1. HTC One M9
HTC One M9 được xem là thất bại lớn nhất của HTC trong năm vừa qua, khiến tình hình kinh doanh của HTC trở nên lao đao hơn bao giờ hết. Về cơ bản, máy vẫn kế thừa và phát huy thiết kế cao cấp của dòng máy HTC One, chỉ thay đổi các đường vân phay xước kim loại, cùng phần viền được đánh bóng gương.
Nâng cấp quan trọng của One M9 là camera UltraPixel độ phân giải 20 MP, ống kính 27,8 mm, khẩu độ f/2.2, cho khả năng thu sáng tốt hơn. Camera chính của máy cũng cho phép quay phim 4K. Ngoài ra, camera trước của One M9 có cảm biến BSI với khẩu độ f/2.0, ống kính 26,8 mm và hỗ trợ quay video Full HD.
Dù bị đánh giá là một bom xịt, nhưng bản thân chiếc smartphone One M9 vẫn mang những tính năng quen thuộc, tạo nên đặc trưng của dòng HTC One với loa kép BoomSound cùng hệ thống âm thanh trang bị công nghệ Dolby Audio Surround 5.1, hỗ trợ chuẩn âm thanh 24-bit.
Phần cứng của máy bao gồm bộ xử lý Snapdragon 810 lõi tám (4 nhân 2 GHz, 4 nhân 1,5 GHz) chuẩn 64-bit, bộ nhớ RAM 3 GB, bộ nhớ trong 32 GB, hỗ trợ thẻ nhớ microSD lên tới 2 TB. Ngoài ra, One M9 cũng hỗ trợ tới 21 băng tầng mạng khác nhau, gấp 3 lần so với thế hệ trước.
2. Sony Xperia Z3+
Nếu xét về doanh số của Xperia Z3+ trên thị trường quốc tế, rõ ràng, đây là một thất bại đáng tiếc của nhà sản xuất Nhật Bản trong năm 2015 này. Bởi sau hàng loạt thế hệ smartphone cao cấp dòng Xperia Z, Sony gần như không tạo ra được sự khác biệt với chiếc Xperia Z3+, và phải sớm tung ra Xperia Z5 thay thế.
Trong khi đó, máy còn gặp phải sự cố liên quan tới việc sử dụng vi xử lý Snapdragon 810 của Qualcomm, gây ra lỗi loan cảm ứng, hay quá nhiệt trên smartphone. Nhìn chung, theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, Xperia Z3+ chỉ đơn thuần là một bản nâng cấp nhẹ so với chiếc Xperia Z3 trong năm ngoái.
Về cấu hình, Xperia Z3+ được trang bị màn hình kích thước 5,2 inch, công nghệ sRGB TRILUMINOS, độ phân giải Full HD, RAM 3 GB, bộ nhớ trong 32 GB, viên pin dung lượng 2.930 mAh cùng camera chính ở mặt sau 21 MP, camera selfie ở mặt trước 5 MP và chạy nền tảng Android 5.0.
Ngay như tại thị trường Việt Nam, Xperia Z3+ cũng không thể hiện được vị thế của một sản phẩm chủ lực của Sony. Trong khi đó, nếu so giá bán của Xperia Z3+ chính hãng với các phiên bản xách tay hiện có tại thị trường Việt Nam, sự chênh lệch là rất lớn, có thể lên tới 5-6 triệu đồng.
3. Xiaomi Mi Note Pro
Sự ra đời của smartphone Mi Note Pro gắn liền với thời kì hưng thịnh của Xiaomi, đánh dấu bước chuyển mình từ hãng điện thoại vô dành, thành 1 trong 5 nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Với cấu hình khủng long, Xiaomi Mi Note Pro được coi là một trong những chiếc phablet khủng nhất của Xiaomi ở thời điểm hiện tại.
Minh chứng, Mi Note Pro từng được kì vọng là phiên bản kế nhiệm hoàn hảo của chiếc Mi Note trước đây. Chiếc Mi Note Pro sở hữu trong mình những "tinh túy" của làng công nghệ như vi xử lý Snapdragon 810 mạnh me, độ mỏng chỉ 6,95mm, viền kim loại chắc chắn và ngoại hình trang nhã, bắt mắt.
Tuy nhiên, trên thực tế, Mi Note Pro lại không thành công như kì vọng của nhà sản xuất Trung Quốc, bởi qua rất nhiều trải nghiệm của người dùng, máy tỏ ra rất nóng. Đặc biệt là khi sử dụng cùng lúc nhiều ứng dụng hoặc các tác vụ nặng, Mi Note Pro rất dễ xảy ra tình trạng giật, lag dù có cấu hình cao cấp.
Về cấu hình, Mi Note Pro được trang bị màn hình 5,7 inch với độ phân giải 2K cho mật độ điểm ảnh lên tới 515 ppi, tích hợp vi xử lý lõi 8 khá tai tiếng của Qualcomm là Snapdragon 810, chip đồ họa Adreno 430, RAM 4 GB, bộ nhớ trong 64 GB, viên pin 3.090mAh, hỗ trợ chuẩn kết nối LTE-CAT 9 và hệ điều hành MIUI.
4. LG G Flex 2
Đáng chú ý, LG G Flex 2 là smartphone đầu tiên được trang bị vi xử lý Snapdragon 810 64 bit 8 nhân, nhưng cũng gặp phải sự cố quá nóng tương tự. Máy có thiết kế màn hình cong như người tiền nhiệm G Flex với thiết kế phím cứng được bố trí ở mặt sau theo truyền thống LG kể từ chiếc LG G2.
Màn hình cong của máy cho phép máy ôm tai người dùng hơn đồng thời giúp micro sát miệng khi sử dụng để đàm thoại, cũng như đem lại trải nghiệm giải trí khác biệt so với đa số thiết bị khác. Đặc biệt, chiếc G Flex 2 cũng sở hữu khả năng tự phục hồi các vết trầy xước trên vỏ như người tiền nhiệm G Flex.
Đáng tiếc, thiết kế cong và sự cố quá nhiệt đã khiến G Flex 2 không thực sự thành công như mong đợi. Tuy nhiên, về cơ bản, LG G Flex 2 vẫn là 1 sản phẩm tốt, sở hữu màn hình 5,5 inch Full HD, sử dụng công nghệ màn hình OLED giống hệt chiếc smartwatch G Watch R mà hãng này đã giới thiệu vào năm ngoái.
Camera sau của G Flex 2 đạt độ phân giải 13 MP, camera trước là 2,1 MP. Đặc biệt, camera của G Flex 2 cũng được trang bị công nghệ chống rung quang học và lấy nét bằng laser. Và để tăng thêm trải nghiệm người dùng, chiếc G Flex 2 này cũng hoạt động trên nền Android 5.0 Lollipop với giao diện Material Design.
5. Samsung Galaxy Note Edge
Galaxy Note Edge được xem là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới sở hữu màn hình được vuốt cong về một phía. Thông qua đó, Samsung có thể tích hợp các biểu tượng thông báo, các tùy chọn như ghi âm, đếm giờ, kích hoạt đèn pin nhanh mà không cần phải trở về màn hình chủ, hay kéo thanh thông báo từ trên xuống.
Ngoài ra, phần mở rộng này cũng giúp tiết kiệm pin của máy, hiển thị các thông tin như thông báo, ngày giờ hay thông tin cá nhân, tùy biến bởi người dùng liên tục mà không cần phải mở khóa máy. Tuy nhiên, điểm đáng tiếc là chiếc Note Edge không phải là một sản phẩm phổ biến và được nhiều người dùng đón nhận.
Thiết kế của máy thừa hưởng nhiều đường nét của người anh em Galaxy Note 4 và Galaxy Alpha ra mắt trước đó, với phần viền được làm từ kim loại cao cấp, cùng các đường nét uốn lượn ở các cạnh viền và mặt lưng vân da có thể tháo rời. Note Edge cũng được bán kèm bút S Pen giống như Galaxy Note 4.
Về phần cứng, Galaxy Note Edge trang bị bộ xử lý lõi tứ Snapdragon 805 xung nhịp 2,7 GHz cùng đồ họa Adreno 420 và 3 GB bộ nhớ RAM, cụm camera sau lồi có độ phân giải 16 MP, cùng camera trước 3,7 MP. Galaxy Note Edge cũng hỗ trợ đầy đủ kết nối 2G/3G và mạng 4G (LTE).