8 cách giúp cha mẹ đối phó với cơn giận dữ, cáu gắt và ăn vạ của trẻ

Và việc nhận biết các mô hình hành vi của một đứa trẻ và đối phó với chúng có thể là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với các bậc cha mẹ cho dù đó là những cha mẹ đã có kinh nghiệm. 

Tuy nhiên, 8 cách đơn giản dưới đây sẽ giúp cha mẹ phần nào kiềm hãm được con quái vật trong trẻ bằng cách cho chúng nếm mùi thất bại, học cách đứng lên từ những sai lầm, tự giải quyết vấn đề...

1. Chỉ cho trẻ thấy luật nhân – quả

Trẻ cần phải được nhìn thấy những hậu quả do hành vi của mình gây ra để nhận ra rằng chúng đã làm sai điều gì. Đây là cách cha mẹ giúp trẻ hiểu quy luật hoạt động của cuộc sống, từ đó trẻ sẽ biết suy nghĩ đến hậu quả trước khi định làm một việc gì đó.

Cha mẹ không nên cố gắng ngăn chặn những hậu quả sẽ xảy ra bởi hành vi của trẻ. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn bỏ mặc con trong những tình huống nguy hiểm. 

Cha mẹ cũng không nên cố gắng hành động như những kẻ xấu hoặc thể hiện sự vượt trội của bản thân trước mặt con. Điều quan trọng cha mẹ cần làm là đứng đằng sau hỗ trợ và sẵn sàng đối phó những hành vi mà trẻ đã gây ra.

Ví dụ: Nếu trẻ không chịu ăn bữa trưa, chúng sẽ phải nhịn đói cho đến khi ăn tối. Nếu đứa trẻ bắt nạt bạn thì sẽ không có ai muốn chơi với chúng cho đến khi chúng xin lỗi.

2. Hãy để trẻ học hỏi từ những sai lầm

Điều quan trọng cha mẹ cần phải dạy con là cách khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra và học hỏi từ những sai lầm đó. Cha mẹ tuyệt đối không được chê bai, giễu cợt làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ hoặc bị sỉ nhục, nó chỉ mang lại sự chống đối của trẻ.

Để làm được việc này đòi hỏi trẻ phải có khả năng tự sửa lỗi. Cha mẹ nên giúp trẻ xử lý cảm xúc và giúp chúng một tay nếu cần, nhưng không nên can thiệp quá nhiều vào quá trình sửa lỗi của trẻ. Hãy để trẻ tự tìm cách ứng xử thích hợp như xin lỗi hoặc nhờ cha mẹ giúp đỡ một cách lịch sự.

Ví dụ: Hạn chót để nộp bài tập làm văn về nhà là ngày mai, nhưng trẻ không hề có ý định làm chúng hoặc làm một cách qua loa đại khái. Thay vì bắt con thức khuya hay giúp chúng làm bài tập thì cha mẹ nên để con được nhận điểm kém và tự tìm cách khắc phục tình hình.

3. Tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ có hành vi xấu

Trẻ có thể nổi cơn thịnh nộ hoặc có hành động tức giận không phải vì tính khí thất thường, mà vì chúng không biết cách đối phó với cảm xúc của mình. Do đó, cha mẹ cần phải cho trẻ một cơ hội giải thích nguyên nhân lý do vì sao trẻ lại nổi giận.

Khi một đứa trẻ bắt đầu nổi giận, quậy tung mọi thứ lên thì cha mẹ nên đưa chúng rời khỏi tình huống hiện tại. Hãy tìm một nơi yên tĩnh - nơi mà cha mẹ và trẻ có thể nói về hành vi, cảm xúc và nguyên nhân sâu xa của sự việc.

Cha mẹ hãy giải thích cho trẻ rằng con có quyền được tức giận nhưng con nên hành động hoặc phản ứng theo cách có thể chấp nhận được, và cho dù như thế nào thì cha mẹ vẫn luôn yêu thương con. Đồng thời, bạn hãy cùng trẻ thảo luận đưa ra một kế hoạch đối phó với những cảm xúc tương tự trong tương lai.

Ví dụ: Cuối tuần, cả nhà cùng nhau đi mua sắm, nhưng chỉ được một lúc thì trẻ cáu gắt, bực bội. Thay vì la mắng con, cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao con bực bội. Có thể là trẻ đang mệt, đói, mỏi chân và cần được nghỉ ngơi.

4. Cha mẹ phải làm gương cho con

Khi nói chuyện với trẻ, cha mẹ hãy cư xử một cách bình tĩnh, thấu đáo. Nếu bạn cũng cáu kỉnh hoặc la hét theo những cảm xúc của con thì nghĩa là bạn cũng không có khả năng kiểm soát cảm xúc. Bởi các vấn đề với hành vi hung hăng của trẻ rất dễ đánh thức phần bực bội, bất lực trong bạn. 

Nó khiến bạn đưa ra những quyết định tồi tệ và những hành động không phù hợp trong một tình huống khó khăn.

Vì vậy, ngay khi cảm thấy mình sắp "bùng nổ" thì cha mẹ hãy hít thở thật sâu, đi uống nước lạnh, thậm chí là đi tắm để cho bản thân và con trẻ cùng có cơ hội được điều chỉnh cảm xác của mình. Khi đã hạ nhiệt, cha mẹ hãy trò chuyện với con.

Ví dụ: Khi trẻ mè nheo đòi ăn thêm bánh kẹo ngọt, nhưng bạn biết rằng ăn nhiều đồ ngọt không tốt, nó không chỉ gây nguy cơ sâu răng, béo phì mà còn khiến trẻ dễ bị kích động và thay đổi tâm trạng. 

Thế nên, thay vì cấm đoán, la mắng, bạn hãy giải thích cho trẻ hiểu là chỉ nên ăn một miếng bánh nhỏ thôi, chúng ta còn phải dành thời gian chơi cờ với nhau nữa chứ.

5. Chọn hình phạt tương ứng với từng lứa tuổi của trẻ

Khi trẻ sai, cha mẹ phạt là chuyện nên làm. Song, không phải lúc nào cũng áp dụng một mức phạt giống nhau cho tất cả các trẻ. Tùy vào từng độ tuổi, cha mẹ nên có những hình thức phạt khác nhau như:

- Trẻ từ 0 – 2 tuổi: Khi trẻ đánh, cắn người khác hoặc ném thức ăn thì cha mẹ nên phạt trẻ ngồi trên "chiếc ghế hư" trong vòng 1 đến 2 phút để trẻ bình tĩnh lại.

- Trẻ từ 3 – 5 tuổi: Ở độ tuổi này cha mẹ có thể làm biểu đồ ngoan – hư mỗi tuần và dán ở trong phòng hoặc trước cánh cửa tủ lạnh. Mỗi khi con ngoan sẽ được dán 1 sticker mặt cười, và mỗi khi hư thì trên biểu đồ sẽ có một sticker mặt mếu. Điều này giúp trẻ có thể tự nhìn lại bản thân và hành vi của mình để mà điều chỉnh. Và khi hết 1 tuần, nếu sticker mặt cười nhiều hơn thì trẻ sẽ được thưởng bằng 1 cái ôm, một viên kẹo…

Đôi lúc trong tình huống khẩn cấp thì chiếc ghế hư vẫn phát huy tác dụng. Và cha mẹ chỉ cần dựa trên số tuổi của bé tương ứng với số phút bị phạt.

- Khi trẻ từ 6 tuổi trở lên, cha mẹ có thể phạt bằng hình thức tịch thu món đồ mà con thích hoặc không cho phép trẻ làm điều trẻ thích như: không được xem ti vi trong vòng 1 tuần…

6. Đừng bao giờ đe dọa hay đánh đập trẻ

Cha mẹ đừng bao giờ đe dọa trẻ và cũng đừng bao giờ sử dụng hình phạt về thể xác như đánh, tát,... Dù "tra tấn" bằng lời nói hay bạo hành về thể xác thì cũng đều ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, thậm chí, nó còn có thể gây ra các vấn đề tâm lý trong tương lai. Bên cạnh đó, hành vi này còn làm tổn hại sự gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái, làm suy yếu hình ảnh cha mẹ trong lòng con trẻ.

Cha mẹ nên hiểu rằng việc đe dọa hay đánh đập trẻ chỉ có tác dụng trước mắt là ngăn chặn ngay lập tức hành vi của trẻ, nhưng về lâu dài, những hành động xấu này sẽ thấm nhuần vào trong tâm trí trẻ, khiến chúng không biết cách cư xử đúng đắn. 

Tốt nhất, cha mẹ nên dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc của mình và cho trẻ thấy rằng cãi nhau hay đánh nhau đều không thể giải quyết được vấn đề.

7. Luôn tôn trọng ý kiến của trẻ

Cha mẹ hãy luôn nhớ rằng, cho dù trẻ có nhỏ như thế nào thì chúng vẫn là những cá thể riêng biệt với các nhu cầu, mong muốn và tính cách riêng của mình. Và đôi khi, trẻ cảm thấy rất áp lực khi phải hành động theo những chuẩn mực mà cha mẹ đặt ra. Đó là vì sao chúng nổi loạn để thể hiện sự độc lập của mình.

Vì vậy, cha mẹ hãy để trẻ được tham gia vào các cuộc họp gia đình, và hãy lắng nghe ý kiến của trẻ. Có thể, lời góp ý của con không có giá trị khi áp dụng vào thực tế, nhưng cách cha mẹ hỏi và lắng nghe đã cho trẻ thấy mình được tôn trọng. Từ đó, trẻ cũng sẽ học được cách lắng nghe và tôn trọng lời khuyên từ cha mẹ.

8. Cha mẹ luôn thực hiện đúng nguyên tắc và giữ đúng lời hứa với con

Khi cha mẹ hứa gì với con thì xin hãy thực hiện, bởi đó không chỉ là lời hứa, là niềm tin, mà nó còn dạy trẻ về cách giữ chữ tín, cách trọng danh dự của mình. Đồng thời, cha mẹ cũng phải tuân thủ đúng theo những nguyên tắc mà mình đã đưa ra. Khi làm sai, trẻ sẽ phải chịu phạt. Nếu ngoan ngoãn, trẻ sẽ được thưởng.

Theo Báo Dân sinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ