5 dấu hiệu cảnh báo sớm trẻ mắc chứng tự kỷ

Không phản ứng khi gọi tên, không bắt chước hành vi của người khác hay ít phản ứng cảm xúc là những dấu hiệu ban đầu của trẻ mắc chứng tự kỷ mà các bậc cha mẹ cần chú ý.

5 dấu hiệu cảnh báo sớm trẻ mắc chứng tự kỷ

Theo Huffington Post, việc chẩn đoán những dấu hiệu sớm trẻ mắc chứng tự kỷ rất quan trọng để điều trị hiệu quả giúp một đứa trẻ phát triển các kỹ năng nhận thức và hoạt động trong cuộc sống.

Tiến sĩ Paul Wang, người đứng đầu nghiên cứu y học cho các tổ chức khoa học và vận động tự kỷ cho biết bạn càng bắt đầu sớm, kết quả lâu dài càng hiệu quả. Tuy nhiên, các rối loạn này thường xuất hiện khi trẻ được 12-18 tháng tuổi, có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Điều này có thể khiến các bậc cha mẹ khó xác định. Trên thực tế, khoảng 50% ông bố bà mẹ không quen với những dấu hiệu sớm của bệnh tự kỷ.

5 dấu hiệu cảnh báo sớm trẻ mắc chứng tự kỷ

Phát hiện sớm dấu hiệu trẻ tự kỷ sẽ giúp việc điều trị hiệu quả hơn. Ảnh: Huffingtonpost.

Dưới đây là 5 dấu hiệu ban đầu của bệnh tự kỷ mà các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh nên biết.

Trẻ không phản ứng khi được gọi tên

Trẻ tự kỷ thường không phản ứng khi được gọi tên, trong khi bé phát triển bình thường sẽ phản ứng với tên của mình bằng cách hướng sự chú ý vào người gọi. Chỉ có 20% trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ có thể phản ứng khi được gọi tên.

Trẻ không tham gia vào cuộc vui chung

Cùng chơi là dấu hiệu sớm của kỹ năng ngôn ngữ, bởi nó cho thấy khả năng chia sẻ điều gì đó của trẻ với người khác. Chẳng hạn như, một đứa trẻ bình thường nhìn thấy một chiếc máy bay trên bầu trời, sau đó quay lại nhìn mẹ, rồi lại nhìn chiếc máy bay như muốn chỉ cho người mẹ thứ mà mình thấy. Trong khi đó, trẻ tự kỷ sẽ không hay nhìn theo hướng chỉ tay của người khác, không quan sát từ đồ vật sang người, cũng không khoe hoặc chỉ đồ vật cho người khác.

Tiến sĩ Connie Kasari, giáo sư tâm thần học, người đang thực hiện một thử nghiệm để kiểm tra tác động của việc can thiệp sớm với trẻ mắc chứng tự kỷ cho biết trẻ em biết chia sẻ một chủ đề, có phản ứng nhanh thực sự sẽ học nói nhanh hơn.

Không bắt chước hành vi của người khác

Trẻ tự kỷ ít có khả năng bắt chước các hành động và cử chỉ của người khác như mỉm cười, vẫy tay hay vỗ tay so với các trẻ bình thường.

Không tham gia vào các trò chơi giả vờ

Trẻ em bình thường rất thích các trò chơi giả vờ như làm "mẹ" cho búp bê, giả vờ một quả chuối là chiếc điện thoại...Điều này thường xuất hiện ở thời điểm trẻ được khoảng 2-3 tuổi. Tuy nhiên, trẻ mắc chứng tự kỷ ít có khả năng tham gia vào các trò chơi này.

Tiến sĩ Kasari cho biết trẻ tự kỷ chú ý đến các đối tượng khác nhau, nhưng không có trí tưởng tượng phong phú với các đối tượng đó.

Không đáp ứng cảm xúc

Trong khi trẻ bình thường rất nhạy cảm với cảm xúc của người khác, những em bé bị bệnh tự kỷ thường không phản ứng với nụ cười của người khác, hay khóc khi nhìn thấy một đứa trẻ khác khóc...

Theo Zing News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ