Ông là Hà Văn Dân, thương binh hạng 3/4, người dân tộc Thái, cựu cán bộ ngành Lâm nghiệp Thanh Hóa.
Từ cậu bé mồ côi...
Chuyến công tác ở vùng cao, biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa), tình cờ tôi gặp nữ Bí thư Đảng ủy xã Phú Nghiêm – chị Hà Thị Nga (là con gái đầu của Anh hùng Lao động Hà Văn Dân). Vốn quen biết nhau từ khá lâu, nhưng cũng chỉ biết Bí thư Nga là con gái ông Dân.
Khi nghe nhiều người nói về người Anh hùng Lao động này đã từng dùng cổ và vai phải của mình làm trụ mái chèo, để cứu bè gỗ trên dòng sông Mã, tôi mong muốn được gặp ông một lần.
Biết được ý định của tôi, chị Nga bảo: “Bố em còn khỏe lắm. Mỗi tội hơi nặng tai, vì vết thương do đạn của giặc Mỹ gây ra. Nếu anh nói chuyện với ông, thì phải nói thật to, ông mới nghe được”. Tôi đã nhờ chị Nga về nhà đặt lịch với ông để xin gặp.
Ngôi nhà do con gái ông xây dựng khá khang trang, nằm bên rìa Quốc lộ 15A, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) và được bài trí khá tao nhã. Ngay ở cổng vào, ông Dân dựng một cái lều dạng lục giác, kê một bộ gốc gỗ làm bàn uống trà, tiếp khách.
Nghe con gái giới thiệu, Anh hùng Lao động Hà Văn Dân đon đả mời tôi uống nước chè xanh được ủ ấm trong giỏ tích. Thoạt nhìn, ông Dân không cao to, vạm vỡ, hay lực lưỡng như người đã từng lặn lội sông nước. Nhưng, bên trong người đàn ông 75 tuổi này, luôn toát lên một tinh thần lạc quan, nhanh nhẹn và hoạt bát.
Nghe tôi bày tỏ nguyện vọng được nghe kể về quãng đời trai tráng của mình, ông cười sảng khoái, nhưng khuôn mặt hơi móm mém. Bởi, ngày bị bom, đạn từ máy bay của giặc Mỹ trút xuống, ông bị vỡ xương hàm, rụng mất 12 chiếc răng. Có lẽ thế, mà nụ cười trên khuôn mặt của ông mất đi vẻ tự nhiên và chỉ còn ánh mắt toát lên sự long lanh, hồn hậu.
Ông bảo: “Để mà ngồi kể về cuộc đời của tôi, thì phải mất non nửa ngày. Bây giờ, tôi đã già rồi, cũng chỉ nhớ được những biến cố thăng, trầm mà nó ngấm vào tim gan thôi”.
Anh hùng Lao động Hà Văn Dân, sinh năm 1947. Khi lên 5 tuổi, Hà Văn Dân đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Dân được bà ngoại đưa về nuôi. Lớn lên đôi chút, do bà ngoại yếu và cũng vô cùng nghèo khó, cậu phải tự đi thuê cuốc mướn, chăn trâu, chăn bò, đốt than... để nuôi sống bản thân mình. Khi chớm tuổi 17, cái tuổi mà người ta ví “bẻ gãy sừng trâu”, thì chàng trai Hà Văn Dân vẫn chưa có công ăn, việc làm và những bữa cơm no bụng.
...đến lấy vai làm trụ chèo bè...
Nhớ lại những ngày cơ cực của thời trai trẻ, hướng đôi mắt về phía xa xăm, giọng trầm ngâm, Anh hùng Hà Văn Dân kể: “Lúc bấy giờ cuộc sống cơ cực lắm! Hàng ngày, tôi vào rừng lấy dây song mây đem về bện thành sợi, bán cho cán bộ lâm nghiệp để họ buộc gỗ, luồng đóng bè.
Cái mốc cuộc đời mà tôi chưa bao giờ quên, đó là 12/10/1964. Khi tôi đem dây song bện đến bán cho cán bộ lâm nghiệp, các anh ấy bảo vào bếp lấy cơm ăn. Rồi đồng chí lãnh đạo thấy thương, bảo rằng, nhìn tôi là đứa hiền lành, chịu khó, nên ở lại đi làm cùng anh em thợ thuyền của Đội, rồi cố gắng học việc mà làm, để kiếm cơm. Nghe vậy, trong lòng tôi sung sướng lắm, nên đã ở lại cùng mọi người làm công nhân Công ty Lâm nghiệp Quan Hóa.
Để có thể trở thành người đi bè vận tải theo dòng sông Mã, tôi phải học cách buộc dây chịu tải, xoắn dây lạt, kết bè, chèo thuyền, chống mảng suốt một năm trời, chứ chẳng chơi”, ông Dân kể lại.
Thời điểm 1964 - 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn gian khổ, ác liệt. Đơn vị Lâm nghiệp Quan Hóa có nhiệm vụ thu gom luồng, gỗ từ vùng thượng nguồn sông Lò, sông Luồng, sông Mã. Sau đó, tập kết về bến Hồi Xuân (Quan Hóa), rồi vận chuyển xuống Cửa Hà (huyện Cẩm Thủy), để phục vụ kháng chiến.
Những cây gỗ, cây luồng từ miền Tây xứ Thanh được đưa ra chiến trường để làm hầm, công sự, lán cho bộ đội. Đặc biệt, là làm cầu phao cho người, phương tiện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Có thể nói, mỗi cây luồng, khối gỗ là một viên đạn của hậu phương gửi ra tiền tuyến, góp phần đánh thắng giặc Mỹ.
Hà Văn Dân cùng với đồng đội đã hàng trăm lần chinh phục sông Mã với những chuyến bè gỗ (thường từ 11 - 12 khối), bè luồng (chừng 5 - 6 trăm cây). Họ vận chuyển liên tục trên sông Mã suốt bốn mùa.
“Mỗi chuyến bè như thế, thường chỉ có 2 người. Mỗi người một đầu, dùng sức mạnh cơ bắp và kinh nghiệm của mình là chính. Thế nhưng, có phải chuyến nào cũng “xuôi chèo mát mái” được đâu. Nhiều chuyến khi bè xuống ghềnh, tưởng chừng anh em không còn sống được. Trong khi đó, giặc Mỹ bắn phá rất ác liệt, không thể đi ban ngày, chúng tôi phải vận chuyển vào ban đêm”, ông Dân tâm sự.
Vào Đội Lâm nghiệp Quan Hóa chưa đầy một năm, đến mùa lũ năm 1965, vào một buổi chiều, trời mưa như trút nước, dòng sông Mã gầm gào, chảy xiết. Khi ấy, ông Dân ngồi trong lán, bỗng nghe tiếng nước ầm ầm, rồi một bè gỗ 12 khối đứt dây chằng, trôi ra giữa dòng sông.
Ngay lập tức, Hà Văn Dân, gào lên báo với mọi người, rồi chạy đi cứu bè gỗ. “Nghe tôi vừa gào, vừa chạy ra mép nước, anh Dụng cũng nhao người chạy theo. Hai anh em tôi lao xuống dòng nước, cố gắng bơi thật nhanh theo chiếc bè. Lúc này, bè đã mất trụ chèo, không có điểm tựa để chèo lái được.
Giữa lúc nguy nan ấy tôi chỉ kịp nghĩ, dù mình có chết cũng phải cứu bè, vì đây là tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Tôi thét lên với anh Dụng: “Để tôi làm trụ nhé. Anh lấy mái chèo tì vào vai và cổ của tôi, rồi chèo đi, để cứu bè”.
Nói xong, tôi ào xuống dòng nước lũ lạnh buốt, bám chặt vào đầu bè. Tôi làm trụ, còn Dụng lấy mái chèo, tì lên vai phải và cổ của tôi rồi chèo lái chiếc bè. Chúng tôi vật lộn hàng tiếng đồng hồ mới chèo được 12 khối gỗ vào bên bờ.
Khi đưa bè vào được bên bờ, lúc ấy mới thấy cổ và vai mình đau tê dại. Tôi giục Dụng quay về đơn vị để gọi người ứng cứu, còn mình ở lại tiếp tục, ngâm mình dưới nước lạnh, cố không để bè bị nước cuốn đi một lần nữa. Thế nhưng, khi anh Dụng lên bờ trở về đơn vị, thì lại bị lũ ngăn mất lối. Vậy là, cả hai anh em cùng chịu đói rét hai ngày đêm mới liên lạc được với đơn vị, đưa người đến cứu.
Sau này, có anh nhà báo đã đưa chuyện này lên Báo Tiền phong, Bác Hồ đọc được, rất khen ngợi. Vì vậy, Bác tặng Huy hiệu của Người cho tôi, vì đã dũng cảm cứu tài sản Nhà nước”, ông Dân bồi hồi kể lại.
...và trở thành Anh hùng
Anh hùng Lao động Hà Văn Dân thời điểm được phong tặng danh hiệu cao quý. Ảnh: NVCC |
Sau chuyện lấy vai làm trụ chèo ấy, khoảng một năm sau, vào ngày 12/10/1966, Hà Văn Dân lại có thêm một thành tích nữa. Hôm ấy, do nhu cầu cấp bách cần phải vận chuyển gỗ, luồng vào ban ngày, nên đoàn bè bị máy bay Mỹ phát hiện.
“Trong lúc cả đoàn bè đang xuôi dòng, thì máy bay của Mỹ đuổi theo bắn từ trên xuống. Anh em trong đội đều vội vàng nằm rạp xuống tránh đạn. Chiếc bè của tôi bị chúng bắn tan phần đầu mũi.
Mọi người đều nhào xuống nước, nhưng lúc ấy tôi vẫn cương quyết đứng chèo chiếc bè của mình vào bờ, rồi ném chiếc cày xuống nước neo lại. Nhìn các mảnh bè bị bom bắn tan ra, xót ruột quá, tôi lại bơi ra kéo chụm chúng lại với nhau, rồi kéo vào.
Lần thứ ba bơi ra, tôi đang ra cứu mảng bè cuối cùng, thì bom lại dội xuống, người tôi bay lên giữa một bụi nứa ven đường, văng xuống đất. Tôi vừa ôm tay xoa mặt, thì thấy máu bắn ra thành tia. Vội chụm tay bịt lại, gượng bò ra bờ sông xem có còn thấy bè không.
Khi thấy bè đang còn cả, tôi mới ôm mặt, nằm yên cho đỡ đau. Máy bay địch bỏ đi, anh em tìm ra bãi sông, thấy tôi nằm bất động, mọi người cứ ngỡ là tôi đã chết. May mà tôi chỉ bị vỡ xương hàm và mất 12 cái răng”, ông Dân nhớ lại.
Với những chiến công ở Đội Lâm nghiệp Quan Hóa, tháng 12/1973, chàng trai người Thái Hà Văn Dân được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông cũng được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 20 tuổi (1967).
Liên tiếp trong bốn khóa Quốc hội (từ khóa IV đến khóa VII), ông Hà Văn Dân được bầu làm đại biểu. Ông cũng từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong một thời gian dài và vinh dự được thay mặt hàng triệu thanh niên Việt Nam tham dự Festival Thanh niên Quốc tế tổ chức tại thủ đô La Habana (Cuba).
Bảy năm sau khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Hà Văn Dân mới thành lập gia đình (1980). Vợ ông là bà Hà Thị Nhân - giáo viên Trường Tiểu học Hồi Xuân (Quan Hóa).
Sau khi xây dựng gia đình, ông vẫn tiếp tục công tác trong ngành Lâm nghiệp Quan Hóa. Đến năm 1991, Anh hùng Lao động Hà Văn Dân về nghỉ chế độ, bởi vết thương do giặc Mỹ gây ra, khiến sức khỏe của ông ngày càng giảm sút.
Vợ chồng ông sinh được 3 người con gái. Hiện, các con của ông, gồm: Hà Thị Nga, đang giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Phú Nghiêm; Hà Thị Liên, đang là giáo viên Trường THCS thị trấn Hồi Xuân và Hà Lan Anh, đang công tác tại Phòng Tư pháp huyện Quan Hóa.