Bà cụ 83 tuổi đi bộ hơn 3.000 km chỉ để nhìn thấy điều này trong đời

Tuổi tác có thể khiến bạn lo lắng, nhưng đừng lấy đó làm cái cớ để sợ hãi. Bi kịch không đến cùng bệnh tật hay cái chết, nó thực sự gõ cửa khi bạn buông xuôi.

Bà cụ 83 tuổi đi bộ hơn 3.000 km chỉ để nhìn thấy điều này trong đời

Dù chúng ta sống tới 80 tuổi hay tạm biệt cuộc đời ở những năm tháng hai mươi thì ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Sẽ thật lãng phí nếu bạn không tận trọn vẹn quỹ thời gian quý báu của mình.

Nếu có một giấc mơ, hãy kiên trì theo đuổi nó. Dù cho khi đó bạn là bà lão tám mươi hay cô gái trẻ ngoài hai mươi. Đạt được điều mình muốn ở những năm tháng cuối cuộc đời còn hơn để những ao ước chìm vào hư vô.

Nếu còn do dự trước những giấc mơ, hãy thử đọc tiểu thuyết Etta và Otto và Russell và James của nhà văn người Canada Emma Hooper.

Một cụ bà đôi lúc không còn đủ tỉnh táo dám đi bộ suốt quãng đường dài hơn 3.000 km chỉ để nhìn thấy biển. Một mong mỏi rất cụ thể nhưng cũng thật mơ hồ, liệu chúng ta có thể tìm thấy gì ngoài những con sóng vỗ?

Chuyến đi bất ngờ của bà lão đãng trí

Vào một buổi sáng bình dị, ông lão Otto thức dậy và nhìn thấy lời nhắn của vợ. Bà Etta quyết định ra khỏi nhà và đi tìm về phía biển.

Trong suốt gần 83 năm cuộc đời, bà lão ấy chưa một lần nhìn thấy những con sóng bạc nơi đại dương. Chẳng thể đợi thêm được nữa, giờ là lúc bà ra đi để thực hiện mơ ước của mình.

Otto không đuổi theo vợ, ông để mặc Etta làm điều mà bà muốn. Giờ đây, chỉ còn một mình ông trong căn nhà thân thuộc. Để giết thời gian, Otto bắt đầu học nấu ăn theo những công thức mà Etta để lại.

Ông lão 83 tuổi học cách làm bạn với bột mì, men, trứng và bơ. Thất bại tìm đến ông trước tiên, sau đó thành công mới gõ cửa. Ông lão mỉm cười vì những mẻ bánh thơm phức, ngon gần bằng vợ làm.

Ba cu 83 tuoi di bo hon 3.000 km de nhin thay bien hinh anh 1

Tiểu thuyếtEtta và Otto và Russell và James.

Dù đã cố vùi mình trong những công việc vụn vặt, Otto vẫn lo lắng không nguôi. Etta mắc chứng đãng trí, dù cho bà đã trấn an Otto rằng sẽ cố nhớ đường để về nhà.

Ông lão tội nghiệp đem nỗi bất an ấy kể với Russell, người bạn từ thuở thiếu thời và giờ là hàng xóm thân thiết. Không thể ngồi yên như Otto, Russell quyết định đi tìm Etta.

Tại sao ông lão Russell phải làm như vậy? Cách đây hơn 60 năm, khi cả ba còn rất trẻ, Russell đã đem lòng yêu Etta. Nhưng tình ái vốn là một tấm chăn hẹp và may mắn chỉ dành cho Otto. Phải chăng, đây là cơ hội để Russell làm điều gì đó cho người phụ nữ mà ông luôn dành trọn cả trái tim.

Trong khi đó, Etta vẫn kiên định trên hành trình đi về phía biển. Trong chuyến đi tưởng như đơn độc của mình, bà may mắn gặp James, một con sói biết nói. Cả hai đã trở thành bạn, nương tựa vào nhau để vượt qua những khó khăn.

Chuyến đi bất ngờ cùng giấc mơ của Etta đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ mà cả hai gặp trên đường. Có người dám dũng cảm đi cùng họ, nhưng cũng có người e ngại. Hóa ra, ai cũng có những mơ mộng, nhưng rất ít người dám biến chúng thành hiện thực.

Sự muộn màng là đáp án của những con người yếu đuối

Với Etta và Otto và Russell và James, nữ văn sĩ người Canada không chỉ mang đến cho người đọc một cuộc hành trình kì lạ. Cô đem tặng những con người đang cảm thấy chông chênh một trải nghiệm thú vị về hoài bão, những ước mơ và ý nghĩa của chúng đối với cuộc đời.

Etta có thể tìm thấy những cách giản đơn hơn để nhìn thấy biển. Tại sao bà lại chọn một cung đường vòng với nhiều khó khăn và thử thách?

Dường như bà lão ấy không tìm một đích đến, bà đi để chiêm nghiệm thì đúng hơn. Rời khỏi ngôi nhà thân thương và những cảnh vật đã quá quen với tầm mắt cho bà cơ hội để ngẫm nghĩ nhiều hơn về cuộc đời mình.

Một cô bé, một thiếu nữ, một người đàn bà, một bà lão… sống gần hết cuộc đời, Etta luôn tìm cách náu mình vào những vùng an toàn mà quên mất tự hỏi bản thân: mình là ai, mình thực sự muốn gì.

Ba cu 83 tuoi di bo hon 3.000 km de nhin thay bien hinh anh 2

Nhà văn người Canada Emma Hooper. Ảnh: The Book seller.

Còn Russell, suốt cả chặng đường dài của tuổi trẻ cho đến khi xế bóng, ông vẫn chỉ biết yêu Etta dù cho không được ở bên bà một cách trọn vẹn. Vì tình yêu, người đàn ông khờ khạo và tội nghiệp ấy đã quên mất giấc mơ của chính mình.

Otto yêu Etta tha thiết, hơn nửa đời người sống có bà bên cạnh, cuộc đời của ông luôn gắn liền với người vợ của mình. Hành trình của Etta cùng sự vắng mặt của bà là cơ hội để Otto thấy rằng ông có thể hạnh phúc, hạnh phúc một cách độc lập. Yêu thương không đồng nghĩa với việc gần kề bên nhau, nhớ nhung cũng là một cách để yêu.

Ba con người ấy đã ở bên nhau hơn nửa cuộc đời, nhưng dường như họ chưa hiểu hết về nhau. Điều ấy cũng dễ hiểu thôi, bởi họ cũng chẳng hiểu nổi bản thân mình.

Suốt cả cuộc đời, họ đã trải qua nhiều lần sợ hãi bởi: chiến tranh, bệnh tật, sự chia cách… đến cuối đời, cả ba chợt nhận ra rằng sự nhàm chán cũng trở thành một nỗi sợ. Dường như sống trọn vẹn là một hành trình dài không ngơi nghỉ mà mỗi bước đi ta đều tìm thấy hạnh phúc.

Emma Hooper mang đến một sự pha trộn tuyệt vời giữa hiện thực và những mơ mộng. Ở đó, chắc chắn có những điều phi thực nhưng vẫn khiến bạn đọc muốn tin tưởng.

Tác phẩm được xây dựng bởi một lối kể dung dị, bình thản như câu chuyện hàng ngày. Để từ đó neo vào lòng người đọc một âm hưởng du dương, khiến ta phải thong thả để thưởng thức.

Những bài học lớn về hạnh phúc, tình yêu và ý nghĩa của cuộc sống được truyền tải một cách nhẹ nhàng, thi vị và đầy chất thơ trong Etta và Otto và Russell và James.

Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên những đợt sóng của cảm xúc. Ở đó, có sự tha thiết, nồng nhiệt của tuổi trẻ. Chút bình yên khi người ta đi tới lưng chừng của cuộc đời. Và cần nhất là những hi vọng khi xế bóng.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.