Ai chịu trách nhiệm các vụ đuối nước tại TP Thanh Hóa?

GD&TĐ - Nhiều hồ điều hoà nằm trong công viên trên địa bàn TP Thanh Hóa không có lan can bảo vệ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước.

Hồ nhân tạo trong Công viên Bố Vệ được thiết kế không có rào chắn.
Hồ nhân tạo trong Công viên Bố Vệ được thiết kế không có rào chắn.

Vì sao không đưa rào chắn vào thiết kế?

Đưa vào vận hành được gần 2 năm, thế nhưng tại Công viên Bố Vệ (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) đã xảy ra 2 vụ trẻ rơi xuống hồ, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Mới đây nhất là vào ngày 17/3, nạn nhân là cháu bé 7 tuổi sống ngay cạnh công viên.

Một hồ điều hoà rộng 3,35ha, độ sâu trung bình 1,2m, vị trí sâu nhất lên đến gần 2m. Tuy nhiên, lại chỉ được thiết kế dải phân cách mềm, và không có bất cứ biển cảnh báo nguy hiểm nào. Đáng nói, công viên này nằm sát khu dân cư, mỗi ngày có hàng trăm lượt người vào, đặc biệt là trẻ em khiến người dân không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Được biết, Công viên Bố Vệ là hạng mục trong Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở và công viên cây xanh thuộc khu đô thị Nam TP Thanh Hóa do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Dự án được bàn giao cho Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa vận hành, quản lý vào tháng 5/2022. Theo thiết kế xây dựng, hồ điều hoà trong công viên này không có lan can bảo vệ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sang, Giám đốc Xí nghiệp Công viên cây xanh 2, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, đơn vị tiếp nhận công trình không có biển cảnh báo hay hàng rào, hiện trạng như bây giờ.

Ông Sang cũng khẳng định, quá trình đưa vào vận hành, đơn vị nhận thấy nhiều bất cập như tại sao hồ rộng, sâu như vậy nhưng lại không có hàng rào chắn. Tuy nhiên, đơn vị này không có bất cứ đề xuất nào bằng văn bản lên cơ quan có thẩm quyền cũng như “lờ” đi việc cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Không chỉ Công viên Bố Vệ, trên địa bàn TP Thanh Hóa vẫn còn một số hồ điều hoà lớn nhưng không có lan can bảo vệ. Cụ thể, tại Công viên Hồ Đồng Chiệc (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) đưa vào sử dụng vào năm 2014. Từ đó đến nay, cũng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ rơi xuống hồ, đã có một số nạn nhân không may mắn tử vong.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Sơn cho biết, do Hồ Đồng Chiệc không có lan can, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước nên UBND phường thường xuyên có chương trình tuyên truyền tới người dân.

“Năm 2022, xảy ra nhiều vụ đuối nước ở trẻ, đầu năm 2023, một thanh niên say rượu ngã xuống hồ dẫn đến tử vong. Sau đó, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa có đi thị sát tại khu vực này và kết luận cụ thể là giao cho UBND thành phố, lấy vốn đầu tư trung hạn, đưa vào cải tạo có hàng rào bảo vệ, tránh nguy cơ dẫn đến đuối nước.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được thực hiện. Mong muốn của phường là dự án làm hàng rào bảo vệ sớm được thực hiện để giảm tối thiểu các vụ tai nạn đuối nước đau lòng xảy ra”, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Sơn cho biết thêm.

Dưới các bậc lên xuống không có biển cảnh báo nguy hiểm.

Dưới các bậc lên xuống không có biển cảnh báo nguy hiểm.

Đơn vị vận hành phải có trách nhiệm đề xuất

Trả lời Báo GD&TĐ, ông Phạm Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Quản lý và Khai thác quỹ đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thanh Hóa cho biết, Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở và công viên cây xanh thuộc khu đô thị Nam TP Thanh Hóa được UBND tỉnh giao cho trung tâm làm chủ đầu tư.

“Dự án được thi công theo hồ sơ thiết kế đã được tỉnh phê duyệt. Trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ điều hoà trong Công viên Bố Vệ không có lan can mà sử dụng dải phân cách mềm là phần thảm cỏ, được tiếp cận tới mặt hồ từ 1m6 - 2m để tạo khoảng cách an toàn”, ông Trường thông tin.

Cũng theo ông Trường, thiết kế là như vậy, tuy nhiên trong quá trình vận hành, nếu thấy có sự bất cập thì Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa phải đề xuất lên UBND TP Thanh Hóa là đơn vị trực tiếp quản lý để bổ sung những giải pháp. Ngoài ra, đơn vị vận hành cũng phải có trách nhiệm cắm biển cảnh báo những vị trí nguy hiểm.

Tuy nhiên, liên quan đến việc không cắm biển cảnh báo, ông Hồ Viết Lân, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, cho rằng: “Đơn vị được giao quản lý vận hành, chăm sóc cây cối, cắt tỉa, vệ sinh môi trường, làm công tác bảo vệ tại Công viên Bố Vệ.

Hồ thiết kế thế nào, chúng tôi để nguyên trạng, không có điều chỉnh gì cả. Vụ việc cháu bé tử vong dưới hồ ngày 17/3 là đáng tiếc khi phụ huynh không để ý con cái. Ở hồ Đồng Chiệc cũng tương tự như thế, cũng có một số vụ tai nạn chết người. Quá trình làm, chúng tôi cũng có bảo vệ đi tuần, nhưng sao mà hết được”.

Ông Lân cũng khẳng định: “Trong hợp đồng đấu thầu có cái gì thì làm đúng theo như thế, không phát sinh được, nhiều khi đó là vấn đề xã hội, là yếu tố ngẫu nhiên, làm sao mà bao quát hết được. Trong quá trình vận hành biết có những bất cập, nhưng do liên quan đến dự án và kinh phí, công ty không quyết được”.

Khi các đơn vị liên quan còn thờ ơ, chủ quan, thiếu trách nhiệm thì liệu những vụ đuối nước đau lòng xảy ra tại các hồ nhân tạo trong công viên liệu có dừng lại ở con số 1 - 2 vụ?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.