“Áo” tàng hình của Harry Potter sắp có phiên bản thật

GD&TĐ - Một trong những vật phẩm ma thuật thú vị nhất trong kho đồ dùng phù thủy của nhân vật Harry Potter nổi tiếng là chiếc áo choàng tàng hình. Nó cho phép cậu bé lẻn vào các phòng và hành lang mà không bị phát hiện.

Binh sĩ của Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) rất khó bị phát hiện với bộ quần áo giúp họ hòa nhập với xung quanh.
Binh sĩ của Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) rất khó bị phát hiện với bộ quần áo giúp họ hòa nhập với xung quanh.

Mặc dù, công nghệ hiện đại vẫn chưa thực sự tạo ra chiếc áo như vậy nhưng một phát minh mới của các nhà khoa học Hàn Quốc đang tiến gần đến sản phẩm này.

Chiến đấu theo phong cách Harry Potter

Trong một tương lai không xa, các binh đoàn và lực lượng vũ trang sẽ chiến đấu với nhau theo phong cách Harry Potter, tức là sử dụng áo tàng hình. Các nhà khoa học đang phát triển một loại da có thể ngụy trang cho binh lính trên chiến trường và đã thể hiện sự thành công trong các thử nghiệm sơ bộ.

Lấy cảm hứng từ “đặc tính ngụy trang hấp dẫn của động vật thân mềm” như mực và bạch tuộc, loại da tàng hình trên hoạt động trên cơ sở sưởi ấm và làm mát, tức là màu sắc của nó phụ thuộc vào nhiệt độ mà nó phải chịu.

Các nhà khoa học trong đó có Giáo sư Seoung Hwan Ko từ Trường ĐH quốc gia Seoul, Hàn Quốc có thể khiến một người trở nên tàng hình hoặc gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Họ đã và đang phát triển một loại da nhân tạo thú vị hoạt động như một loại ngụy trang tích cực, cho phép quân nhân và binh sĩ dễ dàng hòa nhập với môi trường xung quanh. Tấm da này sẽ vô hình hóa hiệu quả các máy ảnh thông thường, đồng thời khiến cho các thiết bị hồng ngoại nhìn ban đêm cũng phải “bối rối”.

Như đã tiết lộ trong một bài báo nghiên cứu gần đây được xuất bản trên tạp chí trực tuyến Advanced Function Materials, một lớp phủ đặc biệt trong nghiên cứu có thể tự hòa trộn và ngụy trang.

Trong quá trình này, nó có thể hạ hoặc tăng nhiệt tùy theo bản chất của môi trường xung quanh. Do đó, nó có khả năng khiến những binh sĩ trong tương lai hầu như rất khó xác định bằng quang học ảnh nhiệt truyền thống.

Điều cốt lõi của chiếc áo tàng hình trên là nó được tạo bởi các pixel riêng lẻ, với mỗi pixel chứa các tinh thể lỏng nhiệt khiến chúng thay đổi màu sắc để phản ứng với môi trường xung quanh bên ngoài. Các miếng pixel có thể uốn và phù hợp với độ cong của da cho phép người mặc nó như một tấm da nhân tạo. Tấm da này có phản ứng với nhiệt, giúp người mặc ngụy trang.

Theo nghiên cứu, các miếng khớp màu sắc được tạo ra từ những tinh thể trên phản ứng với nóng và lạnh, do đó “cho phép tạo ra nhiều màu sắc đa dạng bằng cách kiểm soát nhiệt độ. Vì vậy, nó có thể che giấu người dùng trong phạm vi nhìn thấy được bằng cách tạo màu hòa nhập với môi trường xung quanh”.

Kết quả tích cực từ các thử nghiệm

Để chứng minh các đặc tính độc đáo của nó, các nhà nghiên cứu đã đặt một miếng da nhân tạo trên bàn tay người và đưa nó di chuyển qua một nền nhiều màu trong phạm vi nhiệt độ khác nhau.

Theo thử nghiệm, họ quan sát thấy các pixel riêng lẻ trong lớp da nhân tạo mau chóng điều chỉnh theo môi trường nền một cách chính xác như thể có một lỗ hổng trên bàn tay. 

Trong một ví dụ khác, họ đã cho miếng da nhân tạo lên má của một người đứng trong nền của những bụi cây. Kết quả là vùng má được dán da nhận tạo có màu trùng khớp với nền và trông giống như phần mở rộng của bộ quân phục có hoa văn ngụy trang.

Nhóm cũng đã giải quyết được vấn đề khi người dùng hoạt động ở những nơi có nhiệt độ khắc nghiệt chẳng hạn như Bắc cực hoặc sa mạc, có thể ảnh hưởng đến khả năng che giấu của thiết bị.

Ông Seung Whan Ko cho rằng “vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách thêm một chất cách nhiệt thích hợp... Nhưng điều đó cũng có thể khiến hiệu suất thay đổi, có nghĩa là cần phải thử nghiệm nhiều hơn trước khi thiết bị được chuẩn bị đầy đủ để phục vụ chiến đấu”.

Ngoài ra, việc xác định màu sắc trong môi trường vẫn chưa hoàn thiện vì các nhà nghiên cứu vẫn phải nhập các tông màu theo cách thủ công. Do vậy, nhóm vẫn còn nhiều việc phải làm để cho phép miếng vải “nhìn” thấy tất cả màu sắc xung quanh và thay đổi theo.

Hiện tại, các màu sắc đang được đưa vào qua máy tính để kiểm tra công nghệ này. 

Công việc đang tiến triển, nói với hãng tin Defense One, ông Seung Hwan Ko cho biết: “Gần đây, chúng tôi đã phát triển một phương pháp phát hiện và bắt chước môi trường bằng cách tích hợp một camera siêu nhỏ với các thiết bị của chúng tôi để tạo ra một thiết bị hoạt động tự động”. 

Để binh sĩ có thể dùng loại vải tàng hình này trên chiến trường, họ cần một công nghệ đi kèm giúp họ chịu đựng được nhiệt độ khắc nghiệt.

Hàn Quốc không phải là nơi đầu tiên phát triển công nghệ “binh sĩ ma”. Binh sĩ của Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) cũng gần như tàng hình với bộ quần áo đặc biệt khi xuất hiện ở vùng núi tuyết, khiến đối thủ phải lo ngại. Họ đã được huấn luyện để sống sót và chiến đấu trong những điều kiện khắc nghiệt nhất và có sự trợ giúp của những bộ đồ giúp họ “biến mất”.
Theo The Sun/Daily Mail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ