5 thách thức khi đưa máy tính bảng vào trường học

Sự phát triển của các thiết bị truy nhập Internet mới như máy tính bảng như iPad, Google Nexus, điện thoại thông minh iPhone, điện thoại chạy hệ điều hành Android đặt ra các nhiều thách thức mới cho các trường học.

 5 thách thức khi đưa máy tính bảng vào trường học

Từ nhiều năm qua, ngành Giáo dục đã có những bước đi táo bạo trong việc đưa công nghệ thông tin vào trường học.

Hầu hết các trường đại học đã có phòng máy tính kết nối Internet, có website cung cấp thông tin tuyển sinh, có trang web nội bộ quản lý sinh viên, cung cấp thời khóa biểu, đăng ký tín chỉ qua mạng. Các trường cấp 3 cũng bắt đầu cung cấp các dịch vụ tương tự.

Tuy nhiên, phần lớn các trường chỉ mới thành công trong việc cung cấp các dịch vụ web truy nhập từ máy tính để bàn. Sự phát triển của các thiết bị truy nhập Internet mới như máy tính bảng như iPad, Google Nexus, điện thoại thông minh iPhone, điện thoại chạy hệ điều hành Android đặt ra các nhiều thách thức mới cho các trường học.

1. Hạ tầng mạng quá tải vào kỳ thi

Dạo qua các trang mạng xã hội Facebook của các sinh viên vào thời điểm bắt đầu các kỳ thi, chúng ta có thể thấy những lời phàn nàn phổ biến khi sinh viên không thể truy nhập trang web của trường để đăng ký học hay đăng ký thi.

Đó là do mạng hay máy chủ của trường không đáp ứng kịp hàng trăm kết nối của học viên tại cùng một thời điểm. Việc này có thể do kết nối mạng của trường ra Internet hạn chế hoặc do trường đầu tư máy chủ có cấu hình thấp, hoặc do hệ thống phần mềm của trường chưa thiết kế để xử lý số lượng truy nhập đột biến như vậy.

Dù bất kỳ lý do nào, việc mạng của trường bị lỗi mang lại ức chế cho sinh viên và làm giảm uy tín của trường trong nỗ lực đưa công nghệ thông tin vào trường học.

Với nền tảng khó khăn sẵn có, việc đưa máy tính bảng vào trường học sẽ góp phần làm tăng lượng truy nhập vào hệ thống mạng của trường.

Tuy máy tính bẳng thể hiện lợi thế vượt trội của mình là gọn nhẹ, giá rẻ, mang lại cơ hội để người học có thể truy nhập Internet tại mọi nơi của trường thông qua mạng không dây, nhưng nó cũng mang lại thách thức không nhỏ cho các trường bởi phải nâng cấp đường truyền Internet để đáp ứng nhu cầu truy nhập của số lượng lớn sinh viên có thể lên tới con số hàng nghìn người tại cùng một thời điểm.

2. Xây dựng tài liệu học tập điện tử không đơn giản

Internet là kho tàng thông tin và kho tàng kiến thức để học viên tra cứu bổ sung cho giáo trình chuẩn của trường. Nhưng Internet cũng đặt ra thách thức cho các trường trong việc soạn giáo trình điện tử. Đó là giáo trình của trường phải cạnh tranh với các giáo trình của các trường khác tương tự trên thế giới.

Theo khảo sát thì phần lớn tài liệu học tập phổ biến của các trường được thiết kế theo dạng sách điện tử pdf, slide và video. Các nội dung này hoạt động tốt trên nền tảng web cho phép truy nhập bằng máy tính để bàn.

Với việc ngày càng nhiều sinh viên sử dụng máy tính bảng như là thiết bị học tập chính, nhà trường trường sẽ phải chuyển đổi cách thể hiện nội dung, cho phép truy cập bằng máy tính bảng, với các yêu cầu mới như: Màn hình nhỏ hơn, tốc độ CPU chậm hơn, nội dung có thể được truy nhập ngay cả khi không có kết nối internet , nội dung được thiết kế phù hợp với tính năng "chạm để điều khiển" của máy tính bảng.

Thay đổi toàn bộ giáo trình đào tạo sao cho vừa phù hợp với máy tính để bàn, sao cho vừa phù hợp với máy tính bảng, thật sự là một thách thức lớn cho các ban quản lý trường học Việt Nam.

3. Máy tính bảng và văn hóa BYOD

Một thách thức nữa khi các trường học muốn đưa bài giảng điện tử của mình đối với mỗi sinh viên đó là văn hóa sở hữu thiết bị di động cá nhân (BYOD – Bring your own device). Nhìn trên phố, trong khuôn viên các trường học, ta thấy rất nhiều bạn trẻ sở hữu máy tính bảng riêng.

Bạn là tín đồ thời trang sẽ thích máy tính iPad của hãng Apple. Bạn thích máy tính cài nhiều chương trình sẽ chọn máy tính bảng Google Nexus. Bạn có ngân sách hạn hẹp có thể chọn máy tính bảng Android của hãng Lenovo.

Việc nhà trường qui định thống nhất một loại máy tính cho học viên sẽ làm khó sinh viên đã trang bị máy tính bảng riêng của mình. Ngược lại, các nội dung trên mạng của nhà trường có thể phải đầu tư thiết kế lại để xem trên máy tính bảng tốt nhất.

4. Gia đình hay nhà trường trả tiền cho máy tính bảng

Các em học sinh, sinh viên không chi trả cho máy tính bảng nhưng chính là nhà trường hoặc bố mẹ. Đó thật sự là một khoảng đầu tư. Trong khi đó, máy tính bảng được thiết kế là thiết bị của mỗi cá nhân, ngoài việc học, máy tính bảng được sử dụng như thiết bị giải trí và nhiều chức năng khác.

Có thể nói, tính năng giải trí là tính năng không thể thiếu ở máy tính bảng. Nhưng vì lo các em ham chơi, nhiều trường học có ý tưởng đầu tư máy tính bảng chỉ sử dụng riêng trong giờ học. Đó có thể bị coi là một lãng phí lớn vì số tiền bỏ ra là như nhau nhưng chức năng thì không được dùng tối đa

Vậy quyết định bỏ ngân sách để đầu tư máy tính bảng cho học sinh hay vận động phụ huynh học sinh mua máy tính bảng sẽ là một quyết định khó khăn cho nhà trường.

5. Máy tính bảng với học sinh nghèo

Máy tính bảng là công cụ hỗ trợ giáo dục tuyệt vời và việc đưa các nội dung dạy học lên máy tính bảng là việc trước sau gì các cơ sở giáo dục phải làm. Tuy nhiên, cũng như các thiết bị công nghệ khác, kinh phí đầu tư thiết bị và hạ tầng mạng chính là rào cản đầu tiên.

Các trường học của Việt Nam đang hoạt động theo mô hình nhà nước và nhân dân cùng chi trả. Trong đó, nhà nước chi trả phần hạ tầng, cha mẹ học sinh chi trả một số dịch vụ bổ sung.

Tùy theo ngân sách địa phương, mức đóng góp của cha mẹ học sinh cũng khác nhau. Ngay trong cùng một lớp, khoảng cách thu nhập gia đình mỗi học sinh có khoảng cách khá xa.

Do đó, nếu nhà trường yêu cầu gia đình cần trang bị cho mỗi học sinh một máy tính bảng, kể cả loại có mức giá trung bình, cũng là một gánh nặng đối với gia đình học sinh nghèo. Đây cũng là một thách thức các trường phải giải quyết khi đưa máy tính bảng vào trường học, nơi mà họ đang cố gắng mở rộng để chào đón thêm nhiều các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng nên nhắc lại lại thông tin về hội thảo "Đề án thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014 – 2015", được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 18/8 vừa qua, trong đó chính quyền TP Hồ Chí Minh dự kiến chi tới 4.000 tỷ đồng trong năm học tới để đưa toàn bộ máy tính bảng và mô hình lớp học thông minh của Hàn Quốc áp dụng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3.

Hội thảo nhận được khá nhiều bình luận tiêu cực từ cộng đồng quan tâm đến giáo dục, họ lo lắng về tính khả thi của đề án. Các ý kiến ngay tại hội thảo cho rằng những người viết đề án chưa đánh giá được các các trường hợp thành công điển hình trong việc đưa công nghệ thông tin nói chung và máy tính bảng nói riêng vào áp dụng ở các cấp học cao như cấp ba, và cấp đại học.

Nguy cơ lãng phí tiền đầu tư cho giáo dục dễ xảy ra khi những người có trách nhiệm chưa quan tâm đúng mức đến những khó khăn, thách thức khi thực hiện các dự án về công nghệ kiểu này.

Theo ITC News/ Techasia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ