Angkor Wat được xây dựng nhờ kênh đào

GD&TĐ - Angkor Wat - thành phố hơn 1.000 năm tuổi, từng trải dài trên một khu vực rộng ngang với London - là một trong những kho báu khảo cổ lớn nhất thế giới.

Ngôi đền Angkor Wat là quần thể đền tại vương quốc Campuchia.
Ngôi đền Angkor Wat là quần thể đền tại vương quốc Campuchia.

Vì sao có thể kéo được những khối đá nặng 1,6 tấn về công trường xây dựng là câu hỏi mà các nhà sử học đã tìm hiểu nhiều năm.

Di tích tôn giáo

Những khuôn mặt cao chót vót hướng về bốn hướng, bức phù điêu bằng đá mô tả tinh xảo những chiến tích anh hùng, khung cảnh đời thường của người Khmer cổ đại, hàng chục ngọn tháp nhô ra khỏi rừng cây bạt ngàn... Tất cả những yếu tố này đã thu hút hàng triệu khách du lịch đến với ngôi đền Khmer cổ mỗi năm. Ngôi đền có tên là Angkor Wat (tên đầy đủ Prasat Angkor Wat) là quần thể đền tại vương quốc Campuchia và cũng là di tích tôn giáo lớn nhất của thế giới. Quần thể này rộng 162,6 hecta, được xây dựng từ thế kỷ 12 bởi Suryavarman II và Jayavarman VII.

Angkor Wat còn có nghĩa là thành phố đền, hay thành phố của những ngôi đền. Ngôi đền là trung tâm, biểu tượng, kiểu mẫu cho các công trình tôn giáo khác của đất nước Campuchia.

Đền tọa lạc tại Xiêm Riệp, cách trung tâm thị trấn này khoảng 5,5km về phía Bắc, gần với phía Đông Nam của kinh đô cũ. Tại Xiêm Riệp, có khá nhiều di tích hay khu đền chùa cổ kính và quan trọng của Campuchia, như Bayon hay đền Bantaey Srey.

Khi mới xây dựng, công trình này được sử dụng với mục đích là đền thờ Ấn Độ giáo cho Đế quốc Khmer. Sau đó, công trình trở thành đền thờ Phật giáo vào cuối thể kỷ thứ 12. Những khuôn mặt khổng lồ trên các ngọn tháp ở Đền Bayon khiến nhiều học giả đi đến kết luận đây chính là khuôn mặt của nhà vua. Người khác thì cho là của Quán Âm Bồ Tát (Avalokitesvara hay Lokesvara). Nhà học giả chuyên về Angkor học Coedes lý luận rằng, Jayavarman VII theo truyền thống của các vua Khmer, tự cho mình là vua thần (devaraja). Khác với các vua trước theo Ấn Độ giáo tự cho mình là hình ảnh của thần Shiva, Jayavarman VII là một Phật tử. Do đó, Jayavarman VII đã cho rằng, hình ảnh Phật và Bồ tát là chính mình. Có tất cả 37 tháp đền đá, tạc nhiều khuôn mặt nhìn bốn hướng như thể quan sát chúng sinh và che chở cho đất nước.

Trung tâm ngôi đền là tổ hợp 5 tòa tháp với một tòa tháp trung tâm, 4 hướng là 4 tòa tháp còn lại tạo thành các góc của hình vuông. Angkor Wat cũng khác những ngôi đền khác tại Campuchia,  bởi ngôi đền này quay về hướng Tây, đến nay người ta cũng đang đi tìm câu trả lời cho sự khác biệt này.

Angkor Wat bị bỏ hoang vào thế kỷ 15, khi người Xiêm ngày nay xâm chiếm khu vực. Hiện nay, còn khoảng 200 khuôn mặt trong Đền Bayon. Song, người ta tin rằng, từng có 200 tháp tại đây. Mỗi tháp mang bốn khuôn mặt của hoàng gia. Có vẻ khó tin khi một phức hợp rộng lớn được xây dựng nhanh chóng như vậy - trong vòng chưa đầy bốn thập kỷ. Tuy nhiên, người Khmer cổ đại đã có một phương pháp xây dựng tài tình. Nhờ phương pháp đó, họ có thể xây dựng công trình nổi tiếng thế giới trong khoảng thời gian ngắn.

Angkor Wat là di tích tôn giáo lớn nhất của thế giới.
Angkor Wat là di tích tôn giáo lớn nhất của thế giới.

“Tiết kiệm” thời gian xây dựng

Bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh, các nhà khoa học thời nay đã phát hiện ra rằng, thời đó, người ta đã đào một con kênh dài 21 dặm (gần 34km) để vận chuyển đá từ những ngọn núi đến nơi xây dựng ngôi đền Angkor Wat.

Các chuyên gia từ Đại học Wasade (Tokyo) cho biết, những con kênh dẫn từ chân núi Kulen tới Angkor dài 32km. Khoảng cách này ngắn hơn nhiều so với quãng đường dài gần 90 km theo suy đoán trước đây. Các nhà khoa học cũng phát hiện hơn 50 mỏ đá ở chân núi Kulen và dọc theo tuyến đường, trùng khớp với việc vận chuyển về ngôi đền. Nhờ vậy, người Khmer chỉ mất 35 năm để vận chuyển 5 triệu tấn sa thạch thay vì hàng trăm năm.

Phương pháp này giúp giảm đáng kể thời gian và công sức trong việc di chuyển đá. Các khối đá sa thạch khổng lồ được di chuyển dọc theo dòng nước đến khu vực đền thờ. Sau đó, chúng được chuyển vào vị trí xây dựng.

Thật vậy, những gì còn lại của Angkor Wat chỉ là một phần nhỏ của sự hùng vĩ ban đầu. Theo BBC, khu đền chính đơn thuần là “hạt nhân” của một thành phố khổng lồ có quy mô tương đương thủ đô Berlin của Đức ngày nay. Các khu vực lân cận khác của Angkor Wat được kết nối với nhau thông qua một hệ thống phức tạp gồm đường, kênh đào, đập và hồ chứa. Việc sử dụng hệ thống kênh cho phép người Khmer xây dựng Angkor Wat một cách hiệu quả.

Đáng tiếc là, mặt trái của phương pháp này đã dẫn đến những hệ luỵ. Sự phát triển đầy tham vọng của Angkor Wat đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, như nạn phá rừng, đất bị suy thoái. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi phức tạp đến mức đòi hỏi một lực lượng lao động lớn. Từ đó, gây tình trạng khó bảo trì.

Năm 1586, một nhà sư tên là António de Madalena đã trở thành người phương Tây đầu tiên đặt chân đến Angkor Wat. Thời điểm đó, Angkor Wat chưa từng ghi nhận sự ghé thăm của một người phương Tây. Ngôi đền cổ này cũng hầu như hoàn toàn không được biết đến bởi các quốc gia phương Tây.

Quần thể kiến trúc Angkor Wat đã bị bỏ rơi một cách bí ẩn trong thế kỷ 15 và phần lớn thành phố linh thiêng này đã bị rừng già che phủ, trước khi được phát hiện trong thế kỷ 19. Sau đó, Angkor Wat trở thành di sản thế giới nổi tiếng. Đã qua nhiều thế kỷ, nhưng giờ đây, có lẽ, không ai là không biế đến quy mô và vẻ đẹp của Angkor Wat. Đây là công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhất trên Trái đất và hiện có hàng triệu du khách mỗi năm. Lượng khách đã tăng đáng kể so với những năm 1990, khi ngôi đền thường đón dưới 10.000 lượt người ghé thăm mỗi năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ