Át chủ bài mới của người Mỹ

GD&TĐ - Sau thời gian khá dài, Mỹ lại đưa ra chiến lược mới về an ninh mạng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đã giúp hình thành thế giới mạng với khả năng làm thay đổi cơ bản và sâu rộng thế giới thực của con người.

Không gian mạng đưa lại cơ hội phát triển nhưng đồng thời cả rủi ro an ninh và hệ lụy nguy hại. Vì thế, Mỹ cũng như mọi quốc gia và vùng lãnh thổ khác đều có chính sách cũng như chiến lược vừa tận lợi không gian mạng vừa ứng phó những mối đe dọa an ninh và tác động tiêu cực từ không gian mạng.

Theo những gì vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố thì chiến lược an ninh mạng mới của Mỹ bao gồm 4 nội dung trọng tâm là hình thành hệ sinh thái kỹ thuật số an toàn trên toàn cầu, tôn trọng “quyền của các quốc gia đồng minh của Mỹ” về tiếp cận và tận lợi từ công nghệ số, hợp tác và liên kết giữa các đối tác để cùng nhau đối phó với các cuộc tấn công độc hại trên không gian mạng, tăng cường năng lực phục hồi sau khi bị tấn công mạng.

Bộ Ngoại giao Mỹ được dành cho nguồn tài chính nhất định để thực thi chiến lược này.

Ở đây trong thực chất có hai chuyện là Mỹ có nhu cầu cấp bách về tăng cường đảm bảo an ninh mạng và gây dựng việc đảm bảo an ninh mạng cùng với mời chào hợp tác, trợ giúp các đối tác trên thế giới về đảm bảo an ninh mạng làm con chủ bài mới cho tập hợp lực lượng, liên kết và liên minh nhằm đối phó các đối thủ và địch thủ của Mỹ trên thế giới.

Mỹ hiện vẫn được thế giới công nhận chung là cường quốc quân sự số một. Nhưng không phải sức mạnh quân sự mà tiềm lực công nghệ, khoa học và kỹ thuật mới đóng vai trò quyết định nhất đối với việc đảm bảo an ninh mạng.

Trong không gian mạng lại không tồn tại biên giới quốc gia. Vì thế, ngay đến cả Mỹ cũng lệ thuộc vào các đồng minh và đối tác bên ngoài. Bởi thế Mỹ mới phải cần “hệ sinh thái công nghệ số an toàn trên toàn cầu”.

Không có gì là khó hiểu khi chiến lược này của Mỹ hiện tại trước hết nhằm đối phó Nga và Trung Quốc. Trong thế giới hiện đại ngày nay, một khi quan hệ giữa các quốc gia với nhau không được tốt đẹp và êm thấm thì các hình thức chiến tranh mạng cả bí mật lẫn công khai ngày càng thêm phổ biến và tinh vi.

Với chiến lược này, Mỹ đồng thời còn theo đuổi tham vọng phất cờ an ninh mạng để quy tụ đồng minh và đối tác tập hợp xung quanh Mỹ định hình trật tự chính trị và pháp lý, tạo ra các luật chơi và cuộc chơi mới trong không gian mạng.

Đảm bảo an ninh mạng cho cả các đồng minh và đối tác của Mỹ là con chủ bài của Mỹ. Tiền bạc và công nghệ là công cụ được Mỹ sử dụng để làm việc này với các đồng minh và đối tác. Cả ở đây cũng ẩn hiện chủ định của Mỹ là dùng chiến lược an ninh mạng để phân rẽ các nước trên thế giới với Trung Quốc và Nga.

An ninh mạng nói chung và đối phó các cuộc tấn công mạng độc hại nói riêng đã trở thành vấn đề thời sự lớn và rất nhạy cảm về nhiều phương diện trong chính trị thế giới. Không gian mạng càng phát triển thì vấn đề đảm bảo an ninh mạng càng thêm nan giải.

Các chiến lược và chính sách về an ninh mạng càng phải được kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi. Vì thế, chiến lược an ninh mạng tiếp theo của Mỹ rồi sẽ có sớm chứ không phải để đợi lâu như lần này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ