Áo dài: Chiều sâu văn hóa Việt

Áo dài: Chiều sâu văn hóa Việt

Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra tại Hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” cùng những giải đáp đầy thú vị của các nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa...

In sâu thân thương, thiêng liêng

"Trải qua 5 thế kỷ, áo dài truyền thống đã in sâu một cách thân thương cũng như thiêng liêng vào tâm hồn người Việt", dành nhiều thời gian để kỳ công nghiên cứu về áo dài truyền thống Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách nhấn mạnh như vậy. 

Theo ông, áo dài Việt Nam được biết đến dưới 2 dạng, bốn thân (vẫn được quen gọi theo tiếng Hán Việt là áo tứ thân) và năm thân, hay còn gọi là năm tà. Áo tứ thân không có khuy cài, và mở dọc ở giữa 2 vạt trước. Áo năm thân với vạt cài nút sang một bên, từ vài thập niên nay được cải tiến thành 2 thân, nhưng vẫn mang dạng 5 thân.

Ông Bách đặc biệt lưu ý những chi tiết lịch sử về áo dài 5 thân. Theo sử gia Phan Khoang, trong sách "Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777", thì tương truyền Đào Duy Từ (1572 - 1634) trong lúc lập kế chống lại họ Trịnh ngoài Bắc đã khuyên chúa Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên đổi cách ăn mặc của dân chúng xứ Đàng Trong cho khác biệt hẳn với xứ Đàng Ngoài. Như bỏ nón thượng đội nón chóp, bỏ áo tứ thân phơi yếm mà mặc áo năm thân cài khuy, cũng như bỏ váy để mặc quần.

Tiếp đó là trong sách "Phủ biên tạp lục" được Lê Quý Đôn viết khi ông làm hiệp trấn Thuận Hóa, sau khi Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc của triều đình Đàng Ngoài chiếm được Thuận Hóa từ chúa Nguyễn năm 1776. 

Trong đó có đoạn: "Năm Cảnh Hưng thứ 5, Giáp Tý, Nguyễn Phúc Khoát nghe người Nghệ An truyền câu sấm: "Tám đời trở về Trung Nguyên", thấy từ Đoan Quốc công đến nay vừa đúng 8 đời, bèn xưng vương hiệu, lấy thể chế áo mũ trong "Tam tài đồ hội" làm kiểu mới, áo đều dùng vóc đoạn, người sang thì dùng mãng bào thủy ba, mũ thì trang sức bằng vàng bạc. Lại hạ lệnh cho trai gái hai xứ (Thuận, Quảng) đổi sang dùng áo quần Bắc quốc để tỏ sự biến đổi; đến như khiến phụ nữ đều mặc áo ngắn hẹp tay như áo đàn ông thì Bắc quốc không có như thế. 

Trải hơn 30 năm, người ta đều tập quen, quên cả tục cũ". Có thể thấy, những gì Lê Quý Đôn viết trong "Phủ biên tạp lục" đã khiến nhiều người kết luận rằng chính chúa Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát của xứ Đàng Trong khi xưng vương năm Giáp Tý (1744) đã thay đổi cách ăn mặc của người dân Nam Hà, và tạo ra áo dài năm thân.

Điều này cũng được họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt nhắc đến khi cho rằng, tiền thân áo dài ngày nay được gọi là áo ngũ thân tay chẽn được định hình từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, ông là người đặt nền tảng cho hình hài của áo dài. 

Sau khi đất nước thống nhất toàn cõi, nhà Nguyễn đã kế thừa sự cải cách trang phục thời các Chúa. Tới năm 1836 - 1837, vua Minh Mạng sau chuyến tuần du ra Bắc Hà, tận mắt nhìn thấy người dân Bắc vẫn giữ kiểu ăn mặc cũ (tức vẫn mặc áo tứ thân) đã quyết định tiến hành cải cách trang phục triệt để. Từ đó áo dài được phổ biến rộng trong cả nước.

"Áo dài ngũ thân được ra đời trong bối cảnh nhà Nguyễn lấy tư tưởng của Nho giáo làm chuẩn mực đạo đức xã hội, cho nên kiểu dáng trang phục này của nam và nữ đã phần nào đáp ứng được quan niệm thẩm mỹ của xã hội đương thời. 

Áo dài ngũ thân đã khắc phục được nhược điểm của những trang phục trước đó, tiện lợi gọn gàng, kín đáo khi mặc, mang đặc điểm riêng, khác với trang phục các quốc gia đông văn khác, phù hợp với khí hậu. 

Đặc biệt, kiểu dáng áo khắc phục những nhược điểm cơ thể của đàn ông và phụ nữ Việt, tạo cho người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai phong", họa sĩ Đức Bình nhấn mạnh.

Áo dài Lemur và những cách tân

Áo dài: Chiều sâu văn hóa Việt ảnh 1
Trải qua 5 thế kỷ, áo dài truyền thống đã in sâu một cách thân thương. Ảnh: Nguyễn Văn Luận 

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều đặc biệt nhắc đến câu chuyện họa sĩ Nguyễn Cát Tường - người từng du học ở Pháp đã tích cực cách tân áo dài 5 thân. Từ quan điểm: "Quần áo tuy dùng để che thân, nhưng nó có thể như tấm gương phản chiếu trình độ tri thức một nước", người họa sĩ này đã tiến hành nghiên cứu, thiết kế, cải cách một cách táo bạo. 

Theo TS Trần Thị Biển - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Cát Tường đã nghiên cứu, thiết kế chiếc áo dài truyền thống vốn chỉ thấy ở hình ảnh người phụ nữ thôn quê, đời sống bình dân hay không đơn thuần chỉ là những màu sắc bình dị thì nay đã có những thay đổi cơ bản.

Năm 1934, ông đưa ra mẫu áo dài với hai tà trước và tà sau, ở đó phần eo được nhấn hơi sát vào bụng làm tôn vẻ đẹp đường cong uốn lượn từ điểm ngực xuống eo và xuống đến hông. "Sự cải cách y phục áo dài này đã tạo ra sự mềm mại tha thướt của dáng điệu cũng như sự trẻ trung dịu dàng. 

Ngoài việc làm nhấn độ cong của ngực, eo và hông của người phụ nữ thì kiểu dáng chiếc áo dài này còn tạo sự gọn gàng, kín đáo và thoải mái. Từ kiểu dáng này những năm sau được vận dụng thêm kiểu xếp ly phần bụng làm tăng vẻ đẹp thẩm mĩ và được thực hiện phổ biến ở khu vực phía Nam", TS Trần Thị Biền đánh giá.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách thì cho rằng, trong cuộc cải cách áo dài 5 thân của phụ nữ ở thập niên 1930, các họa sĩ tham dự có Lê Phổ, Lê Thị Lựu... và họa sĩ Cát Tường… 

Về cơ bản sự cải cách này vẫn giữ hình dạng của áo dài 5 thân, chưa có chít li ở eo và chỉ đổi mới bằng cách làm cho áo tương đối ôm thân thể hơn bằng cách bỏ việc nối sống giữa. Vì lúc đó có những loại vải nhập từ Âu châu được dệt với khổ rộng hơn, không cần nối vải nữa. Ngoài ra cái vạt thứ năm (tức vạt hò) bên trong cũng được bỏ đi một nửa bên dưới.

Trong đó, họa sĩ Cát Tường, tức Lemur do tên Tường của ông dịch ra tiếng Pháp rồi biến thể đi một chút, đã cố gắng cách tân cái áo dài năm thân truyền thống một cách táo bạo hơn cả. 

Đả phá nguyên tắc che cổ bịt tóc ngàn xưa của người Việt trong việc cải biên, áo Lemur của người họa sĩ này được Âu hóa mạnh mẽ. Chẳng hạn, cổ cắt đa dạng, có khi khoét trái tim có khi có cổ lọ, hoặc có khi cổ hở được may vải nhún. Vai thường may bồng. Tay có khi cắt ngắn hay loe rộng. Quần thường có ống loe. 

"Với cái nhân sinh quan nệ cổ "răng đen, tóc xẻ ngôi giữa, vấn khăn" của đại đa số phụ nữ Việt lúc đó, áo dài Lemur chỉ được một bộ phận nhỏ phụ nữ rất cấp tiến đón nhận. Và áo dài Lemur gần như hoàn toàn biến mất sau khi họa sĩ Cát Tường biệt tích năm 1949. Các loại áo dài phụ nữ cách tân ở thế kỷ 21 này nhiều khi chỉ là sự lặp lại của những gì họa sĩ Cát Tường đã làm cách đây gần 90 năm", nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cho hay.

Ngoài ra, ông Trịnh Bách còn nhắc đến một sự cải cách quan trọng khác của áo dài nữ Việt Nam. Năm 1961, một nhà thiết kế thời trang nữ người Mỹ gốc Nhật đang công tác ở Sài Gòn, bà Michiko Uyemura, đã tạo ra một thiết kế mới. 

Bà đã lấy cái cổ cắt ngang, và cái tay cắt hơi ngắn mà người phương Tây gọi là three-quarters tức là 3/4, được biết đến nhiều ở phương Tây lúc ấy qua trang phục Ấn Độ - Pakistan, cho cái áo dài mới của bà. Đây chính là mẫu áo được bà Ngô Đình Nhu ưa thích nên hay tự thân mặc để phổ biến. Vì thế, cái áo dài này được gọi là áo dài bà Nhu.

Chiều sâu văn hóa Việt

Nghiên cứu sinh Phan Nhật Anh – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã có một bài viết khá thú vị khi so sánh áo dài Việt Nam với kimono Nhật Bản và hanbok Hàn Quốc. 

Theo Nhật Anh, mặc dù có quá trình thay đổi khá phức tạp nhưng áo dài Việt Nam đến ngày nay vẫn được giữ gìn và bảo tồn, đưa vào sử dụng như một loại trang phục mang tính chất thời trang thiết thực. Chẳng hạn, áo dài được sử dụng làm đồng phục công sở hay đồng phục học sinh, sinh viên mặc vào mỗi ngày đến trường. Không phải đợi đến những ngày lễ lớn mà trong thường nhật tại đâu đâu trên mảnh đất Việt Nam cũng có thể thấy thấp thoáng tà áo dài truyền thống.

Trong khi đó, ngày nay Kimono Nhật Bản và cả Hanbok Hàn Quốc thường chỉ được sử dụng vào các dịp lễ tết hay những ngày quan trọng của đời người. Về chất liệu và cách may mặc áo dài Việt Nam là loại trang phục có cách may và cách mặc đơn giản nhất. 

Ngày nay áo dài Việt Nam được nâng lên tầm cao mới với những thiết kế sáng tạo trong chất liệu và kiểu cách, đáp ứng phần lớn nhu cầu thẩm mỹ của hiện đại mà không làm mất đi dáng dấp truyền thống.

Khẳng định áo dài trở thành biểu tượng của nền văn hóa, TS Trần Thị Biển nhấn mạnh thêm, trang phục này luôn mang giá trị truyền thống về kiểu dáng, về chất liệu, về quan điểm thẩm mĩ, thể hiện rõ nét riêng, độc đáo về văn hóa mặc trong suốt chiều dài lịch sử cho đến hiện nay. Trong đó, giá trị thẩm mĩ của chiếc áo dài phụ nữ Việt đã thể hiện tư duy thiết kế và quan điểm thẩm mĩ cũng như sự chuyển mình của xã hội tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt ở mọi góc nhìn của đời sống xã hội đương đại. Sự hòa nhập của chiếc áo dài phần nào nói lên văn hóa ứng xử hướng thiện của người Việt từ truyền thống đến hiện tại.

Cùng với đó, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cho rằng, vì tọa lạc giữa hai nền văn hóa đồ sộ của thế giới là Trung Hoa và Ấn Độ nên từ văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật..., trong đó có trang phục truyền thống là áo dài, Việt Nam ít nhiều cũng bị ảnh hưởng của hai nền văn hóa này.

Đối với riêng áo dài, "dù có thể có gốc gác từ đôi nguồn ngoại nhập nhưng người Việt đã sáng tạo ra những nét độc đáo riêng trên cái áo này để ngày nay nó có một chỗ đứng đặc biệt trong thế giới thời trang quốc tế, ngang với Kimono của Nhật Bản và Salwar Kameez của của các nước Ấn - Hồi. Và để giờ đây đến bộ từ điển bách khoa nổi tiếng toàn cầu Encyclopedia Britanica cũng phải có phần viết riêng về cái áo dài Việt Nam", ông Trịnh Bách tự hào khẳng định.

"Không một đất nước nào có một trang phục dân tộc vừa đẹp, truyền thống mà lại có chiều sâu văn hóa như tà áo dài Việt Nam" - Bà James Sterson (Mỹ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.