Du lịch chùa Hương
Một địa điểm du lịch mang đậm tính tâm linh mà chúng ta không thể không nhắc đến trong dịp tết Âm lịch này là chùa Hương.
Suối Yến nơi tuyệt đẹp đến vào mùa xuân. |
Hàng năm, cứ vào mùng 6 tháng giêng âm lịch – ngày khai hội chùa Hương, du khách thập phương nô nức trẩy hội, cầu an. Bên cạnh đó bạn cũng có dịp được thưởng thức cảnh núi cao rừng thẳm, suối dài được kết hợp khéo léo giữa một vùng đồng bằng ruộng lúa xanh tươi.
Bái Đính - Nơi trời tiên, cảnh phật
Nằm ở phía tây Cố đô Hoa Lư, quần thể chùa Bái Đính nổi tiếng với nhiều kỷ lục như chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam, tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á…thu hút du khách khắp nơi. Bên cạnh đó, Chùa Bái Đính còn được xem là nơi hội tụ linh khí núi sông, tâm linh dân tộc khi nơi đây vừa thờ Phật, thờ Thần và thờ Mẫu, giao hòa của các tính ngưỡng dân gian tạo nên một không gian linh thiêng hoàn hảo.
Nhưng chùa Bái Đính không chỉ có thế, nơi đây còn có núi sông kỳ ngộ, phong cảnh hữu tình, từng được vua Lê Thánh Tông đề tặng bốn chữ “Minh Đỉnh danh lam”, là một chốn trời tiên, cảnh phật. Mỗi mùa xuân đến, hàng triệu du khách khắp nơi đổ về chùa Bái Đính, thắp hương cầu phước, chiêm ngưỡng những công trình kỷ lục và vãn cảnh sông núi hữu tình. Leo núi thăm chùa Bái Đính dẫu có mệt, nhưng có cảnh, có người, có không khí trong lành, thanh tịnh nơi cửa Phật nên ai ai cũng cảm thấy sảng khoái tinh thần, tìm thấy sự thanh thản, bình an trong tâm hồn.
Non thiêng Yên Tử
Yên Tử là quê hương, là nơi khởi nguồn thiền phái Trúc Lâm - dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo của người Việt. Hàng năm, từ ngày mùng 10 tháng Giêng và kéo dài đến giữa tháng 3, hàng vạn du khách thập phương rủ nhau về đây trẩy hội, thắp hương và vãn cảnh du xuân.
Lên núi Yên Tử, du khách có thể đi cáp treo, thỏa sức ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng ẩn hiện trong mây trắng mênh mông hoặc chậm rãi bước chân theo những bậc đá phủ rêu xanh vì sương gió, len lỏi theo lối mòn, vượt qua bạt ngàn cây cỏ, dưới rừng trúc, rừng thông. Hành trình viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan với cây cầu đá xanh nối hai bờ suối, đến chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng và những ngôi chùa cổ hàng nghìn năm tuổi khác. Đến nơi đây, khách thập phương không chỉ đơn thuần dự lễ hội truyền thống mùa xuân, cầu phúc đầu năm mà còn có dịp tìm hiểu về trung tâm Phật giáo lớn nhất trong lịch sử tôn giáo Việt Nam.
Du lịch Chùa Dâu - Chùa Bút Tháp - Đền Đô - Chùa Phật Tích
Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp, Đền Đô, Chùa Phật Tích những nơi linh thiêng mỗi độ xuân về lại đón hàng nghìn lượt tham quan, dâng hương từ các phật tử khắp nơi trong cả nước.
Cụm các công trình chùa cổ kính ở Bắc Ninh, với lối kiến trúc độc đáo, cũng như chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc biệt của vùng đất Kinh Bắc giàu văn hóa, truyền thống.
Chùa Dâu được xây dựng ở cổ thành Luy Lâu từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, là ngôi chùa cổ nhất và là nơi khởi nguồn của đạo Phật Việt Nam. Chùa Dâu còn được gọi là Pháp Vân Tự - nơi tu hành đắc đạo của nhiều vị cao tăng nổi tiếng.
Nói đến Bắc Ninh, ta không thể không nói đến Chùa Bút Tháp. Đây là một ngôi chùa cổ, mặc dù đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa nhưng chùa vẫn giữ được những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc tuyệt mỹ và nét nguyên sơ hấp dẫn của nó với sự dung hội hai nền văn hóa Việt - Hoa.
Chùa Bút Tháp với những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc tuyệt mỹ. |
Đền Đô nằm trên vùng đất "địa linh nhân kiệt" Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (cách Thủ đô Hà Nội gần 20 km). Từ xưa vùng đất này đã nổi tiếng là vùng văn hóa, là nơi có phong cảnh đẹp. Đền Đô được xây dựng từ thời Lý Công Uẩn (thế kỷ XI).
Chùa Phật Tích với những di sản văn hóa quý giá như: quy mô nền móng to lớn với nhiều di vật, cổ vật thời Lý như chân cột, gạch ngói, con giống, linh thú, đặc biệt là tượng Phật A Di Đà và việc phát lộ chân cây tháp cổ, đã khẳng định chùa Phật Tích đại danh lam thắng cảnh thời Lý nổi tiếng.
Mùa xuân đến thăm Thiên Mụ
Hơn 400 năm, trải qua bao thăng trầm lịch sử, sự khắc nghiệt của thiên nhiên và thời gian, chùa Thiên Mụ- xứ Huế vẫn uy nghi, cổ kính, nổi tiếng linh thiêng, mời gọi bước chân du khách mỗi độ xuân về.
Xuôi thuyền trên sông Hương, thắp nén hương viếng chùa Thiên Mụ, du khách sẽ thấy lòng mình như lắng đọng lại, tĩnh tâm hơn, bỏ lại đằng sau những muộn phiền, lo âu trong cuộc sống. Không chỉ nổi tiếng linh thiêng, phong cảnh hữu tình, Chùa Thiên Mụ còn hấp dẫn với bao truyền thuyết cổ xưa và 108 tiếng chuông ngày ngày gõ nhịp thời gian. Tiếng chuông ấy như linh hồn của Huế, vang vọng mãi theo dòng nước sông Hương, đi vào ca dao, tục ngữ, đọng lại trong lòng người con xứ Huế và du khách thập phương một lần đến và yêu mến xứ sở thơ mộng này.
Hành hương về núi Sam Châu Đốc
Bên cạnh Bái Đính, Yên Tử hay chùa Thiên Mụ xứ Huế, núi Sam Châu Đốc với hơn 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và cả trên đỉnh núi, là một trong những địa điểm lý tưởng cho các chuyến hành hương dịp đầu năm. Nổi bật trong số đó là Tây An Cổ Tự, ngôi chùa mang nét kiến trúc kết hợp giữa Ấn Độ và Việt Nam vô cùng độc đáo, Miếu Bà Chúa Xứ tôn nghiêm gắn liền với bao truyền thuyết và Lăng Thoại Ngọc Hầu, nơi tôn thờ vị anh hùng có công khai mở đất An Giang.
Mỗi dịp đầu năm, núi Sam Châu Đốc thu hút hàng triệu lượt khách thập phương về hành lễ. Khách thập phương đến với Núi Sam ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình, còn mong tìm cho mình những giây phút tĩnh tâm ở chốn non thiêng và cầu mọi sự an lành hay những mơ ước trong cuộc sống.