Ăn chín uống sôi mặc ấm để tránh bệnh khi trời lạnh

Cần mặc đủ ấm, dinh dưỡng đủ chất, ăn đồ ấm nóng, không tắm lâu, không ra khỏi nhà quá sớm hoặc quá muộn.


Ảnh minh họa:Awss.
Ảnh minh họa:Awss.

Theo bác sĩ Phan Lương Ánh Linh, Chuyên khoa Nội Hô Hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, thời tiết lạnh đột ngột làm cho các bệnh về hô hấp ở người già, trẻ em gia tăng.

Những bệnh nhân bị hen sẽ tái phát và trở nặng hơn. Do vậy mọi người cần nâng cao ý thức phòng bệnh, hạn chế rủi ro.

Nguyên tắc đầu tiên để ngừa bệnh hô hấp là giữ ấm vùng mũi - cổ - ngực. Khi ở trong nhà cũng nên mặc áo chống rét, chọn loại áo cao cổ, choàng khăn.

Nên trang bị dụng cụ sưởi hoặc lò sưởi làm ấm không khí và đóng cửa để tránh gió lùa vào nhà. Khi ra đường phải bịt khẩu trang để tránh hít phải khí lạnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến tai, mũi, họng và đường hô hấp. Tốt nhất nên hạn chế ra đường, chỉ khi có việc cần mới đi, nên trở về nhà sớm. 

Bên cạnh đó, cần đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi. Nên dùng những thức ăn nóng ấm, rắc thêm ít tiêu sẽ giúp làm ấm vùng phổi. Tăng cường một số loại trái cây có tác dụng giữ ấm phổi, tốt cho hệ hô hấp như nhãn, xoài, trái hồng xiêm (sapuchê), ổi… Uống trà vào mỗi buổi sáng cũng là thói quen tốt giúp hệ hô hấp khỏe mạnh hơn.

Với những trường hợp lỡ bị nhiễm trùng vùng mũi - họng, bác sĩ Linh khuyên mọi người không uống lạnh, hạn chế ăn ngọt và thực phẩm nhiều tinh bột như cơm nếp, bánh nếp. Những chất này sẽ làm cho cơ thể tiết nhiều đàm hơn khiến bệnh trầm trọng hơn.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hưng, chuyên khoa Tai Mũi Họng, lưu ý với những người chuẩn bị về quê miền Bắc ăn Tết hay du lịch đi đến vùng lạnh cần trang bị sẵn những bộ quần áo dày, đủ ấm để có thể sử dụng ngay khi đến nơi. Ưu tiên chọn loại áo dày như áo dạ, áo phao. 

Các bộ phận dễ bị nhiễm lạnh nhất và gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến cơ thể là phần cổ, bàn chân, tai, vùng đầu. Do vậy nên sử dụng thêm phụ kiện giữ ấm như mũ, khăn quàng, tất, găng tay, giày bốt để che chắn những vùng này.

"Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh là nguyên tắc quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe. Chỉ cần một bộ phận bị nhiễm lạnh cũng có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể", bác sĩ lưu ý.

Thực phẩm trở nên khan hiếm ở những vùng thời tiết lạnh, do đó khách du lịch cần lường trước vấn đề này để có phương án dự phòng hợp lý. Cần đảm bảo ăn đủ chất, uống đủ nước mỗi ngày, chọn các món ăn ấm nóng.

Trong điều kiện thời tiết lạnh, các món ăn ấm không chỉ giúp dễ ăn hơn mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống chọi với cái lạnh. Tốt nhất hãy ăn những món mới nấu hoặc hâm nóng. 

Tắm quá lâu, tắm nước lạnh khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp vô cùng nguy hiểm, thậm chí dẫn tới tử vong. Vì thế cần tăng nhiệt độ nước tắm, tắm trong phòng kín gió và tuyệt đối không tắm quá lâu.

Nếu nhiệt độ ngoài trời quá thấp, nên hạn chế tắm nhiều, chỉ cần vệ sinh bằng khăn ẩm và tắm 2 ngày một lần là đủ.

Nhiệt độ ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn thường rất lạnh và thường có những cơn gió mạnh, gió độc. Ra ngoài trong khoảng thời gian này sẽ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, dễ dẫn tới cảm lạnh, ảnh hưởng tới hệ thần kinh có thể gây méo miệng.

Thậm chí, một số người có sức đề kháng quá yếu, trẻ em hoặc các cụ lớn tuổi ra khỏi nhà trong điều kiện nhiệt độ như vậy tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng. 

Những biểu hiện bất thường như cơ thể tím tái hoặc rét run, co giật, không nói được, méo miệng... là dấu hiệu thường thấy của tình trạng nhiễm lạnh nghiêm trọng, không nên coi thường.

Nhiễm lạnh kéo dài có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng như sốt cao, co giật, hôn mê nguy kịch và dẫn tới tử vong.

Do vậy ngay khi thấy có một trong các dấu hiệu bất thường, nên ủ ấm người bệnh và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để phòng tránh các nguy cơ.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.