Nếu quan hệ đối tác nói trên thành hiện thực, hiệp định sẽ trao cho Ấn Độ khả năng xuất khẩu máy bay chiến đấu Su-75 Checkmate sang nhiều quốc gia khác. Nguồn tin cho biết đại diện của Sukhoi tại Ấn Độ đã làm cho thỏa thuận này hấp dẫn hơn bằng một đề xuất chuyển giao công nghệ tiềm năng (ToT).
Các quan chức Nga chào hàng Su-75 Checkmate như một giải pháp cực kỳ tiết kiệm chi phí cho các quốc gia đang tìm kiếm khả năng tàng hình của tiêm kích mà không phải trả mức giá cao thường thấy ở máy bay thế hệ thứ 5. Nga khẳng định rằng chi phí sẽ nằm trong khoảng từ 30 đến 35 triệu đô la.
Trong một trong những nỗ lực trước đây của Nga nhằm lôi kéo Ấn Độ vào Dự án Su-75 Checkmate, hồi tháng 4, Tập đoàn Rostec đã tiết lộ mức giảm chi phí đáng kể cho dự án.
Điều này được thực hiện là do "những thay đổi về mặt kỹ thuật" dựa trên "phản hồi của khách hàng tiềm năng", làm dấy lên suy đoán Ấn Độ có thể là người mua, ngay cả khi không có xác nhận chính thức.
Vào đầu năm 2024, cựu Nguyên soái Không quân Ấn Độ Anil Khosla đã trả lời phương tiện truyền thông địa phương, nhấn mạnh sự cần thiết phải thận trọng, đặc biệt khi Su-75 vẫn còn "nằm trên giấy".
Ông Khosla đề xuất New Delhi nên tiến hành phân tích chi phí và lợi ích kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ cam kết nào. Vị chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá liệu một hiệp ước chung có mang lại lợi ích đáng kể cho Ấn Độ hay không.
Đề xuất của Nga đi kèm với một điều khoản thú vị. Theo các nguồn tin, Moskva chỉ giữ thỏa thuận giữa hai chính phủ. Điều này khiến Ấn Độ rơi vào thế khó vì nếu lựa chọn Su-75, New Delhi sẽ phải hủy bỏ gói thầu máy bay phản lực chiến đấu đa năng (MRFA) cho 114 máy bay chiến đấu.
Nếu New Delhi tiếp tục với lời đề nghị của Moskva, điều này không chỉ làm thất vọng những nhà cung cấp phương Tây tham gia chương trình MRFA; mà có thể khiến họ khá khó chịu.
Những ứng viên trong cuộc cạnh tranh MRFA của Ấn Độ bao gồm nhiều tên tuổi lớn trong ngành sản xuất quốc phòng toàn cầu: Lockheed Martin với F-21, Boeing cung cấp F/A-18 Super Hornet, Dassault Aviation với Rafale, Saab với Gripen E và liên doanh Eurofighter với Typhoon.
Chúng ta cần lưu ý cụm từ “sản xuất độc quyền”. Điều này không chỉ liên quan đến việc xây dựng dây chuyền lắp ráp tại Ấn Độ; mà còn có nghĩa New Delhi được quyền bán Su-75 Checkmate ra nước ngoài. Nhưng tại sao Nga lại đưa ra lời đề nghị chiến lược như vậy?
Một số người có thể gọi đó là một động thái mạo hiểm, nhưng ngày nay, khi Nga vật lộn với các lệnh trừng phạt kinh tế và áp lực quốc tế, thì mỗi đô la đều có giá trị. Các đạo luật như CAATSA đã làm phức tạp tương tác toàn cầu của Nga trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng một vài liên minh sáng tạo đã xuất hiện.
Ví dụ chính là sự hợp tác với Ấn Độ, hiện đóng vai trò như chiếc phao cứu sinh quan trọng cho ngành công nghiệp quân sự của Nga trong bối cảnh chịu vô số lệnh trừng phạt.
Trên thực tế, chiến lược này đã được triển khai. Vào tháng 2 năm 2020, Nga đã trao cho Ấn Độ cơ hội sử dụng nhà máy Nashik của Hindustan Aeronautics Limited (HAL) làm trung tâm xuất khẩu Su-30MKI.
Tại Triển lãm DefExpo 2020 ở Lucknow, đề xuất này là một phần trong những nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Theo kế hoạch này, HAL sẽ sản xuất thêm máy bay Su-30MKI tại cơ sở Nashik, không chỉ cho Không quân Ấn Độ mà còn để xuất khẩu sang các quốc gia khác. Điều này hoàn toàn phù hợp với tham vọng thúc đẩy xuất khẩu vũ khí của New Delhi và chiến lược mở rộng thị trường máy bay chiến đấu Nga trên toàn cầu.
Ngoài Su-30MKI, Nga đã đặt mục tiêu tiếp thị Su-75 cho khách hàng quốc tế, Moskva đang tích cực theo đuổi quan hệ đối tác với các công ty tư nhân Ấn Độ để xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc cho hoạt động sản xuất Checkmate tại địa phương.
Sự hợp tác này hứa hẹn sẽ thúc đẩy ngành hàng không vũ trụ của Ấn Độ, đồng thời cung cấp cho Nga một con đường đáng tin cậy và hiệu quả để sản xuất cũng như xuất khẩu dòng máy bay tiên tiến này.