Apple, Samsung gặp "xương xẩu" tại Trung Quốc

Chủ trương “hạ bệ” Samsung và Apple tại thị trường Trung Quốc của chính phủ Trung Quốc đang tạo thế thuận lợi cho các nhà sản xuất trong nước trong vài năm gần đây.

Trung Quốc luôn là thị trường béo bở của các hãng di động.
Trung Quốc luôn là thị trường béo bở của các hãng di động.

Truyền thông Mỹ đánh giá những động thái trong năm qua của chính phủ Trung Quốc đang làm cho hoạt động kinh doanh của hai ông lớn di động là Apple và Samsung gặp khó khăn tại chính thị trường lớn nhất trên thế giới.

Một bài báo trên trang Bloomberg cho rằng sự “hậu thuẫn” lớn nhất đối với các hãng sản xuất di động Trung Quốc đến từ kênh truyền hình quốc gia CCTV với những cáo buộc về thiết bị của Apple, Samsung kém chất lượng, dịch vụ chăm sóc khách hàng “tệ hại”, và theo dõi người dùng.

Chính những cáo buộc này sẽ khiến người dùng Trung Quốc ái ngại khi mua các sản phẩm của Apple và Samsung.

Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với bất kỳ hãng sản xuất thiết bị nào. Không chỉ là thị trường di động lớn nhất thế giới, Trung Quốc còn tiếp tục đạt mức tăng trưởng lớn về doanh số smartphone bán ra.

Theo thống kê của IDC, mặc dù tốc độ tăng trưởng của thị trường smartphone Trung Quốc trong quý 1 năm nay giảm nhẹ còn 31% nhưng con số này vẫn còn vượt xa các thị trường đã phát triển. Doanh số smartphone tại Trung Quốc hiện tại đang cao hơn gấp 6 lần thị trường di động lớn thứ 2 trên thế giới là Ấn Độ.

Với quy mô thị trường lớn như vậy, thế nên chỉ một điều chỉnh nhỏ trong chính sách của chính phủ hay nhu cầu người dùng cũng có thể ảnh hưởng tới doanh thu của một doanh nghiệp lớn có tổng doanh thu lên tới 189 tỷ USD.

Tuần trước, Samsung đã báo cáo doanh thu 3 quý liên tục giảm, và trong báo cáo của mình, hãng di động Hàn Quốc nhấn mạnh tới thị trường chính khiến tình hình kinh doanh của hãng không đạt như mong muốn. “Doanh thu quý II giảm mạnh một phần là do sức mua yếu trên thị trường smartphone Trung Quốc”, báo cáo ghi nhận.

Theo IDC, hiện tại Samsung và Apple vẫn là những hãng smartphone bán chạy nhất tại Trung Quốc. Samsung đang chiếm giữ thị phần lớn nhất tại Trung Quốc đại lục, trong khi đó, Apple đứng thứ 5, phía sau hãng smartphone mới nổi là Xiaomi.

Cả hai ông lớn đang nỗ lực hết sức để xây dựng hình ảnh của mình tại Trung Quốc. Apple từ lâu đã xác định nước này là một phần lớn giúp hãng tăng trưởng, và đã mở cửa hàng Apple Store thứ 10 của mình tại đây.

Trong khi đó, Samsung đang tạo hình ảnh bằng một loạt chiến dịch quảng cáo xây dựng thương hiệu. Có vẻ như cả hai sẽ tiếp tục đặt cược các khoản đầu tư marketing vào thị trường trọng điểm này.

Tuy vậy, mới đây chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu 3 nhà mạng lớn của nước này phải giảm chi phí trợ giá và quảng cáo đối với điện thoại iPhone. Việc hạn chế này sẽ có lợi đối với các hãng nội địa, như Lenovo, Coolpad và Huawei, vốn thường bán điện thoại giá rẻ, lợi nhuận thấp nhằm tăng thêm thị phần.

Một hãng di động mới nổi là Xiaomi cũng đã thành công với chiến lược bán smartphone cao cấp với giá siêu rẻ nhằm kinh doanh các dịch vụ tích hợp trên điện thoại.

Tờ Bloomberg đã điểm lại tất cả những “sự vụ” mà giới truyền thông Trung Quốc “giáng” vào các hãng công nghệ nước ngoài. Theo đó, năm ngoái, chương trình quyền của người tiêu dùng trên kênh truyền hình quốc gia CCTV đã lên tiếng chỉ trích các chế độ bảo hành và sửa chữa của Apple tại Trung Quốc.

Sau đó, tờ People"s Daily, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đổ thêm dầu vào lửa bằng bài báo có tiêu đề: “Đập tan thái độ ngạo mạn vô lý của Apple”. CEO Tim Cook đã phải lên tiếng xin lỗi người dùng Trung Quốc trên website của mình, và hứa thay thế hoàn toàn những iPhone cũ bị lỗi.

Vài tháng sau đó, CCTV tiếp tục “gây hấn” với Samsung. Kênh truyền hình này “kể tội” hai thế hệ điện thoại chủ chốt của Samsung là Galaxy S và Galaxy Note bị khởi động lại máy 30 lần mỗi ngày vì lỗi từ bộ nhớ RAM.

Mặc dù lỗi này cũng xuất hiện trên các smartphone Trung Quốc giá rẻ nhưng CCTV dường như không quan tâm. Dù vậy, Samsung cũng đã phải công khai xin lỗi và hứa sẽ sửa miễn phí cho các điện thoại bị lỗi.

Mới đây nhất, CCTV tiếp tục khiến người dùng Trung Quốc “hoang mang” khi tố cáo tính năng định vị người dùng trên iPhone có thể sẽ gây ra nguy cơ về an ninh quốc gia. Apple đã phản pháo trước những cáo buộc trên.

Hồi tháng 6 vừa qua, một bài viết trên tờ People’s Daily cũng tố cáo Apple, Microsoft, Google, và Facebook đã băt tay với một chương trình giám sát quốc gia của Mỹ để theo dõi Trung Quốc.

Việc Trung Quốc gây khó dễ với các hãng nước ngoài không còn giới hạn ở thị trường di động. Google và Facebook cũng không được chính phủ nước này hậu thuẫn.

Trung Quốc đã bắt đầu chặn tất cả các ứng dụng nhắn tin miễn phí của nước ngoài, trong đó có KakaoTalk và Line. Và tất nhiên, dịch vụ WeChat của hãng Trung Quốc Tencent được quyền thống lĩnh thị trường béo bở này. Đất nước lớn nhất thế giới cũng không chào đón hãng thương mại điện tử khổng lồ Amazon và kể cả các doanh nghiệp khác.

Tờ Bloomberg dẫn một ví dụ trái ngược về thái độ đối xử đối với doanh nghiệp nước ngoài khi “con cưng” Alibaba của Trung Quốc đang thực hiện đợt bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng lớn nhất của mình tại nước Mỹ. Và, Xiaomi sẽ tiếp tục được làm điều tương tự.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.