Anh: Sẽ không sử dụng kết quả thi để xác định các trường thất bại

GD&TĐ - Các trường học sẽ không còn bị phạt vì không đáp ứng tiêu chuẩn của chính phủ trong các kỳ thi quốc gia. Đó là công bố mới nhất của Bộ trưởng Bộ GD Vương quốc Anh (DfE), ông Damian Hinds, nằm trong chiến lược mới nhằm thu hút và giữ chân các giáo viên; đồng thời làm cho việc giảng dạy trở nên hấp dẫn hơn, bao gồm thúc đẩy môi trường làm việc linh hoạt và giàu năng lượng.

HS trung học ở London tham gia một kỳ thi GCSE
HS trung học ở London tham gia một kỳ thi GCSE

Giảm áp lực cho lãnh đạo trường

Chiến lược đổi mới của DfE đồng nghĩa với việc các trường học sẽ không bị xác định là thất bại hoặc không đủ điều kiện về chất lượng, dựa trên kết quả của các bài kiểm tra quốc gia hoặc kỳ thi lấy chứng chỉ chương trình GD phổ thông (GCSE - chứng chỉ đầu tiên trong hệ thống GD nước Anh và được công nhận rộng rãi trên thế giới), xóa bỏ gánh nặng đánh giá vốn bị chỉ trích là không công bằng với các trường học có thử thách HS.

Thay vì kết quả của các kỳ thi quốc gia, chỉ có kết quả kiểm tra do Văn phòng Tiêu chuẩn về Giáo dục, Dịch vụ và Kỹ năng của Trẻ em (OFSTED) thực hiện, sẽ được sử dụng như một tác nhân can thiệp vào các trường học, chẳng hạn thay đổi quản lý - một quyết định được lãnh đạo nhà trường hoan nghênh khi loại bỏ mối nguy hiểm gấp đôi mà nhiều người phải đối mặt, nếu việc đánh giá được thực hiện thông qua các kỳ thi vốn nhiều rủi ro ngoài ý muốn.

Các tiêu chuẩn sàn và biên độ điểm thường làm gia tăng căng thẳng không cần thiết đối với các trường, trong khi lại không giúp ích nhiều cho các trường trong việc cải thiện chất lượng. Các nhà lãnh đạo của trường sẽ hài lòng khi quyết định mới của DfE được đưa ra, vốn đi ngược với sự vận động lâu nay của ông Paul Whiteman, Tổng Thư ký Hiệp hội Giáo viên quốc gia, vốn đánh giá cao việc lấy kết quả các kỳ thi để đánh giá xếp loại các trường.

Thêm thời gian để bồi dưỡng giáo viên

Theo DfE, sự thay đổi này là một phần của gói chiến lược được thiết kế để khiến việc giảng dạy trở nên hấp dẫn hơn, bao gồm nỗ lực tăng cường làm việc và chia sẻ công việc linh hoạt; đồng thời cắt giảm khối lượng công việc cho giáo viên trong các lĩnh vực như đánh dấu, thu thập dữ liệu và lập kế hoạch bài học.

Các biện pháp mới này bao gồm một khuôn khổ thúc đẩy nghề nghiệp cho những người mới, được thiết kế để hỗ trợ các giáo viên mới có trình độ khi bắt đầu sự nghiệp, giữa thời điểm mà ngành GD Anh quốc đang có một số lượng đáng kể giáo viên bỏ nghề. Trong khuôn khổ này, giáo viên mới sẽ nhận được gói đào tạo và hỗ trợ hai năm trước khi chính thức bắt đầu sự nghiệp, bao gồm thời gian giảng dạy giảm để tiếp tục được đào tạo. DfE chương trình này khi đi vào hoạt động đầy đủ sẽ được hỗ trợ gói kinh phí 130 triệu bảng mỗi năm.

“Việc hỗ trợ nâng cao tay nghề cho những người sẵn sàng tham gia vào công tác giảng dạy như vậy nhằm để truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi, hỗ trợ sự phát triển của họ và thiết lập cho họ một tương lai tươi sáng. Họ có nhiều thời gian để tái tạo năng lượng và sáng tạo hơn, thay vì chôn chân tại văn phòng sau giờ học để điền vào các bảng tính về điểm số HS” - ông Hinds nói – “Chiến lược đầy tham vọng này cam kết hỗ trợ giáo viên, đặc biệt là những người mới bắt đầu sự nghiệp, tập trung vào những gì thực sự quan trọng đối với nghề nghiệp, trước hết là các HS trong lớp học của họ”.

Cũng theo ông Hinds, trong một thị trường lao động tốt nghiệp ĐH đầy cạnh tranh, cần phải tiếp tục đảm bảo rằng giảng dạy là một nghề hấp dẫn để có thể đào tạo và duy trì thế hệ giáo viên truyền cảm hứng tiếp theo.

Băn khoăn hiệu quả thực hiện

Chiến lược mới của DfE bao gồm một số khoản thanh toán dựa trên số lượng những giáo viên mới vào nghề để duy trì họ, với các khoản thanh toán bổ sung trong suốt những năm đầu tiên của sự nghiệp. DfE cho biết, các ưu tiên cho chiến lược đã được quyết định khi tham khảo ý kiến của các công đoàn GD hàng đầu - những người đã đồng ý giúp các trường thực hiện chiến lược này.

Chiến lược được đề xuất khi các trường trung học ở Anh có nhu cầu cấp thiết để tuyển dụng và giữ chân giáo viên. Số lượng HS trung học được dự báo sẽ tăng 15% trong thập kỷ tới, theo Tổ chức Nghiên cứu Giáo dục quốc gia (NFER), trong bối cảnh chính phủ đã bỏ lỡ các mục tiêu tuyển dụng cho giáo viên trong sáu năm qua, đặc biệt là cho các môn chính như Toán học, Ngoại ngữ và Vật lý hiện đại.

Bả Carole Willis, Giám đốc điều hành của NEFR, cho biết tổ chức của bà hoàn toàn ủng hộ chiến lược mới của DfE, đặc biệt là những nỗ lực cải thiện khả năng duy trì đội ngũ giáo viên mới gia nhập.

“Chúng tôi sẽ chỉ đưa ra một lưu ý thận trọng” - bà Willis nói - “Có phải tốc độ thực hiện được đề xuất đủ nhanh để cung cấp những gì cần thiết khi số HS ở các trường trung học tiếp tục tăng và liệu có đủ kinh phí để cung cấp các đề xuất được nêu? Rõ ràng chúng ta cần khuyến khích nhiều giáo viên ở lại, đồng thời đề nghị những người đã bỏ nghề về triển vọng của một nghề nghiệp thú vị, bổ ích và có thể thăng tiến, để họ suy nghĩ lại”.

Tuy vậy, bà Angela Rayner, người được đề cử vị trí Bộ trưởng DfE của Công đảng đối lập, cáo buộc các chính sách của chính phủ đương nhiệm mới là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng, với số lượng kỷ lục các giáo viên giàu kinh nghiệm hiện đang rời bỏ nghề. Theo bà Rayner, việc thực hiện chiến lược đảo ngược của DfE sẽ không giải quyết được vấn đề, nếu các chính sách của chính phủ đối với GD không thay đổi. Đó là việc nhiều năm cắt giảm lương giáo viên và ngân sách cho trường học, khiến các trường không thể giữ chân giáo viên, cũng như không thể tuyển đủ số lượng cần để bù vào.

Những bất cập này, bà Rayner cho rằng chỉ có thể thay đổi nếu Công đảng lên nắm quyền thay đảng Bảo thủ cầm quyền hiện nay.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.