Vậy có bao giờ bạn thắc mắc tại sao mọi cơn bão đều có tên và ai là người đặt tên cho bão, việc đặt tên cho bão được bắt đầu từ khi nào?
Điều kiện để được đặt tên
Không như ở Việt Nam nơi các cơn bão được đặt tên theo số thứ tự của nó trong năm, trên thế giới, mỗi cơn bão ngày nay đều có tên riêng, thậm chí còn có những cái tên rất hay mỹ miều và thơ mộng như Harvey, Irma hay Katrina...
Các cơn bão nhiệt đới bắt đầu được đặt tên từ đầu thế kỷ 20, lý do là để tạo thuận lợi, dễ dàng cho việc liên lạc giữa các nhà dự báo thời tiết và công chúng trong việc theo dõi và chú ý đến các cảnh báo về bão hơn, tránh nhầm lẫn giữa các cơn bão.
Tuy nhiên, các nhà khí tượng học đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu và đưa ra danh sách tên gọi, giúp các cơn bão có “quyền lợi” được đặt tên riêng như bây giờ. Trước mỗi mùa bão bắt đầu, các chuyên gia sẽ chỉ định tên gọi cho những cơn bão theo một danh sách chính thức đã được phê duyệt.
Người ta cho rằng tên của các bão lần đầu tiên xuất hiện là do một nhà dự báo thời tiết của Australia. Ông đặt tên bão theo tên của những chính trị gia mà ông ghét nhất.
Trước kia, hầu hết bão được đặt tên theo đường kinh - vĩ tuyến mà chúng đi qua. Cách đặt tên này đối với các nhà khí tượng thì không có vấn đề gì, nhưng đối với người dân thì lại rất khó nhớ, nhất là những người sống gần biển khi tìm kiếm thông tin về bão. Điều kiện để một cơn bão có tên gọi là khi nó bắt đầu xuất hiện vòng xoáy và có vận tốc gió đạt 63 km/h.
Hiện nay, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) có 6 danh sách tên bão khác nhau và sẽ được quay vòng với chu kỳ 6 năm. Nghĩa là danh sách tên bão được sử dụng trong năm 2020 sẽ được sử dụng tiếp vào năm 2026.
Trong từng danh sách sẽ bao gồm 21 tên gọi (các tên có chữ cái Q, U, X, Y, Z không được sử dụng). Như vậy, mỗi năm sẽ có một danh sách gồm 21 tên và năm sau lại một danh sách 21 tên khác, nhưng nếu một năm có nhiều hơn 21 cơn bão (ví dụ năm 2005) thì khi đó, tên của những cơn bão từ 21 trở đi sẽ có tên theo bảng chữ cái Hy Lạp.
Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ. Những cơn bão nào gây ra thiệt hại nghiêm trọng, mức độ phá hủy để lại hậu quả lâu dài sẽ không được tái sử dụng vì những lý do liên quan đến luật pháp và lịch sử.
Chẳng hạn như cái tên “Katrina” sẽ không bao giờ được sử dụng nữa vì những tàn phá mà cơn bão Katrina gây ra ở New Orleans năm 2005. Cái tên “Harvey” cũng không còn tái sử dụng vì gây ra ngập lụt nặng nề ở Houston trong năm 2017. Trong trường hợp đó, WMO sẽ đưa ra những cái tên mới để thay thế.
Mỗi đại dương sẽ có danh sách cho riêng mình
Mỗi đại dương lớn trên thế giới sẽ có các danh sách tên bão cho riêng mình. Tên của một cơn bão sẽ bị thay đổi nếu như chúng “vượt biên” từ đại dương này qua đại dương khác hoặc biến đổi thành áp thấp nhiệt đới rồi phát triển lại thành bão.
Ở vùng Bắc của Ấn Độ Dương, các bão nhiệt đới không được đặt tên. Tại Tây Nam của Ấn Độ Dương, bão lần đầu có tên vào mùa 1960-1961. Vùng Australia và Nam Thái Bình Dương, tên phụ nữ được lấy làm tên bão từ năm 1964 và 10 năm sau thì tên của nam cũng được dùng.
Ở Thái Bình Dương, các cơn bão nhiệt đới trong Chiến tranh Thế giới thứ II được đặt tên không chính thức theo tên của phụ nữ. Nguyên tắc bất thành văn này do đoàn dự báo thời tiết của Lục và Hải quân Mỹ đề ra, thường lấy tên vợ hoặc bạn gái của các nhà dự báo.
Năm 1950, Cơ quan Khí tượng Hoa Kỳ (NWS) đã phát triển một hệ thống đặt tên bão theo bảng chữ cái (như Able, Baker, Charlie...). Hệ thống này được sử dụng lặp đi lặp lại mỗi năm. Cơn bão đầu tiên trong năm luôn có tên là “Able”, cơn bão thứ hai trong năm luôn có tên là “Baker”, cứ như vậy.
Song đến năm 1953, nhận thấy phương pháp đặt tên kiểu này có nhiều bất cập vì đã có nhiều cơn bão mang tên giống nhau nên NWS lại thay đổi hệ thống và các cơn bão được đặt theo tên phụ nữ. Cách làm này bắt chước các nhà khí tượng hàng hải, có thói quen đặt tên các con tàu theo tên phụ nữ như trên. Thứ tự dựa trên bảng chữ cái tiếng Anh (alphabet).
Đến những năm 1960, phong trào nữ quyền thế giới phản đối việc lấy tên phụ nữ đặt cho bão vì bão toàn đem lại điều tồi tệ. Do vậy, đến năm 1978, WMO đã dùng cả tên nam giới và nữ đặt tên cho các cơn bão xen kẽ nhau.
Tên cơn bão do các nước thành viên tiến cử cho WMO lựa chọn. Năm 1979, chính sách sử dụng tên của cả hai giới để gọi những cơn bão được WMO và NWS thống nhất thông qua.
Còn các cơn bão ở lòng chảo Đông Bắc Thái Bình Dương được đặt theo tên phụ nữ từ năm 1959-1960. Năm 1978, cả hai loại tên đều được sử dụng.
Ở lòng chảo Tây Bắc Thái Bình Dương (khu vực gồm 14 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản...), các cơn bão được đặt theo một danh sách các tên mới lạ từ ngày 1/1/2000. Ủy ban bão của khu vực đã họp và đưa ra quyết định: các nước sẽ đề cử tên các cơn bão để lựa chọn vào danh sách được duyệt đặt tên cho bão.
Những tên mới bổ sung bao gồm các tên châu Á, được lấy từ các nước và vùng lãnh thổ là thành viên của WMO trong khu vực. Mỗi trong số 14 thành viên cung cấp 10 cái tên, tạo thành danh sách 140 tên bão. Các cơn bão hình thành ở khu vực này sẽ được Trung tâm Bão nhiệt đới Tokyo thuộc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản lựa chọn và đặt tên.
Những tên này có hai điều khác biệt so với tên bão ở các nơi trên thế giới. Thứ nhất, hầu hết chúng không phải là tên riêng của người, mà thường là tên các vị thần, các loài hoa, chim, cây cỏ, động vật quý hiếm, địa danh nổi tiếng hay thậm chí tên món ăn để đề cử cho Ủy ban bão của khu vực. Thứ hai, các tên này không được đặt tuần tự theo thứ tự chữ cái, mà theo thứ tự chữ cái của tên các nước.
Riêng với Việt Nam, trước đây Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia đã đề xuất 20 tên gọi cho bão là tên thuần túy tiếng Việt. Ủy ban bão của khu vực chọn 10 tên do chúng ta đề cử gồm: Conson, Saola, Songda, Sontinh, Lekima, Sonca, Bavi, Tramy, Halong, Vamco.
Ngoài ra, ở Việt Nam, mỗi cơn bão vào biển Đông còn được đánh số theo thứ tự từng năm như quy định của Nhà nước (và vẫn có tên quốc tế như khi Việt Nam đăng ký tên).
Ví dụ: Năm 2012, bão số 8 ở Việt Nam là tên gọi của bão Sơn Tinh (tên quốc tế do Việt Nam đăng ký); năm 2020, bão số 10 ở Việt Nam có tên gọi quốc tế là bão Goni.
Mỗi năm, Ủy ban bão sẽ họp một lần và có bàn đến nội dung các nước đề cử tên mới, loại tên cũ theo danh sách, các nước có thể kiến nghị bỏ tên bão do nước khác đặt.
Thực tế là Hàn Quốc từng đề nghị loại bỏ tên bão Saomai (Việt Nam đề cử) ra khỏi danh sách tên bão vì cơn bão mang tên này đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Hàn Quốc. Việt Nam cũng đã đề nghị bỏ tên bão Chanchu do Hàn Quốc đặt vì đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam và Ủy ban bão của khu vực đã chấp nhận.