“Thiên đường” hoa anh đào ở biên viễn
Giữa những ngày sương giăng phủ kín núi rừng phía Bắc, chúng tôi rời thành phố Điện Biên Phủ theo hướng Tà Lèng – Mường Phăng để về với Đảo hoa, xã Pá Khoang (huyện Điện Biên) – nơi vẫn được mệnh danh là “thiên đường” hoa anh đào của Điện Biên.
Băng qua những con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn giữa thang mây, thả mình theo khung cảnh hùng vĩ đặc trưng của núi rừng Tây Bắc khiến con đường hơn 10km đến với Đảo hoa gần hơn.
Đúng như tên gọi, đây là một hòn đảo nhỏ, nhưng hội tụ đủ sắc màu của các loài hoa quý: Lan, ly, đào... Trong đó không thể không nhắc đến 2 giống hoa đặc biệt của đất nước Mặt trời mọc là anh đào và mimosa.
Trước kia, đảo nằm tách biệt nên việc ghé thăm có phần khó khăn. Vài năm trở lại đây, chính quyền đã đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông thuận tiện hơn để phục vụ phát triển du lịch.
Dịp này, một số cây anh đào lâu năm đã bắt đầu kết hoa, đa số còn lại đang giai đoạn ủ nụ, chờ nắng lên để bung nở. Theo bà Nguyễn Thị Thìn – người quản lý và chăm sóc Đảo hoa nhiều năm, thì với thời tiết rét sớm như năm nay hoa sẽ nở đều và đẹp.
Trong chuyến ghé thăm này, chúng tôi cũng bắt gặp một vài du khách ngoại tỉnh hiếm hoi. Sau một hồi say sưa thưởng thức vẻ đẹp của hoa và lưu lại những bức ảnh làm kỷ niệm, bà Đào Lan Anh (Hà Nội) chia sẻ: Bà biết đến thông tin Điện Biên có hoa anh đào trên Facebook của bạn bè đã nhiều năm trước. Năm nào gia đình cũng lên lịch để đi mà đều lỡ dịp. Năm nay kết hợp chuyến đi giải quyết việc riêng, bà Lan Anh đã tranh thủ vào Đảo hoa.
“Dịp này hoa chưa nở rực rỡ, nhưng tôi cũng đã có được nhiều bức ảnh đẹp về khoe với mọi người. Thật không thể tưởng tượng, giữa núi rừng biên giới lại có thể ngắm loài hoa của đất nước Nhật Bản xa xôi. Tôi cảm giác mình lạc vào một xứ sở nào đó vừa độc đáo, lại thú vị. Đúng là không bõ công chờ đợi”, bà Lan Anh bộc bạch.
Hiện tại, trên đảo có khoảng 5.000 cây anh đào đã được trồng tỉa, trong đó có gần 100 cây nở rộ và đẹp. Ông Quàng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Pá Khoang, chia sẻ: Vì Đảo hoa nằm trong khuôn viên của lòng hồ Pá Khoang nên du khách đến đây có thể kết hợp tham quan, ngắm cảnh cả 2 địa điểm trong cùng một chuyến đi.
“Hồ Pá Khoang vốn đã là địa chỉ du lịch hấp dẫn của địa phương, với cảnh sắc đẹp và khí hậu trong lành. Sau khi đi một vòng bằng xuồng máy để thưởng thức vẻ đẹp lòng hồ vào mùa xuân, du khách sẽ được ngắm Đảo hoa từ xa. Cả khu đảo như trải thảm hồng, xen giữa mênh mông nước trong xanh, rất thú vị”, ông Việt nói.
Nhớ mùa lễ hội…
Ðã hơn 10 năm kể từ ngày những cây hoa anh đào Nhật Bản đầu tiên bén rễ tại Ðiện Biên. Loài hoa đặc trưng của đất nước Mặt trời mọc bung nở rực rỡ mỗi độ xuân về trên mảnh đất vùng cao Tây Bắc là điều lạ lẫm, ấn tượng, thu hút không ít du khách thập phương.
Khai thác tiềm năng này, từ năm 2018, Ðiện Biên đã tổ chức Sự kiện Hoa anh đào - Pá Khoang - Ðiện Biên. Hoạt động này không chỉ gắn hình ảnh hoa anh đào với ngành du lịch địa phương, mà còn góp phần phát triển khu du lịch quốc gia Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
Mục đích quy hoạch chung, trong đó có việc xây dựng, tôn tạo Đảo hoa (nằm trong quần thể du lịch Pá Khoang) là nhằm phát triển khu vực trên trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, trên cơ sở khai thác giá trị lịch sử hào hùng của Di tích Điện Biên Phủ để tạo nên sự khác biệt, đặc trưng về sản phẩm du lịch... Từ đó, góp phần tạo dựng thương hiệu khu du lịch đi đôi với chú trọng khai thác các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số và giá trị sinh thái núi rừng Tây Bắc để đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Đó cũng là lý do, tại Sự kiện Hoa anh đào diễn ra năm 2019, Điện Biên đã khéo léo kết hợp và đưa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc vào xen giữa không gian trải nghiệm, thưởng thức văn hóa Nhật Bản. Đây được xem là phép thử nghiệm, để tiếp tục phát triển, hoàn thiện hơn cho các lần tổ chức sau, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch mới trong hành trình đến Điện Biên dịp này.
Đặc biệt, không gian thưởng trà theo phong cách Nhật Bản và tiệc rượu Sake - Mông Pê là sự kết hợp hết sức độc đáo giữa văn hóa ẩm thực và văn hóa tinh thần của Tây Bắc (Việt Nam) với Nhật Bản, đã tạo sức hút và ấn tượng đặc biệt cho đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Theo ông Trần Lệ, Giám đốc Công ty Cổ phần Hoa Anh đào Trần Lệ - người được xem là “chúa đảo” thì không chỉ dừng lại ở quy mô hiện có. Mong ước lớn hơn của ông là có thể quy hoạch khu vực này thành một đảo hoa rộng lớn. Trở thành điểm hẹn của người dân và du khách thập phương mỗi dịp xuân về. “Muốn được vậy, thì tôi cần một chủ trương và cơ chế từ chính quyền địa phương”, ông Lệ nói.