Bà lão bán rau giàu lòng nhân ái, dành hết vào việc từ thiện
Bà Trần Thụ Cúc sinh năm 1951, trong một gia đình nghèo khó với 8 nhân khẩu ở huyện Đài Đông, Đài Loan, Trung Quốc. Mọi chi phí sinh hoạt của họ đều phụ thuộc cả vào sạp rau ngoài chợ của bố - người đàn ông trụ cột trong nhà.
Năm 12 tuổi, khi vừa tốt nghiệp Tiểu học, bà Thụ Cúc đã phải trải qua một trong những biến cố lớn nhất cuộc đời khi mẹ của bà đột ngột qua đời vì khó sinh, đưa theo cả cô con gái xấu số còn chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời. Khó khăn chồng chất, bà Thụ Cúc buộc phải nghỉ học để ở nhà phụ bố bán hàng, kiếm tiền nuôi các anh em của mình ăn học.
Bà từng lọt top 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 2010
Ngày qua ngày, bà kiên trì thức giấc từ lúc 4 giờ sáng rồi nhanh chóng đến chợ rau, bận rộn buôn bán mãi tới 9 giờ tối mới dọn hàng. Chớp mắt một cái, mấy chục năm đã trôi qua và bà vẫn miệt mài tích cóp từng đồng tiền lẻ từ sạp rau "gia truyền" của mình. Bắt đầu từ năm 2013, khi dịch SARS hoành hành, khu chợ rau của bà phải tiến hành khử trùng định kỳ hàng tháng, khiến bà buộc phải "nghỉ phép" 12 ngày/năm, cộng thêm ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán, còn lại hầu như chẳng lúc nào bà nghỉ bán hàng.
Năm 1969, em trai thứ 3 của bà Trần Thụ Cúc qua đời sau một cơn bạo bệnh. Tuy là con gái, nhưng bà không hề nề hà công việc nặng nhọc và luôn sẵn sàng hy sinh mọi thứ để các anh trai, em gái và em trai của mình được ăn học đàng hoàng.
Mải miết gánh vác trọng trách nuôi sống và chăm lo cho các thành viên trong gia đình, bà Thụ Cúc chẳng có thời gian tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Thêm vào đó, nỗi đau bị phụ bạc khi còn xuân thì khiến cho bà mất hết niềm tin vào tình yêu, và cho đến nay bà vẫn sống độc thân. Bà chỉ dám ăn no 1 bữa trưa hàng ngày với thực đơn là mì gói hoặc cơm hộp. Tuy nhiên, không phải do sạp rau của bà ế ẩm khiến bà không kiếm được tiền, mà bởi vì có bao nhiêu của cải, bà đều dành hết vào việc từ thiện.
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thu nhập không nhiều, bà vẫn đem toàn bộ số tiền kiếm được giúp đỡ những người nghèo thiếu thốn. Tiền sinh hoạt một ngày của bà không nhiều nhưng tổng số tiền làm việc thiện của bà lên đến 10 triệu đài tệ (hơn 7 tỷ đồng). Số tiền này bà dùng vào việc nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, xây dựng thư viện. Bà chỉ nghĩ đơn giản rằng hôm nào giúp được ai, tối hôm đó về nhà ngủ ngon hơn. Hằng ngày, bà cảm thấy vui nhất là sau khi làm việc vất vả được ăn một bát mì nóng, thỉnh thoảng có thêm mấy món rau xanh.
Nhận định về việc một bà bán rau bất ngờ lọt vào 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2010, Richard Stengel và Radhika Jones, Giám đốc điều hành Tạp chí Time và Thư ký Tòa soạn phụ trách ấn phẩm Time 100, cho biết hằng năm, khi đưa ra danh sách bình chọn này, ngoài việc giới thiệu các nhân vật nổi tiếng, có quyền lực lay chuyển thế giới, ký giả của Tạp chí Time còn báo cáo lên tòa soạn những nhân vật đặc biệt. Họ có thể là những người rất bình thường, ít ai biết đến, nhưng nghĩa cử và hành động âm thầm đóng góp cho cuộc đời của họ có khả năng lay động lòng người và thay đổi tư duy cũng như thái độ của rất nhiều người trên thế giới.
Năm 2010 bà được mời đến New York Hoa Kỳ tham dự lễ phát thưởng trong một bữa tiệc lớn tổ chức vào tối 04/05/2010. Khi nói về bà Trần Thụ Cúc, tạp chí Time đã trích dẫn một câu nói của bà: “Tiền phải dùng cho người cần nó mới hữu ích“.
Nhận được giấy mời đến Mỹ lãnh thưởng, bà Cúc rất bất ngờ. Sức khỏe yếu, chân lại đau và chưa ra nước ngoài lần nào nên bà không muốn đi. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu biết được tin này lập tức gọi điện chúc mừng, khích lệ bà đến New York lãnh thưởng. Ông ca ngợi bà là “Đại sứ Từ thiện”, khuyên bà đi lãnh thưởng “để cho toàn thế giới đều biết được tấm lòng thương người của dân chúng Đài Loan”. Ông cảm ơn bà và chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Đài Loan thu xếp mọi thứ để bà có thể đến Mỹ dự buổi lễ phát giải thưởng.
Buổi tối ngày 3/5, bà hạ cánh an toàn ở New York và trú ngụ tại một khách sạn 5 sao sang trọng. Thế nhưng, suốt đêm hôm đó bà không hề chợp mắt, bởi không quen nằm trên chiếc giường đệm êm ái, mà chỉ nhớ nhung chiếc giường đơn sơ được làm từ một tấm gỗ cứng ở nhà mình.
Trước khi buổi lễ trao giải chính thức bắt đầu, bà Thụ Cúc được đưa đi làm đầu với đủ mọi kiểu mẫu tóc. Nhưng đến cuối cùng, bà lựa chọn buộc gọn tóc phía sau lại như mọi ngày vì: "Để như vậy thoải mái hơn."
Người phụ nữ nhân hậu chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ bà đã được chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của những đứa trẻ nghèo nên rất muốn giúp đỡ chúng. Bà cho rằng việc mình làm không có gì đáng ca ngợi, và bà làm vậy chỉ bởi vì cảm thấy rất vui sướng khi giúp được người khác: "Mỗi khi giúp được ai đó thì buổi tối hôm ấy tôi ngủ rất ngon."
Tuy chỉ sở hữu chiều cao 1,39m cùng dáng người nhỏ nhắn, thế nhưng bà lão bán rau Trần Thụ Cúc đã làm được những điều vĩ đại ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Có lẽ bà chính là minh chứng hùng hồn nhất cho câu nói: "Cho dù bạn không cao nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn".