5 lí do khiến Patriot dễ dàng bị Kinzhal hạ gục

GD&TĐ - Giới chuyên gia quân sự đã chỉ ra 5 nguyên nhân khiến hệ thống phòng không Patriot Mỹ viện trợ cho Ukraine dễ dàng bị Nga tiêu diệt.

5 lí do khiến Patriot dễ dàng bị Kinzhal hạ gục

Patriot Ukraine bị MiG-31K Nga phục kích?

Hôm 16/5 trên mạng Internet lan truyền một đoạn video từ Kiev quay cảnh hệ thống phòng không Patriot của Mỹ cố gắng đẩy lùi cuộc tấn công tên lửa của Nga.

Đồng thời, các đoạn video riêng biệt cho thấy vài phút sau khi hệ thống phòng không của Mỹ khai hỏa và hết đạn thì xảy ra vụ nổ lớn trên mặt đất tại vị trí triển khai của chúng.

Vào buổi sáng ngày 16/5, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny thông báo lực lượng phòng không nước này đã đẩy lùi cuộc tấn công tên lửa của Nga vào rạng sáng hôm đó, đồng thời đánh chặn thành công tới 6 tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal bắn về phía Kiev.

Tuy nhiên, vào ngày 17/5, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo rằng, vào rạng sáng ngày 16/5, Lực lượng Vũ trang Nga đã tiến hành một cuộc tấn công đồng loạt bằng tên lửa, gồm cả tên lửa Kalibr, vào các mục tiêu quân sự ở Ukraine. Theo Bộ Quốc phòng Nga, tất cả các mục tiêu chỉ định đều bị bắn hạ.

Ngoài ra, lực lượng không quân nước này đã sử dụng hệ thống tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal phóng từ máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm MiG31K để phá hủy một trạm radar đa chức năng (RLS) và 5 bệ phóng tên lửa phòng không (SAM) Patriot do Mỹ chế tạo, ở Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng, tuyên bố của Kiev về việc bắn hạ 6 tên lửa siêu thanh Kinzhal là không đúng sự thật. Ông lưu ý rằng, Nga không phóng nhiều Kinzhal đến mức như Quân đội Ukraine tuyên bố ngày nào cũng phóng và ngày nào cũng bị bắn hạ và ngoài ra, Kiev luôn nhầm lẫn các loại tên lửa.

Nga tuyên bố không thừa tên lửa Kinzhal để phóng 1 loạt 6 quả
Nga tuyên bố không thừa tên lửa Kinzhal để phóng 1 loạt 6 quả

Theo giới chuyên gia Nga tiết lộ, Patriot của Ukraine bị phá hủy ở Kiev hôm 16/5, vì máy bay MiG-31K đã phục kích trên không, chỉ chờ tổ hợp tên lửa phòng không Mỹ hoạt động để bảo vệ các mục tiêu quan trọng là lập tức phóng tên lửa Kinzhal đánh xuống.

Được biết, tên lửa siêu thanh Kinzhal (tiếng Nga: “Dao găm”) được Nga trang bị trên tiêm kích đánh chặn có tốc độ cao nhất thế giới là MiG-31 “Foxhound” (“Cáo săn chồn”). Bộ đôi này được coi là vũ khí tấn công từ trên không nguy hiểm nhất, uy lực nhất của không quân Nga.

Giới chuyên gia Nga khẳng định, tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kinzhal là vũ khí thông thường tốt nhất để tấn công hữu hiệu các khẩu đội phòng không tầm xa của phương Tây.

MiG-31 có trần bay cực cao, tốc độ siêu âm Mach3 và khả năng cơ động siêu việt, kết hợp với tốc độ siêu thanh Mach 10 của tên lửa Kinzhal, với quỹ đạo bay cực kỳ linh hoạt, khiến hoạt động đánh chặn loại tên lửa của Nga được coi là “nhiệm vụ bất khả thi” của bất cứ tổ hợp phòng không nào.

Nếu bị lộ vị trí, Patriot sẽ ngay lập tức bị các loại tên lửa Nga tiêu diệt
Nếu bị lộ vị trí, Patriot sẽ ngay lập tức bị các loại tên lửa Nga tiêu diệt

Những nguyên nhân khiến Patriot dễ bị đánh trúng

Ngày 18/5, chuyên gia Tyler Rogoway viết trên tờ báo Mỹ The Drive rằng, Hoa Kỳ cần chuẩn bị cho tình huống là Nga sẽ giáng các đòn tập kích mới và nghiêm trọng hơn nhằm vào các hệ thống phòng không Patriot ở Ukraine vì các hệ thống này đã trở thành “thỏi nam châm” hút các tên lửa của Nga.

Theo ông, Patriot có một số đặc tính khiến hệ thống phòng không của Mỹ trở thành “mục tiêu hấp dẫn” đối với Lực lượng hàng không vũ trụ Nga và sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu bị Nga tấn công phá hủy, ngay sau khi chúng được chuyển tới Ukraine và bị lộ vị trí.

Vị chuyên gia Mỹ cảnh cáo, Ukraine không nên coi hệ thống này là “vũ khí thần kỳ” hay “lá chắn không thể xuyên thủng”, bởi hệ thống này có những khiếm khuyết và điểm yếu riêng mà lực lượng Nga có thể lợi dụng.

Nguyên nhân thứ nhất khiến Patriot chắc chắn sẽ phải hứng chịu các cuộc tấn công trực tiếp của Nga bởi các radar của tổ hợp phòng không này tạo ra một tín hiệu điện từ khổng lồ khiến việc phát hiện là không hề khó.

Điểm thứ hai khiến Patriot dễ bị tấn công là phức tạp và quy mô của hệ thống phòng không Mỹ khiến nó dễ bị lộ vị trí trước các phương tiện trinh sát quang học trên không hoặc vệ tinh của Nga.

Nguyên nhân thứ ba xuất phát từ khả năng cơ động kém của Patriot. Ngay cả cấu hình linh hoạt nhất của hệ thống này cũng khá cồng kềnh và cố định, nên lực lượng Ukraine phải mất một thời gian khá dài để di chuyển từ nơi này sang nơi khác sau khi phóng tên lửa.

Hệ thống Patriot khá cồng kềnh và khả năng cơ động kém
Hệ thống Patriot khá cồng kềnh và khả năng cơ động kém

Nguyên nhân thứ tư là do tốc độ quá cao của tên lửa Kinzhal cho phép chúng bay đến tấn công mục tiêu chỉ trong vài phút, các kíp điều khiển của Ukraine không thể làm gì để bảo vệ Patriot, bởi họ không có thời gian để thay đổi vị trí sau khi bắn hoặc nạp tên lửa mới vào bệ phóng.

Nguyên nhân thứ 5 là bất cứ một hệ thống phòng không nào, dù là loại hàng đầu về mặt công nghệ, cũng sẽ chỉ phát huy hết tiềm năng nếu được đặt trong một hệ thống phòng không tích hợp nhiều tầng nhiều lớp.

Nếu tách biệt khỏi các hệ thống phòng không khác, phạm vi che chắn của của Patriot chỉ còn một phần tác dụng, hơn nữa nó cũng sẽ dễ dàng bị tập kích bởi không có những tổ hợp phòng không khác bảo vệ.

Tác giả của bài báo nhấn mạnh, Ukraine sẽ phải đón đợi những cuộc tấn công ngày một lớn hơn, tinh vi hơn, với nhiều loại vũ khí hơn nhằm vào các tổ hợp Patriot. Nước này phải chuẩn bị tinh thần khi nghe tin rằng một khẩu đội Patriot đã bị hư hại hoặc bị phá hủy một phần.

Ông Rogoway nhấn mạnh rằng, đó là bản chất của bất cứ cuộc xung đột nào, đặc biệt là với một đối thủ mạnh như Nga, quốc gia vẫn đang sở hữu khả năng tấn công chính xác đáng kể và đã nghiên cứu tìm cách đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa đặc biệt này trong nhiều thập kỷ qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ