5 nguyên nhân khiến Hà Nội vẫn đối mặt nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19

GD&TĐ - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, thành phố vẫn đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh tiềm ẩn, do đó công tác phòng chống dịch tiếp tục phải thực hiện tập trung cao nhất, không lơ là.

Ảnh: Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội.
Ảnh: Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Hà Nội vẫn đang đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh tiềm ẩn bởi 5 nguyên nhân: Vẫn còn mầm bệnh ngoài cộng đồng; nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài khi các tỉnh phía nam kết thúc giãn cách, mở cửa giao thông; tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân và cả các cơ quan quản lý cũng có dấu hiệu lơ là; thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển; biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ ngắn.

Từ ngày 21/9 đến 30/9, số ca mắc trên địa bàn được kéo giảm đáng kể, trung bình 5 ca mắc mỗi ngày, số ca mắc ngoài cộng đồng rất ít.

Tuy nhiên từ ngày 1/10, Hà Nội xuất hiện chùm ca bệnh phức tạp ở Bệnh viện Việt Đức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch tiếp tục phải thực hiện tập trung cao nhất, không được lơ là.

Việc nới lỏng phải kèm theo siết chặt quản lý, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm.

Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn, đặc biệt các địa bàn có các bệnh viện của bộ, ngành Trung ương phải thực hiện tầm soát cho cán bộ y tế của bệnh viện.

Các địa phương phải giám sát, yêu cầu các bệnh viện gửi báo cáo về Ban chỉ đạo của địa phương mình để tránh nguy cơ dịch phát sinh trong các bệnh viện.

Các sở ngành, quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND Thành phố với những đầu việc đã được nêu rất cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trung tâm y tế triển khai ngay phần mềm xét nghiệm đã được tập huấn.

Đây là những tính năng hữu hiệu, giảm thời gian việc lấy mẫu, tiện lợi cho người dân, không phải ghi chép bằng giấy rồi mới nhập vào hệ thống, rất dễ nhầm lẫn sai sót. Sở Y tế cần hướng dẫn triển khai mô hình bác sĩ gia đình; bảo đảm thuốc, vật tư y tế; tin học hóa, từng bước số hóa các hoạt động của trạm y tế.

UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành tiếp tục kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn mình phụ trách một cách chủ động, tiếp tục nâng cao vai trò tự quản, ý thức của người dân, doanh nghiệp và sự tham gia của các tổ Covid-19 trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ sở kinh doanh trong khu công nghiệp, tổ chức xét nghiệm thường xuyên cho cán bộ, công nhân và xây dựng phương án trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.