5 cách giúp cải thiện mối quan hệ nàng dâu, mẹ chồng

GD&TĐ - Gây dựng và phát triển mối quan hệ với giữa nàng dâu và mẹ chồng đòi hỏi nỗ lực của cả hai phía.

1. Tìm hiểu tính cách của nhau

Cả hai cùng phải tìm hiểu những gì thuộc về sở thích, sở thích đặc biệt, quan điểm nhân sinh quan cũng như những gì không thích, ghét cay ghét đắng v.v. Từ đó, mẹ chồng và nàng dâu sẽ biểt được hai người có điểm gì chung; điểm gì khác biệt.

Khi đã biết được điều này, sẽ có tư duy về việc làm thế nào có thể tránh những khác biệt để không cho phép chúng ảnh huỏng đến mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, đồng thời thúc đẩy sự hòa hợp.

2. Vun đắp cho mối quan hệ

Đừng bao giờ tự tạo ra ngăn cách, đừng chỉ quan niệm “Cô ấy chỉ là vợ của con trai mình” hoặc “Bà ấy là chỉ mẹ của chồng mình thôi". Điều này tạo ra ngăn cách không cho phép người này trở thành bạn tốt của nhau, mẹ chồng có thể trở thành mẹ đẻ hoặc con dâu trở thành con đẻ.

Nó tạo ra khoảng cách vô hình giữa mẹ chồng và nàng dâu ngay trong tiềm thức. Hãy tạo ra một mối quan hệ thực sự, trong đó dựa trên một nền tảng vững chắc; Hãy vun đắp cho mối quan hệ và xác định kể từ ngày cưới cho đến hết cuộc đời mỗi người.

3. Đừng kỳ vọng

Làm sao để mối quan hệ nàng dâu mẹ chồng được tốt đẹp? (hình minh họa).

Làm sao để mối quan hệ nàng dâu mẹ chồng được tốt đẹp? (hình minh họa).

Hãy nhớ rằng khi quá kỳ vọng, có thể sẽ càng thất vọng. Ví dụ: mẹ chồng đối xử tốt với con dâu và mong con dâu cũng sẽ tốt không chỉ với con trai, với mình, với gia đình chồng mà còn kỳ vọng con là con dâu hoàn hảo giống như bộ phim truyền hình dài tập. Còn con dâu, mua sắm nhiều cho mẹ chồng, chăm sóc mẹ chồng tốt và kỳ vọng mẹ chồng sớm sẽ bỏ qua những vụng về của mình và để lại tài sản cho mình….

Những kỳ vọng ấy không sai nhưng nó dễ làm cho cả hai buồn phiền nếu có chuyện không được như ý muốn. Không phải tất cả các cô con dâu đều giống nhau, và cũng không phải mẹ chồng nào cũng có tính cách dễ dãi.

Có những kỳ vọng thực tế để tạo ra một mối quan hệ lành mạnh, nhưng cũng có kỳ vọng làm cho thất vọng. Tốt hơn hết là cả hai hãy cứ đối đãi với nhau tốt nhất có thể, chân thành nhất có thể, làm tốt vai trò của mình, còn lại đã có trời cao an bài.

4. Không tập trung vào việc ai đúng ai sai

Tất cả các mối quan hệ đều có sự hiểu lầm. Ngay cả mẹ đẻ và con đẻ đều cũng có thể có những mối bất hòa và nhân sinh quan khác nhau. Thế nên, đừng mong chờ một sự đồng nhất trong quan điểm, tính cách, sở trường sở đoản.

Thậm chí ngay trong cách xử trí các hoạt động thường ngày cũng có những mâu thuẫn. Ví dụ, mẹ chồng cho rằng ăn sáng là tốt cho sức khỏe nhưng con dâu lại có thói quen không thể ăn sáng trước 9h. Do tính chất công việc cô làm ca sĩ nên phải tập tới nửa đêm, cô không thích ứng với quan điểm của mẹ chồng. Điều ấy hãy xác định là bình thường và đừng cố phân tích mẹ chồng đúng hay con dâu sai. Tất cả chỉ là thói quen và do bản chất công việc.

Mẹ chồng cũng không vì vin vào thông tin khoa học (quả thật khoa học phân tích thì bỏ bữa sáng là sai) mà cứ tranh luận với con dâu. Còn con dâu không vì thế mà cãi mẹ chồng rằng mẹ không thông cảm.

Thường thì những bất đồng này nảy sinh do các quan điểm khác nhau. Cách từng người xử lý những lúc này là điều tạo nên sự hòa đồng của mối quan hệ “vâng con biết như thế là không khoa học mẹ ạ. Chỉ là con mệt quá không dạy được sớm hơn” “ừ, mẹ biết là con tập tành tới khuya nhưng con cố gắng ăn chút nhẹ cũng được cho sức khỏe của con không bị tồi đi theo thời gian. Mẹ lo cho con lắm”

Chỉ cần một chút đứng trên lập trường của nhau là tạo ra sự khác biệt rồi. Không cần phân biệt ai đúng ai sai để cố tranh luận phần thắng về mình là đã tạo ra giá trị cốt lõi mà sau này có thể điều chỉnh để thích ứng nhau.

5. Chấp nhận mối quan hệ mới

Khi đã trở thành mẹ chồng thì hãy buông bỏ ý niệm rằng “con trai là con của ta, ta muốn gì nó phải thực hiện. Nó phải xem ta là nhất. Và ta có quyền hạn tối cao với con”. Còn con dâu cũng đừng có ý nghĩ này “hồi anh yêu em thì cưng chiều em nhất nhất, anh nói em là người anh yêu nhất đời. Thế mà lấy em về rồi lại không còn như vậy. Mẹ anh nói gì anh nghe hết, dẹp em sang một bên”.

Những đặc quyền mà hai người từng có với tư cách là mẹ/là người yêu bé bỏng của người đàn ông đã không còn được áp dụng sau khi cưới nữa.

Về phía mẹ chồng, con trai lúc này là một người đàn ông và một người chồng. Anh ta phải tạo dựng gia đình của riêng mình, theo cách riêng của mình. Hãy tin tưởng rằng mình đã dạy con tốt và con sẽ tự đưa ra quyết định và lựa chọn phù hợp nhất cho mình. Mình vẫn là một phần trong cuộc sống của con nhưng theo một cách rất khác;

Còn người vợ hãy chấp nhận sự thật, rằng anh ấy có mẹ, có cha. Mẹ anh ấy bao năm dạy dỗ nuôi nấng nên đương nhiên anh có ảnh hưởng của mẹ, anh cần tôn trọng mẹ nhất và anh phải là người có hiếu. Nàng dâu là người đừng để anh phải rơi vào tình trạng khó xử, đối đầu với mẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ