Albania: Giàu lên nhờ thảo dược làm đẹp

GD&TĐ - Albania là quốc gia Đông Nam Âu có tới 77% là đồi núi và phần lớn vẫn còn hoang dã. Cứ trong 7 hộ gia đình ở đây thì có 1 hộ chỉ dựa vào việc tìm hái các thảo mộc tự nhiên cũng đủ sống.

Phụ nữ Albania chỉ cần tìm hái thảo dược hoang cũng đủ kiếm sống.
Phụ nữ Albania chỉ cần tìm hái thảo dược hoang cũng đủ kiếm sống.

Hái hoa, có tiền

Trên thế giới, Albania chỉ xếp thứ 140 về diện tích với 28.748 km2. Họ cũng có tổng dân số cực kỳ khiêm tốn, 2,8 triệu người. Mật độ dân số tại đây thưa đến mức chỉ 100 người/km2, thấp bằng 1/3 Việt Nam (290 người/km2).

Khắp Albania thưa thớt dân cư, đâu đâu cũng thấy mặt đất xanh tươi. Theo báo cáo địa lý, quốc gia này có tới 77% diện tích là đồi núi thấp (đỉnh cao nhất là núi Korab 2.753m). Nhờ khí hậu Địa Trung Hải ôn hòa, không mấy khi lạnh dưới 1 độ C và cao trên 30 độ C, Albania mọc đầy các loại thảo mộc hoang. Nhiều loài trong số chúng có công dụng làm đẹp.

Thay vì vất vả khai hoang trồng trọt, cư dân Albania chỉ việc tìm hái các loại thảo dược làm đẹp. Hiện, quốc gia chưa đến 3 triệu dân này cũng có trên 100.000 hộ sống dựa vào thu hoạch thảo dược tự nhiên. Năm 2018 - 2019, Albania xuất khẩu tổng cộng 12.000 tấn thảo dược, thu về 28 triệu USD (tương đương 644 tỷ đồng).

Các loại thảo dược hoang được yêu thích của Albania bao gồm cowslip, việt quất và những loại cây có mùi thơm. Trong đó, giá trị nhất là cowslip.

Cowslip có tên khoa học Primula veris, là cây lâu năm thuộc họ anh thảo. Chúng mọc ở hầu hết các vùng ôn đới châu Âu và Tây Á, chỉ cao tối đa 25cm, có hoa màu vàng.

Hoa cowslip nở thành chùm, mỗi chùm khoảng 10 – 30 bông. Hoa cowslip có tác nhân dưỡng ẩm, chống viêm, chống lão hóa da và hoạt chất làm trắng da. Từ lâu, các công dụng tuyệt vời của nó đã được ngành công nghiệp mỹ phẩm biết đến. Họ dùng hoa cowslip chế tạo từ kem dưỡng, nước xịt đến mặt nạ, phục vụ nhu cầu làm đẹp trên toàn cầu.

Tại Albania, mùa thu hoạch hoa cowslip kéo dài từ tháng 5 – 9. Bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 18 giờ chiều, các vạt đồi cỏ dại ở đây luôn có bóng dáng phụ nữ. Họ ăn vận kín kẽ, trùm khăn tránh nắng, đeo bao tải và cầm dao cong để thu hoạch hoa cowslip.

“Chúng tôi đi làm mà như đi chơi từ sáng đến tối”, Donika Musaj, một người hái thảo dược hoang vui vẻ kể. Đúng như Musaj nói, công việc thu hoạch hoa cowslip tự nhiên rất nhàn nhã. Các chị em Albania chỉ cần tìm hái, mang về phơi khô là bán được.

Ngoại trừ hoa, rễ của cowslip cũng có tác dụng tương tự. Tuy nhiên, người Albania chỉ hái hoa là chính. Họ cũng chỉ thu hoạch trong vòng 5 tháng mùa hè – thu. Mùa đông, cowslip không có hoa còn mùa xuân, người Albania ưu tiên dành thời gian chăn thả động vật.

Thay đổi văn hóa

Cowslip, loài thảo mộc tự nhiên chủ lực của kinh tế Albania.
Cowslip, loài thảo mộc tự nhiên chủ lực của kinh tế Albania.

Người Albania có câu thành ngữ đáng sợ “phụ nữ phải được dùng như cái bao tốt”. Kể từ thế kỷ VIII trước Công nguyên, Albania đã luôn phải sống dưới chế độ thuộc địa. Họ bị Đế chế La Mã chiếm đóng, tiếp đến là Ottoman.

Mãi tới năm 1925, Albania mới lần đầu tiên giành độc lập, chủ quyền. Thế nhưng không lâu sau đó, họ lại bị cuốn vào Thế chiến II (1939 – 1945) và cả cuộc diệt chủng người Do Thái.

Trong đất nước bị đô hộ và chiến tranh tàn phá triền miên, phụ nữ không có địa vị xã hội. Cowslip đã đảo ngược thực trạng kỳ thị giới tính đáng ngại này. Nó không chỉ cho họ một công việc, mà còn trao cả cơ hội nắm giữ kinh tế, trở thành giường cột của xã hội.

Mặc dù, đàn ông Albania cũng thu hoạch cowslip, “tìm hái cowslip đã tạo điều kiện cho phụ nữ Albania độc lập về mặt tài chính với chồng”, Anila Aliaj – thành viên tổ chức phi chính phủ Kết nối các giá trị tự nhiên với con người (Connecting Natural Values with People) khẳng định.

Ngoài tìm hái, các chị em còn quyết định sản phẩm kinh doanh. Họ hợp tác với các dự án phát triển loại mỹ phẩm mới, đưa thảo mộc Albania ra khắp thế giới.

Bên cạnh cowslip, Albania còn một loại thảo mộc lấy hoa dưỡng da nổi tiếng khác: Helichrysum. Nó thuộc chi cúc bất tử, có chứa các thành phần tự nhiên giúp tái tạo da, được ngành công nghiệp chế tạo mỹ phẩm toàn cầu săn lùng.

Ăn uống tốt hơn bôi

Các chị em Albania ngoài 50, da dẻ vẫn bóng mượt, nhờ chế độ ăn uống với thảo dược làm đẹp mỗi ngày.
Các chị em Albania ngoài 50, da dẻ vẫn bóng mượt, nhờ chế độ ăn uống với thảo dược làm đẹp mỗi ngày.

Có một điều ngạc nhiên ở Albania là người dân say mê tự cung tự cấp. Họ thích mọi thứ nhà làm, từ thực phẩm cho đến mỹ phẩm, thậm chí cả đồ gia dụng. Các chị em tin tưởng, giải pháp dưỡng nhan tuyệt vời nhất đến từ… tủ bếp.

Chúng bao gồm các thảo mộc tươi, khô có thể dùng làm thức ăn, gia vị, nước uống. Họ rất thích “trà núi” được pha bằng cây sideitis syriaca khô và trà quả việt quất.

“Năm ngoái, nhà tôi đã hái được 1 tạ việt quất hoang”, Musaj khoe. Chị giữ lại một phần, phơi khô làm trà chống oxy hóa, uống cho đẹp da.

“Thiên nhiên không chỉ ban tặng cho chúng tôi sinh kế, mà còn thưởng luôn sự chăm sóc sức khỏe tận tình”, y tá Aishe Ivani (53 tuổi) tự hào. Bà đang làm việc ở trạm y tế của làng Çajë và cứ hết giờ làm việc là lại tranh thủ tìm hái thảo mộc. Tuy đã ngoài 50, Ivani vẫn có làn da trắng mịn.

“Tôi tin rằng, cả khí trời của Albania cũng giúp các chị em ngày càng tươi trẻ hơn” - Musaj chia sẻ - “Ở đây, chúng tôi hít no không khí trong lành. Mọi thứ xung quanh đều là của mình và hình như vì thế, thức ăn cũng trở nên ngon miệng hơn”.

“Tôi thích cuộc sống ở đây”, Xheladin – chồng của Musaj đồng tình, “Tôi cũng thích luôn mấy loại thức uống hữu cơ mà chúng tôi tự chế, ví dụ như sữa chua dhallë (một kiểu sữa chua pha loãng, uống với đá lạnh và một chút muối), hơn là Coca – Cola”.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.