Sáng 28/6, tại Bưu điện tỉnh An Giang (TP Long Xuyên), UBND tỉnh An Giang tổ chức Lễ Công bố Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về phát hành bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 – 2024)”.
Bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824-2024)“. (Ảnh: KN). |
Ngày 27/5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 870/QĐ-BTTTT về việc phát hành bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 – 2024)”.
Đây là sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử, văn hóa và giáo dục tại tỉnh An Giang nhằm tưởng nhớ, khẳng định công lao và tôn vinh những đóng góp to lớn của danh thần Nguyễn Văn Thoại - Thoại Ngọc Hầu (1761 – 1829) cùng nhân dân ta trong công cuộc xây dựng kênh Vĩnh Tế; góp phần quảng bá giá trị văn hóa và lịch sử của kênh Vĩnh Tế đến với du khách trong nước và quốc tế, thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch địa phương.
Kênh Vĩnh Tế có chiều dài 91 km, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành (TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay). Đây là công trình mang tính chiến lược, bảo vệ quốc phòng – an ninh và có nhiều giá trị về giao thông, thương mại, thủy lợi.
Đình thờ Thoại Ngọc Hầu (Thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) - Ảnh: Trọng Nhân. |
Việc Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem bưu chính kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế nhằm góp phần bảo tồn, lưu giữ và phát huy hơn nữa giá trị lịch sử, trí tuệ, sức lao động sáng tạo của cha ông; Đồng thời, giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ để cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước.
Bộ tem được họa sĩ Nguyễn Du thiết kế theo phương pháp đồ họa thể hiện sơ đồ kênh Vĩnh Tế gắn với các địa danh liên quan và hình ảnh chân dung danh thần Thoại Ngọc Hầu - người có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình bình định, mở mang bờ cõi vào thời nhà Nguyễn.
Kênh Vĩnh Tế do ông Nguyễn Văn Thoại chỉ huy đào trong 5 năm (1819 - 1824), chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu khởi công từ năm 1819 dưới triều vua Gia Long và hoàn thành vào năm 1824 dưới triều vua Minh Mạng.
Để ghi nhận công lao của quan Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại), tên phu nhân của ông là bà Châu Thị Vĩnh Tế được vua đặt làm tên kênh.
Kênh Vĩnh Tế là công trình lớn có nhiều giá trị về quốc phòng, giao thông, thương mại, thủy lợi cũng như nông nghiệp và giá trị này vẫn đang được phát huy cho đến ngày nay.