Cách tính này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, bởi với cách tính này liệu có phải là một gánh nặng cho DN và liệu NLĐ có thực sự là người được hưởng lợi?
Về già NLĐ có được hưởng lợi?
Theo ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, cách tính BHXH mới này xuất phát từ thực tế. Quá trình tổng kết thực tiễn và thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 cho thấy nhiều DN đóng BHXH cho NLĐ trên cơ sở tiền lương tối thiểu hoặc cao hơn một chút. DN cũng chia thu nhập của NLĐ ra làm nhiều loại phụ cấp để làm giảm phần đóng BHXH.
Chẳng hạn, cũng là tiền lương nhưng lại chia ra phụ cấp chuyên cần, năng suất… dẫn đến tổng phụ cấp lại cao hơn lương chính. Điều này dẫn đến tiền đóng BHXH còn thấp, chỉ chiếm 66% mức thu nhập thực lĩnh của NLĐ.
Hệ quả là lương hưu NLĐ được hưởng rất thấp, không đảm bảo đời sống. Vì vậy, luật mới quy định tiền đóng BHXH phải dựa trên cơ sở tiền lương và phụ cấp để khắc phục tình trạng người nghỉ hưu được nhận lương hưu quá thấp như hiện nay.
Ông Huân cho rằng, NLĐ nên nhìn vào những điểm có lợi về lâu dài trong chính sách mới, là đóng nhiều thì hưởng lương hưu cao. Bởi không ít người khi đi làm được hưởng lương rất cao, nhưng lại đóng BHXH chưa bằng nửa lương thực lĩnh. Về già không có nguồn thu nào khác, dễ hụt hẫng khi chăm lo cho cuộc sống.
“NLĐ trích 8% lương hàng tháng đóng cho quỹ hưu trí và tử tuất, nhưng khi về già họ được hưởng tối đa 75% lương hưu nếu tích luỹ đủ số năm đóng BHXH. Ngoài ra, NLĐ cũng không phải đóng tiền vào quỹ ốm đau, tai nạn lao động, nghề nghiệp, phần đó doanh nghiệp sẽ lo...” – ông Huân nói.
Ông Huân cũng cho biết thêm, tới đây Bộ LĐ,TB&XH sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn, quy định cụ thể những phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. Phụ cấp sẽ tập trung vào các khoản cố định, lâu dài chứ không phải là những loại phụ cấp biến động thường xuyên. Đây là điều cơ quan quản lý hướng đến để tránh gây xáo trộn quá nhiều cho DN...
DN khó “lách luật”
Theo quy định của Luật BHXH mới, từ ngày 1/1/2016 đến hết năm 2017 đóng BHXH dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng, trong đó, NLĐ đóng 8% và DN đóng 18%. Từ 1/1/2018 trở đi, NLĐ đóng BHXH dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.
Theo quy định này, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động. Do đó, để giảm chi phí đóng BHXH, hiện nay, đa phần các DN, đặc biệt các DN sử dụng nhiều lao động, đóng BHXH chỉ cao hơn lương tối thiểu vùng một chút, còn lại là các khoản phụ cấp và trợ cấp.
Trước khả năng DN có thể lách luật bằng cách chuyển các khoản phụ cấp và trợ cấp sang tiền ăn giữa ca, tiền đi lại, điện thoại… Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, ngày 24/12, Bộ đã có công văn nhắc nhở các DN phải xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu theo đúng quy định.
Trong khi thực hiện, DN cố gắng không được cắt các khoản phụ cấp của NLĐ. Các địa phương sớm tiếp nhận hệ thống thang bảng lương của DN đăng ký để làm cơ sở đóng BHXH.
Còn theo bà Trần Thị Thuý Nga - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ,TB&XH), từ năm 2016 cơ quan Bảo hiểm có thêm chức năng thanh tra việc đóng BHXH của DN. Những loại tiền được xác định là phụ cấp mà DN lại “né” sang loại khác sẽ bị thanh tra.
“Trước đây, nhiều DN lạm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ để phục vụ sản xuất, kinh doanh, thay vì phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao và thủ tục hạn chế. Theo quy định cũ, DN chậm đóng chỉ bị phạt vi phạm bằng một lần lãi suất đầu tư nhưng trong Luật BHXH mới đã nâng mức phạt lên gấp đôi để hạn chế tình trạng này”.
Theo bà Nga, để đưa Luật BHXH vào đời sống, hiện Bộ LĐ,TB&XH đang gấp rút chuẩn bị Thông tư và lấy ý kiến của các bộ, ngành; trên cơ sở đó sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể. “Chúng tôi nhận thấy đây là quy định rất quan trọng, ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng chục triệu người dân.
Chính vì vậy, chúng tôi đã làm rất kỹ và có nhiều ví dụ để quá trình thực hiện được dễ dàng và thuận lợi hơn. Theo đó Thông tư hướng dẫn dày hơn 50 trang khổ giấy A4 và chắc chắn sẽ ban hành sớm” - bà Nga nói.