Tuyến cáp quang AAG bị đứt hôm 5/1/2014 đang gây ảnh hưởng lớn tới việc sử dụng Internet của người dùng tại Việt Nam, đặc biệt là nhà mạng VNPT. Dự kiến, tuyến cáp AAG kể trên sẽ hoàn thành sửa chữa và đi vào hoạt động bình thường từ 23/1/2015.
Trong lúc sự cố chưa thể khắc phục xong, người dùng có thể thực hiện một số giải pháp "chữa cháy" sau để vừa truy cập Internet tốt hơn, vừa tiết kiệm thời gian chờ đợi.
1. Chuyển sang sử dụng các dịch vụ trong nước
Theo thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông FPT Telecom, sự cố đứt cáp quang biển AAG chỉ ảnh hưởng tới hướng kết nối quốc tế, còn các hướng thông tin liên lạc trong nước vẫn diễn ra bình thường. Do đó, trong thời gian này, người dùng nên chuyển sang các dịch vụ trong nước để có hiệu suất công việc tốt hơn.
Chẳng hạn, sử dụng một dịch vụ chia sẻ video clip trong nước thay cho YouTube, sử dụng dịch vụ chia sẻ tập tin trong nước thay cho Google Drive, Microsoft OneDrive... Tất nhiên, một số dịch vụ trong nước đặt máy chủ ở nước ngoài thì tốc độ có thể không cao, nhưng bạn có thể thử qua nhiều dịch vụ và chọn cho mình dịch vụ tốt hơn.
2. Chặn quảng cáo, hình ảnh khi lướt web
Các banner quảng cáo dạng flash hay hình ảnh chất lượng cao là nội dung tiêu tốn rất nhiều tài nguyên đường truyền. Do đó, bạn nên dùng tạm các công cụ chặn quảng cáo để lọc bớt các nội dung trên. Nhờ đó sẽ vẫn nhận được các thông tin chính quan trọng với tốc độ khả quan hơn.
3. Hạn chế các dịch vụ ít ý nghĩa
Lướt Facebook chỉ để đọc status của bạn bè, xem video trên YouTube chỉ để tìm tiếng cười... trong khi mạng Internet quá chậm có thể sẽ khiến bạn thêm ức chế. Trong hoàn cảnh này, tốt hơn hết là bạn hãy gạt bỏ bớt các dịch vụ ít ý nghĩa như vậy, thay vào đó hãy dùng tài nguyên Internet và thời gian cho các công việc quan trọng như giữ liên kết với tài khoản email, công cụ tìm kiếm...
4. Truy cập Gmail ở chế độ HTML
Gmail là một dịch vụ email tối quan trọng trong công việc của nhiều người. Nếu việc truy cập Gmail gặp khó khăn, bạn hãy thử chuyển sang chế độ HTML cơ bản ngay ở màn hình "Loading" trên trình duyệt web.
5. Sử dụng thoại audio thay vì video call
Nếu cần trao đổi với người thân, đối tác ở xa thông qua ứng dụng FaceTime hay Skype, bạn nên chọn chế độ audio thay vì video call. Khi đó, tín hiệu truyền dẫn chắc hẳn sẽ ổn định hơn do chỉ có âm thanh.
6. Xem video YouTube ở chất lượng thấp hoặc tải về trước khi xem
Trong trường hợp muốn xem video trên YouTube, bạn có thể chuyển sang chất lượng thấp hơn là 480p hay 360p thay vì 720p (HD) hay 1080p (Full HD). Nếu video vẫn quá lag, bạn có thể dùng phần mềm tăng tốc tải dữ liệu Internet Download Manager tải về trước khi xem.