Áp dụng quy luật não bộ để tiết dạy luôn cuốn hút

GD&TĐ - Cô giáo Đắk Lắk áp dụng thành công quy luật hoạt động của não bộ và phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực giúp nâng cao chất lượng môn Toán.

Cô Đặng Thị Hòa - giáo viên môn Toán, Trường THPT Ea H’leo (Đắk Lắk) trong một tiết dạy trên lớp. Ảnh: TT
Cô Đặng Thị Hòa - giáo viên môn Toán, Trường THPT Ea H’leo (Đắk Lắk) trong một tiết dạy trên lớp. Ảnh: TT

Tìm lời giải cho bản thân

12 năm dạy học, không ít lần cô Đặng Thị Hòa (giáo viên môn Toán, Trường THPT Ea H’leo, Đắk Lắk) đặt câu hỏi, tại sao mình dạy kỹ nhưng học sinh chưa hiểu bài? Với thắc mắc đó, cô quyết định tìm “lời giải” cho băn khoăn của bản thân.

Theo đó, cô tìm thông tin nói về quy luật hoạt động của não bộ. Cụ thể, nghiên cứu của George A. Miller (1956), trí nhớ làm việc của con người chỉ có thể giữ được khoảng 7 ± 2 đơn vị thông tin tại một thời điểm. Điều này có nghĩa là, khi học sinh tiếp nhận một lượng thông tin quá lớn trong thời gian ngắn, phần lớn sẽ bị quên đi hoặc bị xử lý sai lệch.

Tương tự, nghiên cứu của Donald E. Broadbent (1958) cũng cho thấy, bộ não chỉ xử lý sâu một phần rất nhỏ của lượng thông tin mà con người tiếp nhận, còn lại sẽ bị lọc bỏ ngay từ đầu để tránh quá tải nhận thức. Điều này giải thích vì sao nếu giáo viên truyền đạt quá nhiều kiến thức cùng lúc, học sinh dễ quên và khó tiếp thu hiệu quả.

Từ nghiên cứu trên, nữ giáo viên hiểu quy luật hoạt động của bộ não con người vận hành dựa trên nhiều quy luật, như: Giới hạn, hiệu quả ghi nhớ, độc đáo và khác biệt, quen thuộc…

“Con người tiếp nhận thông tin thông qua các giác quan vào não bộ với tốc độ khoảng 2 triệu bite/giây, nhưng tốc độ xử lý thông tin tại vùng trí nhớ làm việc chỉ diễn ra với tốc độ 128 - 134 bite/giây. Chúng ta có thể hình dung lượng thông tin vào như 500 lít nước đổ ào vào miệng một chai nước lọc 500 ml. Do vậy, phần lớn thông tin được tiếp nhận thường không được xử lý, có thể bị xóa bỏ, không chính xác hoặc nhầm lẫn”, cô Hòa phân tích.

Nắm được điều này, cô Hòa thiết kế bài giảng và nội dung học tập phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh thông qua chia nhỏ thông tin, ôn tập ngắt quãng. “Thay vì giảng dạy chủ đề lớn một lần, tôi và các đồng nghiệp chia thành nhiều phần, trình bày từng phần rõ ràng. Quá trình dạy, giáo viên sử dụng các công cụ hỗ trợ như hình ảnh, biểu đồ minh họa. Khi cung cấp nội dung học sinh cần ghi nhớ, thầy cô nói chậm, lặp lại 2 - 3 lượt để các em tiếp nhận thông tin”, cô Hòa nêu dẫn chứng.

Nữ giáo viên cũng lưu ý, hiệu quả ghi nhớ tỷ lệ thuận với mức độ xử lý thông tin. Do đó, thông tin cần được tổ chức với cấu trúc rõ ràng, trình bày theo logic nhất định. “Ví dụ, cho học sinh đọc sách giáo khoa tìm thông tin, sau đó yêu cầu hoàn thành phiếu học tập, tiến hành thảo luận cặp đôi. Tiếp theo, đổi phiếu chấm chéo giữa các cặp, điều này giúp 1 nội dung học sinh được xử lý thông tin 4 lần, hiệu quả ghi nhớ tăng lên”, cô Hòa dẫn chứng.

ap-dung-quy-luat-nao-bo-de-tiet-day-luon-cuon-hut4.jpg
Biểu đồ so sánh kết quả học kỳ I, lớp 10, Trường THPT Ea H’leo năm học 2023 - 2024 và 2024 - 2025.

Tiết dạy sinh động, hấp dẫn

Theo đánh của học sinh, đồng nghiệp tại Trường THPT Ea H’leo, các tiết dạy của cô Hòa sinh động, hấp dẫn, học sinh hào hứng và tích cực tham gia hoạt động học tập.

Nguyễn Thị Kim Liên - học sinh lớp 10A5 chia sẻ, trong các tiết dạy, cô Hòa thường ghi in đậm hoặc phấn màu đỏ, vàng các nội dung trọng tâm lên bảng. Điều này giúp việc ghi nhớ của em nhanh và sâu hơn.

Kim Liên nêu 1 ví dụ: “Khi dạy về hàm số bậc hai, cô cho học sinh quan sát đồ thị bằng hình vẽ, yêu cầu tìm ra điểm khác biệt, độc đáo như có điểm cao nhất hoặc thấp nhất, đối xứng,… Sau đó mới gọi tên những điểm khác biệt đó: Đỉnh, trục đối xứng. Thêm nữa, các video ngắn do cô tự tạo để giới thiệu bài học luôn mang tới sự vui vẻ, hào hứng và gây cho chúng em tò mò, từ đó tự đặt nhu cầu tìm hiểu kiến thức của bài học”.

Chung nhận định, em Nguyễn Trần Thùy Dương - lớp 11A6 cho hay, tiết học môn Toán của cô Hòa giúp học sinh hứng thú: “Trong các bài học dạy về tổ hợp xác suất, cô đưa ra ví dụ thực tế để học sinh dễ hình dung. Khi dạy các khái niệm trừu tượng cô lại dùng ẩn dụ. Như bài: Khái niệm hàm số liên tục, gián đoạn tại một điểm, cô dùng hình ảnh về bản chất sự thật và góc nhìn của con người để minh họa, điều này giúp học sinh khắc sâu kiến thức”.

Sau khi cô Hòa và tổ Toán áp dụng kỹ thuật dạy học tích cực, phổ điểm môn Toán của Trường THPT Ea H’leo đã có nhiều thay đổi (so sánh kết quả học kỳ I năm học 2023 - 2024 và học kỳ I năm học 2024 - 2025). Cụ thể: Tỷ lệ học sinh đạt mức “Tốt” tăng từ 6,0% lên 27,4%, mức “Khá” tăng từ 21,9% lên 30,8%, mức “Đạt” giảm từ 48,0% xuống 35,0%.

Với kết quả trên có thể khẳng định, phương pháp dạy học mới giúp học sinh hiểu, giải quyết vấn đề tốt hơn; nhiều em vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Đưa ra nhận xét, thầy Phạm Văn Chí - Hiệu trưởng nhà trường đồng thời khẳng định, cô Hòa đã tìm thấy phương pháp tích cực, phù hợp, từ đó những tiết dạy luôn độc đáo, khác biệt. Học sinh bị thu hút vào hoạt động học tập, nhiều em có thể ghi nhớ bài ngay tại lớp.

Thầy Chí cho biết thêm, theo quy luật chung, trong hàng loạt thông tin cùng đến, não bộ sẽ ưu tiên ghi nhớ những nội dung mang tính độc đáo, khác biệt trước. Hiểu điều này, cô Hòa đã khai thác hiệu quả trong dạy học, giúp phát triển tốt nhất phẩm chất, năng lực học sinh.

“Cô Hòa là một trong những giáo viên tích cực tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tối đa phẩm chất, năng lực học sinh; nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị. Đây cũng là cách để nữ giáo viên này tìm thấy niềm vui, hạnh phúc với nghề, yêu trò hơn theo từng năm tháng”, thầy Phạm Văn Chí chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ