So với 7 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu, số vụ giảm 150 vụ (-41%), giảm 08 người chết (-4%), giảm 218 người bị thương (-52%).
Trong 7 ngày nghỉ Tết, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ, phát hiện, xử lý 19.022 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, phạt tiền trên 12 tỷ đồng, tước 1.104 giấy tờ các loại. Kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường thủy; phát hiện, xử lý 130 trường hợp vi phạm, phạt tiền 42.650.000 đồng.
Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, số lượt phản ánh đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã giảm đáng kể so với tết những năm trước, với tổng số hơn 150 lượt gọi/7 ngày; chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm từ ngày 13 - 14/02/2018 (tức ngày 28 và 29 Tết) và ngày 19/02- 20/02/2018 (tức ngày mồng 4 và mồng 5 Tết).
Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng gia trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người đi định, ùn tắc giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông.
Các ý kiến thắc mắc về quy định giá cước vận tải đều được trả lời trực tiếp tới người dân, những thông tin vi phạm về kinh doanh vận tải được chuyển đến các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật như: phạt tiền, tước phù hiệu xe, tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, tước giấy phép lái xe...
Cảnh sát giao thông các địa phương sau khi nhận phản ánh từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kịp thời bố trí lực lượng dừng xe, kiểm tra và xử lý nghiêm nhiều trường hợp nhà xe vi phạm chở quá số người, vi phạm các quy định về vận tải hành khác.
Lực lượng Thanh tra giao thông và các bến xe tại địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các xe thu phụ thu giá vé cao so với quy định, hoạt động không có phù hiệu hoặc không có phiếu xuất bến; cán bộ trực đường dây nóng nhiều lần liên hệ trực tiếp với các nhà xe để yêu cầu lái xe và phụ xe hoàn trả tiền đã thu trái quy định cho hành khách ngay trên xe...
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong các ngày sau Tết nguyên đán và mùa Lễ hội xuân 2018 (hết tháng 3/2018), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1882/CĐ-TTg ngày 8/12/2017 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội xuân 2018.
Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương huy động tối đa lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng Cảnh sát khác (Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Công an xã) và lực lược thanh tra giao thông đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm khắc, triệt để các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không nể nang, không xuê xoa, đặc biệt các hành vi có tần suất vi phạm cao và phổ biến như: vi phạm quy định nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm; có phương án tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) và các lực lượng cảnh sát khác hỗ trợ trực tiếp tại địa bàn có Lễ hội.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ, Sở Giao thông vận tải các địa phương tăng cường quản lý siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành, tăng cường hướng dẫn thông tin đi lại dịp Lễ hội xuân, phổ biến đạo đức nghề nghiệp, kinh nghiệm điều khiển phương tiện ở các môi trường giao thông phức tạp: có mật độ giao thông cao, ùn tắc kéo dài, đường đèo dốc, địa bàn mới, mưa, ban đêm, đường dài; tập trung kiểm soát hoạt động vận tải khách bằng ô tô, vận tải thủy nội địa theo hợp đồng, nhất là tuyến Bắc - Nam và hoạt động vận tải đến khu vực Lễ hội và tại khu vực Lễ hội.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo các lực lượng liên ngành tăng cường lực lượng phối hợp với UBND địa phương nơi diễn ra Lễ hội có chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông và tuần tra, kiểm soát nghiêm trên các tuyến kết nối đến địa điểm tổ chức lễ hội và khu vực diễn ra Lễ hội; tăng cường năng lực vận tải phục vụ nhân dân dự các lễ hội, chú trọng tăng cường dịch vụ vận tải hợp đồng, vận tải du lịch; nâng tần suất dịch vụ xe buýt, xe khách tuyến cố định đi và đến địa bàn lễ hội; tăng cường phương tiện taxi phục vụ trực tiếp tại địa bàn lễ hội; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ…