5 cách dễ khiến mẹ chồng "tan chảy"

GD&TĐ - Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu luôn là đề tài nóng của các cuộc hội tụ chị em. Để mâu thuẫn, xích mích giữa mẹ chồng nàng dâu mới cưới không còn là nỗi kinh hoàng, hãy tham khảo kinh nghiệm sau đây:

Rủ mẹ đi shopping

Đây là điều mà hai người phù nữ dễ trở nên thân thiết nhất, dẫu hai thế hệ có cách nhau bao xa. Bởi vì, rủ mẹ đi shopping không phải là để chọn đồ cho mình mà là cho... chồng và mẹ chồng.

Hãy hỏi mẹ, nhờ mẹ tư vấn nếu định mua tặng chồng món quà trong dịp sinh nhật số tới. Đồng thời, đi đến gian hàng của phụ nữ, hỏi mẹ thích màu sắc nào, style nào và số đo của mẹ. Từ đó bạn sẽ biết về gu thời trang của mẹ, lần sau bạn muốn tặng đồ cho mẹ chồng thì khỏi lo về việc không biết mẹ thích màu nào, size nào.

Nếu mẹ chồng lớn tuổi, không thích hợp việc mua sắm thì hỏi về mua sắm cho bố chồng. Sẽ rất thú vị nếu hai người cùng trò chuyện về màu sắc, về sở thích thời trang cho một người thứ ba.

Bên cạnh đó, đừng quên mời mẹ vào một nhà hàng hoặc quán ăn nào mà bạn biết có món ngon, món lạ để mẹ chồng trải nghiệm. Đó là việc nên làm và dễ dàng nhất để xóa khoảng cách nhanh nhất.

Thành thật về sự vụng về

Hãy thành thật về sự vụng về với mẹ chồng (hình minh họa).

Hãy thành thật về sự vụng về với mẹ chồng (hình minh họa).

Bạn có thể nấu ăn chưa ngon, làm việc nhà chưa giỏi, cư xử chưa khéo léo… Đừng quá lo lắng. Mẹ chồng hay mẹ nào thì cũng khởi điểm là làm dâu của ai đó. Thế nên, nếu thành thật với mẹ chồng, nói cho mẹ biết điều khiếm khuyết và thực tâm mong cố gắng.

Chẳng mẹ chồng nào mà không tan chảy khi nàng dâu nói “Con thật không may từ nhỏ đã được chiều nên con vụng nấu ăn quá. Mẹ có thể chỉ cho con cách không?”; “Mẹ ơi, con từ nhỏ sống ở thôn quê, con không giỏi giao tiếp và càng không khéo léo trong cư xử. Con sợ làm mẹ buồn lắm. Mẹ chỉ bảo cho con nhé”.

Không sao cả, mọi thứ bạn có thể học hỏi dần nhưng trước hết hãy là một nàng dâu cầu tiến, thành thật và lắng nghe lời bố mẹ chồng, chăm chỉ học hỏi những điều chưa biết, biết chào hỏi lễ phép, biết kính trên nhường dưới. Mẹ chồng có khắt khe, khó tính bao nhiêu nhưng thấy con dâu chân thật, mẹ sẽ có cái nhìn thông cảm, thậm chí “chín bỏ làm mười” và yêu thương, quý mến bạn ngay từ những ngày đầu tiên.

Chấp nhận là số 2

Đừng tranh giành chồng với mẹ. Điều này nghe chừng có vẻ vô lý nhưng thật ra nó chính là nguyên nhân phổ biến cho những mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu. Đừng mặc định rằng “anh phải xem tôi là số 1” “anh đã hứa, yêu em nhất đời rồi mà, sao lại đặt em sau mẹ”.

Đừng bao giờ bắt chồng bạn phải làm theo ý bạn nếu điều đó hoàn toàn trái ý với mẹ chồng, đừng bao giờ để chồng vào giữa trong cuộc chiến giữa bạn với mẹ chồng. Hãy lùi lại một bước, xem bản thân như số 2 hoặc số 3, 4 cũng là tốt rồi. Cuộc sống sau này mới hiểu ra, rằng không phải xem là số mấy trong cuộc đời chồng mà là cùng bước song hành, cùng như một con số ngang nhau.

Để chồng xem mẹ anh ấy là số 1 thì cũng chẳng có gì sai, không có gì là quá đáng khi mẹ đã dành trọn vẹn tình cảm và sự hy sinh để bây giờ, bạn là người được “hưởng” người đàn ông ấy. Đừng khó chịu nếu mẹ có xem chồng vẫn là “con nít”. Điều đó càng thể hiện, sau này, bạn có con thì cháu sẽ là người được bà yêu thương thậm chí hơn cả con trai.

Anh ấy là chồng của bạn nhưng vẫn là con trai của mẹ. Bạn hãy nói với chồng điều này thường xuyên hơn “anh ơi, mua cho em hoa thì hãy nhớ mua thêm bó đẹp hơn tặng mẹ nhé” “bánh ngon quá, anh để riêng một miếng đẹp nhất, ngon nhất phần mẹ” đảm bảo, dù mẹ không có mặt ở đó nhưng một ngày nào đó, mẹ sẽ hiểu ra và yêu thương bạn như con gái.

Nhỏ to mẹ chồng

Mặc dầu 2 thế hệ khác nhau trong suy nghĩ, quan niệm sống nhưng cùng là phụ nữ, việc trò chuyện, tâm sự sẽ không quá khó khăn. Chính vì vậy, bạn nên thường xuyên tâm sự với mẹ chồng, bạn có thể hỏi thăm bà về những sở thích, những điều bà mong muốn hoặc có thể kể cho mẹ chồng nghe về công việc, về sở thích của mình.

Những câu chuyện kiểu như “hôm nay chỗ làm con có chị A lên chức mẹ ạ. Chị này rất xinh và theo đồn là do cặp bồ với sếp tổng”, “hôm nay cơ quan con đi thăm người ốm, mới trẻ thế mà đã bệnh hiểm nghèo mẹ ạ, khổ lắm”…

Những điều ấy khiến mẹ chồng sẽ tin tưởng, thân thiết và gần gũi với bạn hơn. Từ đó, mẹ cũng sẽ kể chuyện với bạn về bạn bè, hàng xóm, người thân hoặc thậm chí kể chuyện ngày xưa bà làm dâu thế nào. Những chuyện nhỏ to như vậy sẽ dần giúp bạn và mẹ chồng xóa dần khoảng cách không mong muốn.

Hiếu lễ

Khi mới về nhà chồng, việc đầu tiên là bạn phải nhanh chóng thích nghi, hòa nhập và tôn trọng cuộc sống sinh hoạt thường ngày của bố mẹ chồng. Đặc biệt, bạn phải biết kính trên nhường dưới, hiếu thuận với bố mẹ chồng, biết cách đối nhân xử thế không chỉ với gia đình chồng mà cần cả họ hàng hai bên nội ngoại nhà chồng…

Hiếu lễ được hiểu đơn giản là vào ngày sinh nhật, ngày vui bạn nên có chút quà nhỏ quan tâm mẹ chồng. Tùy theo điều kiện kinh tế, có ít thì quà ít, có nhiều quà to, không có cũng không sao. Một bó hoa đồng nội hoặc vài ba tấm bánh cũng là quà. Quan trọng nhất là câu nói nhẹ nhàng, hành động từ tâm thì mẹ chồng sẽ luôn vui.

Nếu bạn khá giả thì đừng tiếc hiếu lễ bằng những món quà bảo vệ sức khỏe như thuốc bổ, máy trợ đau lưng, bảo hiểm… Suy cho cùng, hiếu lễ với mẹ chồng là cách đơn giản nhất mà bạn lại có lợi nhiều nhất. Mẹ khỏe thì bạn sẽ không phải mất thời gian chăm mẹ ở bệnh viện nên dù có hiếu lễ thảo nhiều thì cũng càng tuyệt vời mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.