Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong còn được gọi là Bia Quốc học, tọa lạc bên bờ Nam sông Hương, đối diện cổng trường Quốc Học là một công trình kiến trúc độc đáo, có lịch sử khá đặc biệt ở Huế.
Công trình này được xây vào đầu thế kỷ 20 để tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung kỳ đã chết trong hàng ngũ của quân Pháp trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Theo Nghị định của tòa Khâm sứ Trung Kỳ ký ngày 24/7/1919, một hội đồng gồm 12 người, do viên Khâm sứ làm chủ tịch đã được lập ra để nghiên cứu các đồ án lập đài tưởng niệm.
Địa điểm xây dựng được lựa chọn là khoảng đất trống bên bờ sông Hương, trước trường Quốc học.
Việc tổ chức tuyển mẫu thiết kế đài tưởng niệm đã diễn ra từ ngày 10/4 - 3/5/1920. Trong bốn đồ án dự thi, hội đồng đã chọn đồ án của tác giả Tôn Thất Sa, giáo viên trường Bá công Huế, với giải thưởng là 80 đồng.
Công trình được khởi công xây dựng ngày 12/5/1920; kinh phí thi công là gần 10.000 đồng, và hoàn thành ngày 18/9 cùng năm.
Lễ khánh thành được tổ chức trọng thể vào ngày 23/9/1920 với sự có mặt của vua Khải Định và các quan chức người Pháp ở Đông Dương.
Theo đề xuất của hội đồng, đài tưởng niệm được xây dựng theo hình dáng là một bình phong lớn, có hai tầng, có mái che, xây trên nền hai bậc thềm. Chính giữa có hình huy chương treo trên một tấm kim khánh. Hai bên đài còn có hai trụ biểu.
Thân và bệ đài được trang trí theo các mô típ rồng, lân, chữ thọ cách điệu cùng đề tài khác như tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), kỷ hà... Các họa tiết trang trí, kiến trúc, điêu khắc đều mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
Trước đây, mặt trước thân đài có ghi tên họ 31 người Pháp và 78 người Việt ở Trung kỳ. Phần này sau thời Pháp thuộc đã bị đục xóa.
Mặt sau của đài vẫn còn dấu tích tên một số nhân vật còn lại của tỉnh Thanh Hóa
Ngày nay, Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong được coi là một công trình kiến trúc với nét đẹp truyền thống phong cách Huế, hài hòa với cảnh quan sông Hương và trường Quốc Học.
Tuy nhiên, sau gần 100 năm tồn tại, công trình này đang bị xuống cấp nghiêm trọng với phần chân móng và tường bị đứt gãy, có nguy cơ sụp đổ.
Trước thực trạng này, UBND TP Huế giao cho Trung tâm công viên cây xanh Huế trùng tu công trình này với tổng kinh phí đầu tư 700 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi công trình sắp hoàn thàn vào tháng 1/2017, người dân xứ Huế nói riêng và dư luận cả nước nói chung lại đang xôn xao cho rằng, màu sơn được đơn vị thi công thực hiện là màu vàng hoe, quá nổi bật và khác xa vẻ cổ kính vốn có của công trình.