An toàn giao thông: Bệnh nặng chưa có thuốc hay

An toàn giao thông: Bệnh nặng chưa có thuốc hay

(GD&TĐ) - “Bệnh” tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao là do quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) và khâu tuần tra kiểm soát, nhưng vấn đề “bốc thuốc” ra sao để trị dứt bệnh thì chúng ta chưa làm được - Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, chỉ ra nguyên căn của thực trạng ATGT trong nước hiện nay.

Quyết liệt mới chỉ… trên giấy tờ

Năm 2013 được chọn là năm an toàn giao thông (ATGT). Ngay từ đầu năm, hàng loạt các giải pháp đã được đặt ra và triển khai quyết liệt ở tất cả các cấp chính quyền, các ban ngành từ T.Ư đến địa phương. Không phủ nhận những hiệu quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, khi số vụ TNGT đã giảm thấy rõ: Hơn 5.500 vụ, so với cùng kỳ 2012 là 17.886 vụ. Số người bị thương cũng được hạn chế nhiều: 3.500 người, so với cùng kỳ 2012 là 19.977 người. Thế nhưng, yếu tố quan trọng nhất là giảm số người chết thì lại không đạt được: Gần 5.000 người, tăng 5,5% so với cùng kỳ (4.953 người). Nguyên nhân đến từ sự bùng nổ của các vụ TNGT nghiêm trọng, chủ yếu liên quan đến xe chở khách và xe tải đường dài.

Trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc vừa được Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức nhằm tăng cường các giải pháp nhằm ngăn chặn TNGT trong giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT bao gồm: do ý thức, đạo đức và sức khoẻ của người lái xe không đảm bảo theo quy định, dẫn đến những hành vi vi phạm về tốc độ, đi sai phần đường, vượt xe không đúng quy định.

Những tồn tại này lại xuất phát từ một nguyên nhân khác đáng nói hơn rất nhiều: Sự buông lỏng trong công tác quản lý Nhà nước về vận tải, cũng như những hạn chế về hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải, dù các chủ trương đều được đưa ra và chế tài cũng hết sức đầy đủ. Mấu chốt trong việc góp phần giảm thiểu vi phạm giao thông phải là lực lượng thực thi nhiệm vụ; Nếu không dù có đưa ra bao nhiêu giải pháp cũng không có tác dụng. Quyết liệt trong chỉ đạo là rất rõ ràng, nhưng khi triển  khai thực tế thì không được như kỳ vọng, khiến sự quyết liệt đó gần như mới chỉ trên giấy tờ mà thôi.

x
Để giảm thiểu TNGT, lực lượng chức năng trước hết phải làm đúng và nghiêm các trọng trách của mình

Dung túng từ chính các lực lượng chức năng

Thừa nhận lỗ hổng trong quản lý Nhà nước về giao thông vận tải, ông Đàm Xuân Lũy - Giám đốc Sở GTVT TP Hải Phòng - cho biết, 97% các vụ TNGT của Hải Phòng xảy ra trên các tuyến đường bộ. Với 821 xe khách hoạt động trên 148 tuyến đi các tỉnh và hằng ngày có khoảng 1.000 chuyến xe xuất phát từ 5 bến, 25 DN taxi với 2.600 xe, nhưng hiện chỉ có 10% số DN vận tải có cấp giấy phép hoạt động, còn lại 90% DN chưa được cấp giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Bổ sung thêm thông tin, Nguyễn Thị Thu Thủy - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - cho biết, sau khi có phản ánh của người dân về hiện tượng có xe không bao giờ bị CSGT kiểm tra nhưng có xe thì bị kiểm tra thường xuyên, Tỉnh ủy đã quyết liệt chỉ đạo Công an tỉnh Tây Ninh lập ban chuyên án. Kết quả cho thấy một số cá nhân trong lực lượng cảnh sát tuần tra kiểm soát có hành vi bảo kê, dung túng cho một số chủ xe vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm, Tây Ninh đã xử lý điều chuyển 21 cán bộ chiến sỹ công an sai phạm.

Ở đây xuất hiện 2 vấn đề: Sở chức năng đổ lỗi cho lực lượng chức năng (Hải Phòng là một ví dụ); địa phương cũng thừa nhận chính lực lượng kiểm soát giao thông lại “bảo kê” cho đối tượng vi phạm (Tây Ninh là ví dụ). Như vậy, chính cơ quan chức năng cũng không làm hết trách nhiệm của mình, trách gì các lực lượng thực thi. Cũng dễ hiểu vì sao Bộ trưởng Đinh La Thăng ngay trong Hội nghị vừa nêu đã bức xúc yêu cầu Thanh tra Bộ GTVT phải tiến hành thanh tra ngay quản lý nhà nước về vận tải tại một số địa phương, mà đầu tiên là Hải Phòng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, để hạn chế TNGT, việc đầu tiên là kiểm soát tốc độ, bởi 6 tháng đầu năm 90% số vụ tai nạn liên quan đến tốc độ. Lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường tuần tra kiểm soát, bắn tốc độ tại các cung đường không kiểm soát tốc độ, thay vì chỉ “cắm chốt” như hiện nay.

Lưu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ