Ông William Bryan, cố vấn khoa học và công nghệ Bộ An ninh nội địa Mỹ DHS, cho biết, các nhà khoa học ở Trung tâm Phân tích Phòng vệ Sinh học và Ứng phó (NBACC) thuộc Bộ này vừa có phát hiện quan trọng liên quan đến SARS-CoV-2. Theo phát hiện mới nhất, tia cực tím có tác động mạnh đến mầm bệnh này, từ đó người ta hi vọng số lượng các ca nhiễm SARS-CoV-2 sẽ giảm nhiều trong những tháng hè.
“Ấn tượng nhất đối với chúng tôi là khi quan sát được ảnh hưởng mạnh của ánh nắng đối với virus. Ánh nắng tiêu diệt virus trên các bề mặt và trong không khí. Chúng tôi quan sát được điều đó cả khi trời khô ráo cũng như khi ẩm ướt” – ông William Bryan cho biết.
Công trình nghiên cứu chưa được công bố rộng rãi nên các nhà khoa học khác chưa có bình luận gì. Từ lâu, người ta biết rằng tia cực tím có tác dụng diệt khuẩn, bởi nó phá hủy chất liệu gene và khả năng nhân bản của virus. Câu hỏi cơ bản là cường độ và bước sóng của tia cực tím (UV) phải là như thế nào để có thể tiêu diệt virus. Các nhà khoa học không rõ UV với bước sóng thích hợp ấy có xuất hiện trong tự nhiên vào mùa hè hay không.
“Nếu biết được cách các nhà khoa học đó thực hiện nghiên cứu thì tốt quá. Tôi không nghĩ các kết quả là sai, tuy nhiên có một vài phương pháp đo khả năng sinh tồn của virus” - nhà sinh vật học Benjamin Neuman ở ĐH Texas (Mỹ) cho biết.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Phân tích, Phòng vệ Sinh học và Ứng phó (NBACC), thời gian bán giảm sinh học của virus (thời gian cần thiết để số lượng virus giảm đi một nửa) là 18 giờ trong nhiệt độ 21 - 24 độ C và độ ẩm 20%. Điều này liên quan tới các bề mặt nhẵn (tay nắm cửa hoặc thép inox).
Khi virus lơ lửng trong không khí, thời gian bán giảm của nó là 1 giờ trong cùng điều kiện nhiệt độ và độ ẩm như trên. Nếu có thêm ánh nắng thì thời gian bán giảm của virus chỉ còn 1,5 phút.
Từ đó có thể rút ra kết luận là những tháng hè tạo ra môi trường hạn chế sự phát tán mầm bệnh.
Tuy nhiên, chế ngự dịch bệnh không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn được virus. Còn đối với trường hợp virus SARS-CoV-2 thì chúng ta cần học cách chung sống với nó.
Các nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 hoạt động ác liệt hơn trong điều kiện thời tiết lạnh và khô. Điều này được khẳng định bởi tốc độ lan truyền virus thấp hơn tại các quốc gia Nam Bán cầu. Tại Australia có khoảng 7.000 ca mắc Covid-19 được ghi nhận, trong đó khoảng 80 trường hợp tử vong. Đây là con số ít hơn rõ rệt so với các quốc gia Bắc Bán cầu.