Áp lực giảm phát đang đến gần?

Áp lực giảm phát đang đến gần?

(GD&TĐ) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 7 giảm 0,29% so với tháng trước. Áp lực giảm phát đang trở nên lớn hơn bao giờ hết bởi đây là tháng thứ 2 liên tiếp CPI có chỉ số âm. CPI sau 7 tháng (tức là tháng 7/2012 so với tháng 12/2011) của năm nay tăng thấp nhất so với cùng kỳ của 8 năm trước đó, trong đó thấp hơn cả cùng kỳ năm 2006 (cả năm tăng 6,6%) và cùng kỳ năm 2009 (cả năm tăng 6,52%). Giảm phát không còn là tín hiệu hay sự cảnh báo nữa mà đang là một thực tế mà doanh nghiệp và nền kinh tế phải đối mặt.

Hầu hết các chỉ số đều suy giảm

Theo công bố của Tổng cục Thống kê về CPI cả nước trong tháng 7, nếu xét theo khu vực, tốc độ tăng CPI 7 tháng của khu vực nông thôn thấp hơn của khu vực thành thị (2,17% so với 2,48%). Nếu xét theo nhóm hàng hóa và dịch vụ, trong tháng 7 có 8/13 nhóm tăng, còn 5/13 nhóm giảm. Trong đó giá lương thực đã giảm trong 7 tháng liên tiếp, với tổng tốc độ giảm lên tới 6,1%. Đây là hiện tượng hiếm thấy trong cùng kỳ nhiều năm qua, do năm 2011 được mùa lớn, sản lượng lương thực tăng cao, lúa đông xuân và lúa hè thu năm 2012 vừa mới qua vụ thu hoạch với năng suất sản lượng đạt khá, do xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước bị giảm cả về số lượng (giảm 6%), giảm cả về giá (giảm 6,6%), làm cho kim ngạch cũng bị giảm theo (giảm 12,2%). 

Giá thực phẩm cũng bị giảm liên tục kể từ đầu tháng 3 trở lại đây, trong đó chủ đạo nhất là sự suy giảm của giá thịt lợn. Giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 4 tháng liền, chủ yếu do giá vật liệu xây dựng giảm, gần đây giá gas cũng đã giảm xuống. Mức giảm lớn nhất – 2,71% thuộc về nhóm giao thông do những tác động trực tiếp của các đợt giảm giá xăng dầu gần đây và các tác động gián tiếp dần được “ngấm” thông qua các hàng hóa và dịch vụ, mà rõ nhất là cước dịch vụ vận tải.

Đặc biệt trong tháng, nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng khá cao khi đạt mức 3,36% do những điều chỉnh giá dịch vụ y tế của một số địa phương theo Thông tư liên tịch do Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành gần đây. Theo thông tư này, giá các dịch vụ y tế sẽ được phép tăng từ 5 đến 20 lần so với trước đó. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc tăng giá này đến CPI từng tháng của cả nước không quá lớn do quyền số của chúng nhỏ và thời điểm, mức tăng giá khác nhau, tùy vào từng địa phương.

Với những diễn biến kinh tế mới này, nhiều chuyên gia được tham vấn đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ nền kinh tế đi vào giai đoạn giảm phát.

“Cầu” đang thấp hơn “cung”

CPI giảm 2 tháng liền, tăng thấp sau 7 tháng và sau một năm do nhiều nguyên nhân. Nếu lạm phát cao có nguyên nhân cơ bản, tổng quát là tổng cầu lớn hơn tổng cung, thì ngược lại khi lạm phát thấp lại có nguyên nhân cơ bản, tổng quát là cầu thấp hơn cung. Nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục đà suy giảm của tháng 6, sức mua của người dân yếu cộng với việc thiếu nhiều yếu tố nội lực cho CPI tăng như tín dụng tăng thấp (6 tháng chỉ tăng khoảng 0,76%), hàng tồn kho lớn, số DN phá sản ngày một tăng... Đó là thực trạng diễn biến nền kinh tế trong thời gian qua, và, theo dự báo, có thể tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong các tháng tới.

Yếu tố tâm lý cũng có tác động kéo lạm phát xuống
Yếu tố tâm lý cũng có tác động kéo lạm phát xuống

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, cầu bao gồm đầu tư và tiêu dùng trong nước đều co lại: đầu tư tính theo giá thực tế thì tăng, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá, thì giảm; tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tiêu thụ trong nước) thấp, chỉ bằng một nửa so với thời kỳ 2001-2010 (6,5% so với 12,9%).

Nếu lạm phát cao có nguyên nhân trực tiếp là yếu tố tiền tệ - tín dụng, thì chính yếu tố này nay cũng lại trực tiếp làm cho CPI tăng thấp và giảm, khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng sau 6 tháng vẫn còn mang dấu âm – hiện tượng hiếm có của cùng kỳ nhiều năm trước đó. Hai điểm “nghẽn” lớn nhất hiện nay là nợ xấu tăng nhanh và hiện ở mức rất cao chậm được giải quyết; tốc độ tăng tồn kho có giảm xuống trong mấy tháng nay, nhưng vẫn còn ở mức rất cao và diễn ra ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực, từ nông sản thực phẩm, sản phẩm công nghiệp chế biến, sản phẩm xây dựng, bất động sản...

Nếu yếu tố tâm lý là nguyên nhân quan trọng cộng hưởng làm cho lạm phát cao, thì nay yếu tố tâm lý cũng sẽ có tác động kéo lạm phát xuống, khi mà không ít nhà đầu tư, doanh nghiệp có tâm lý chờ lãi suất giảm nữa mới vay, khi mà người tiêu dùng có tâm lý chờ giá giảm nữa mới mua, mới tiêu dùng.

Ở một góc nhìn khác, xét trên quan hệ cung cầu thì tổng cầu của Việt Nam đang giảm mạnh thể hiện qua các chỉ tiêu như chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 8% so với cùng kỳ trong khi chỉ số tồn kho tăng 26% - cao hơn nhiều so với mức 15,9% cùng thời điểm năm trước; nhập siêu ước tính 685 triệu USD - rất thấp so với mức 6,7 tỷ USD của cùng kỳ năm trước và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cầu giảm đang được cho là nguyên nhân chính dẫn đến CPI giảm trong những tháng vừa qua.

Bắt đầu một giai đoạn giảm phát?

Khi CPI cả nước trong tháng 6 được công bố giảm 0,26% so với tháng 5, đã có không ít ý kiến cho rằng đó là một kết quả được lường trước và không khác so với dự báo; Với đà giảm của CPI lần này, cũng có ý kiến cảnh báo về một giai đoạn giảm phát đang bắt đầu. Tất nhiên mới chỉ là biểu hiện bước đầu chưa đáng lo ngại. Theo lý thuyết, tình hình đến cuối tháng 6 thì đúng như nhạn định. Lần gần đây nhất CPI giảm 3 tháng liên tiếp là vào quý IV/2008, sau đó Chính phủ đã phải tung ra gói kích cầu vào năm 2009, kéo theo lạm phát lên cao trong năm 2010 (11,75%) và 2011 (18,13%). 

Theo đánh giá của một số chuyên gia hàng đầu, nếu tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn, những nút thắt của nền kinh tế chưa được tháo gỡ như tín dụng vẫn tăng thấp, số doanh nghiệp phá sản vẫn lớn, hàng tồn kho cao thì khả năng CPI tháng 8 tiếp tục âm. Nếu các dự báo này là chính xác thì khả năng CPI sắp tới sẽ có 3 tháng giảm liên tiếp. Có nghĩa khi đó giảm phát sẽ trở thành sự thật chứ không còn là hiện tượng nữa. Cũng có nghĩa nền kinh tế còn đang chìm ngập trong khó khăn và nhiều doanh nghiệp sẽ còn phải đối mặt với nguy cơ phá sản nhiều hơn. 

Rõ ràng, các chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ thời gian qua, mà gần đây nhất là Nghị quyết 13/NQ-CP, đã giúp kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định lòng tin vào đồng tiền quốc gia. Song hiệu ứng phụ không mong muốn của nó lại khá lớn. Thắt chặt tiền tệ đã khiến cho suy giảm tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đạt được, nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, sự suy giảm quá nhanh và bất thường đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn vô cùng, với hàng tồn kho tăng cao, nợ nần chồng chất (chủ yếu do phát triển nóng và lãi suất cao). Hơn thế, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng cũng sẽ góp phần khiến cho các chính sách cứu trợ trở nên gấp gáp và cần thiết hơn bao giờ hết. 

Với diễn biến mới nhất từ CPI tháng 7, rõ ràng, giảm phát không còn là tín hiệu mà đang là một sức ép lớn, một thực tế mà kinh tế và doanh nghiệp đang đối mặt. Điều đó sẽ buộc Chính phủ phải linh hoạt và quyết liệt hơn trong các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Thu Ba

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ