Âm nhạc đường phố: Không thể trình diễn tùy tiện

GD&TĐ - Từ khi phố đi bộ hình thành, trào lưu âm nhạc đường phố trở thành trào lưu. Nhiều nhóm nghệ sĩ đường phố đã chọn nơi đây làm điểm diễn, vừa giúp những người chơi nhạc trải nghiệm, đồng thời tạo nên hoạt động giải trí phục vụ người dân cũng như khách du lịch. 

Âm nhạc đường phố: Không thể trình diễn tùy tiện

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ sở pháp lý cho hoạt động này như thế nào?

Sức hút của âm nhạc đường phố


Không ít nghệ sĩ đang có xu hướng thoát dần khỏi nhà hát để đến với công chúng tại các khu công cộng. Ở đó, họ có thể giao lưu trình diễn ngắn gọn với đông đảo người hâm mộ. Có thể kể đến buổi giao lưu ra mắt bộ phim “Sứ mệnh trái tim”, nghệ sĩ Thanh Thúy và đạo diễn Đức Thịnh đã gây ấn tượng với công chúng vì được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Không gian đi bộ hồ Gươm vào 3 tối cuối tuần đã trở thành điểm hẹn cho âm nhạc đường phố. Ở các góc phố Lương Ngọc Quyến - Mã Mây, Lương Ngọc Quyến - Hàng Giầy và đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm), các chương trình biểu diễn âm nhạc miễn phí với đủ loại hình thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các tiết mục biểu diễn ca trù và chầu văn. Còn tuyến phố Đinh Tiên Hoàng - Tràng Tiền lại là “sân khấu” chính của các nghệ sĩ trẻ. Họ chính là những người đem đến các bữa “tiệc âm nhạc” cho những người trẻ từ vũ điệu flamenco sôi động, pop ballad ngọt ngào, hay tiếng kèn saxophone mê hoặc.

Hoạt động âm nhạc đường phố rất hấp dẫn, cuốn hút người xem, bởi các buổi diễn âm nhạc đường phố không mang màu sắc trình diễn quá chuyên nghiệp, không có những sân khấu quá xa cách với những trang trí rườm rà mà thay vào đó, nhạc sĩ và khán giả sẽ ở gần nhau, giao lưu và chia sẻ về tất cả những gì liên quan đến âm nhạc.

Âm nhạc đường phố cũng là cách để sinh viên các trường âm nhạc, trải nghiệm, rèn luyện bản lĩnh sân khấu, có điều kiện giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, với hoạt động nghệ thuật đường phố, dù với lý do gì cũng cần phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Không thể tùy tiện

Mới đây, việc một cậu bé 15 tuổi bị “truy” giấy phép biểu diễn khi chơi đàn violon tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) đang gây xôn xao cộng đồng mạng, đồng thời đặt ra những câu hỏi về việc biểu diễn nghệ thuật ở nơi công cộng.

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, hoạt động biểu diễn cần phải được quản lý. Nhưng quản lý như thế nào cho đúng quy định của pháp luật và tạo điều kiện tốt cho nghệ sĩ hoạt động biểu diễn lành mạnh nơi công cộng, hình thành nên nét đẹp văn hóa, phục vụ công chúng trong nước lẫn du khách nước ngoài là việc cần làm.

Theo quy định, trong trường hợp biểu diễn để xin tiền, hoặc quyên góp từ thiện cần phải thông báo. “Nếu không quản lý, ai cũng vào đó biểu diễn để xin tiền hay đặt hòm từ thiện gây nhiễu loạn là không được”, ông Động cho biết.

Điều 15 của Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, có ghi: “Khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng, không phải đề nghị cấp giấy phép nhưng phải thực hiện các quy định như khi tổ chức trong khu dân cư, trong nội bộ nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cơ sở do người tổ chức chịu trách nhiệm; khi tổ chức ngoài phạm vi nội bộ, phải thông báo bằng văn bản về mục đích, phạm vi, nội dung chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn với Sở VH,TT&DL nơi biểu diễn ít nhất 5 ngày làm việc trước ngày biểu diễn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.