cầu bên ngoài chững lại.

Với lượng khách du lịch quốc tế và nội địa quay lại TPHCM, kỳ vọng khu vực dịch vụ sẽ phục hồi và phát triển mạnh. Các doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh để phù hợp với bối cảnh kinh tế.

Các dự án đầu tư công triển khai sẽ thúc đẩy gia tăng tỷ lệ giải ngân, cùng với sự tăng trưởng vốn từ khu vực đầu tư trong và ngoài nước do niềm tin nền kinh tế thành phố dần khôi phục.

Bên cạnh đó, TPHCM tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua các chương trình như: Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Chương trình hỗ trợ lãi suất… Thành phố cũng triển khai hiệu quả một số nội dung Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Song song đó, thu ngân sách từ các hoạt động kinh tế tăng trưởng khá sẽ tạo điều kiện cho chi đầu tư phát triển gia tăng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.

Với những dự báo trên, năm 2024, kinh tế TPHCM tiếp tục đà tăng trưởng đã đạt được ở năm trước. Với giả định này, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt ở mức 6,67%, dự báo khoảng là 6,29 - 7,05%.

Tuy nhiên, tình hình cũng có thể xấu hơn những dự báo trên khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy thoái, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ tại một số nền kinh tế lớn sẽ kéo theo sức tiêu thụ sụt giảm, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của thành phố.

Chiến sự Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn theo chiều hướng xấu, khan hiếm nguồn cung xăng dầu, lạm phát toàn cầu gia tăng dẫn đến giá cả hàng hóa trong nước có chiều hướng tăng. Đây chính là những dự báo của kịch bản thứ 2 - kịch bản bất lợi của HIDS.

Lúc này, hoạt động kinh tế trong nước nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản vẫn ảm đạm dẫn đến doanh nghiệp e ngại đầu tư, kéo theo ngành sản xuất vật liệu xây dựng sẽ suy giảm.

Bên cạnh đó, giá cả sinh hoạt tăng, thu nhập người lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dẫn đến sức mua hàng hóa tiêu dùng trong nước giảm mạnh. Doanh thu từ thị trường chứng khoán giảm do diễn biến thị trường chứng khoán thế giới bất lợi, tâm lý nhà đầu tư.

Đối với vốn đầu tư, thị trường chứng khoán và tiền tệ với những diễn biến theo chiều hướng tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp; song song đó, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao do biến động giá xăng dầu…

Tuy nhiên, TPHCM vẫn nỗ lực để khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp những doanh nghiệp duy trì đà phục hồi sản xuất, kinh doanh… Với giả định như trên, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 6%, dự báo khoảng là 5,62 - 6,38%.

Một nhánh tuyến đường sắt đô thị tại TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)

Một nhánh tuyến đường sắt đô thị tại TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)

Đặt mục tiêu tăng trưởng cao nhất 7,5 - 8%

Tại kịch bản thứ ba của HIDS (kịch bản thuận lợi), các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khá thuận lợi. Tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn so với dự báo, lạm phát tại một số quốc gia lớn là đối tác thương mại của thành phố được kiểm soát tốt; chiến sự Nga - Ukraine giảm bớt căng thẳng.

Tại TPHCM, tình hình kinh tế được thúc đẩy quá trình phục hồi; các ngành dịch vụ khoa học công nghệ, logistics, dịch vụ tài chính, kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng cho thành phố.

Thành phố tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, các chương trình chuyển đổi số phát huy hiệu quả. Thu nhập của người lao động được cải thiện, sẽ tạo điều kiện gia tăng mức tiêu dùng nội địa. Với các giải pháp kích cầu du lịch, chuyển đổi số trong du lịch sẽ tạo đà cho doanh thu thương mại dịch vụ tăng trưởng mạnh.

Thành phố nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung ương để đẩy nhanh tiến độ khởi công các công trình hạ tầng quan trọng, đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Thành phố cũng đẩy nhanh triển khai Nghị quyết 98; tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, giúp các nhà đầu tư có thể bước vào giai đoạn thi công xây dựng với các dự án lớn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, cảng Cần Giờ… Với những giả định này, tăng trưởng kinh tế năm 2024 của thành phố sẽ đạt 7,51%, dự báo khoảng là 7,13 - 7,95%.

Tại Hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 (ngày 6/1), UBND TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8% trong năm 2024. Như vậy, mục tiêu này tương ứng với kịch bản thuận lợi do HIDS dự báo. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, mục tiêu này là cao và thách thức. “Cách thức nào để thành phố có thể thực hiện đạt được? Các trọng tâm và giải pháp theo chủ đề năm xác định như vậy đã đủ, đúng chưa? Cần bổ sung, điều chỉnh gì để thành phố tập trung các trọng tâm, giải pháp đột phá, nhất là trong quý I để đảm bảo không diễn ra kịch bản tăng trưởng như quý I/2023”, người đứng đầu chính quyền TPHCM nêu vấn đề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.