Tuy nhiên, hiện một số giáo viên vẫn lúng túng khi áp dụng phương pháp này, đặc biệt trong việc thiết kế bài học tích hợp liên môn.
Trường THPT Thực nghiệm (Hà Nội) bắt đầu quan tâm và triển khai dạy học tích hợp từ năm học 2013 - 2014, trong gần 2 năm đã thu hút sự tham gia của 9 giáo viên.
Theo thầy Nguyễn Hồng Lĩnh - Giáo viên Trường THPT Thực nghiệm - bằng kinh nghiệm và sự tìm tòi, nghiên cứu, những người phát triển chuyên môn của trường đã đưa ra quy trình thiết kế bài học tích hợp, liên môn với 5 bước để dựa vào đó hướng dẫn và chỉ đạo giáo viên trong trường thực hiện. Thầy Lĩnh đã chia sẻ kinh nghiệm thiết kế bài học tích hợp, liên môn như sau:
Thiết lập mục tiêu bài học
Bước đầu tiên là thiết lập mục tiêu bài học. Ở bước này, giáo viên làm việc theo nhóm hoặc cá nhân để xác định các mục tiêu dạy học dựa trên chuẩn chương trình của mỗi môn học mà chính mình phụ trách và mục tiêu mở rộng.
Sau đó, thiết lập sơ đồ mục tiêu chung cho nhiều môn học; chia sẻ sơ đồ, mục tiêu giữa các giáo viên trong nhóm, thống nhất về những kết quả học tập mà học sinh cần đạt được.
Cuối công đoạn này, nhóm giáo viên thống nhất được mục tiêu dạy học chung, cốt lõi.
Xác định tâm điểm tổ chức tích hợp tiềm năng
Đây là bước thứ hai trong quy trình thiết kế bài học. Ở bước này, nhóm giáo viên thảo luận, đề xuất các tâm điểm tổ chức tích hợp có tính chất tiềm năng giúp đạt được tất cả các kết quả học tập mà học sinh cần đạt được. Tâm điểm tổ chức tích hợp chính là huyệt đạo của bài học, là sợi dây nối các phần trong đơn vị bài học.
Có nhiều loại tâm điểm tổ chức tích hợp bài học khác nhau, bao gồm các chủ đề, chủ điểm, khái niệm, hiện tượng và vấn đề, các vấn đề thời sự. Đối với các môn khoa học tự nhiên, tâm điểm có thể là các khái niệm xuyên chương trình như mô hình, năng lượng...
Khi chọn tâm điểm tổ chức tích hợp, giáo viên cần dựa trên một số tiêu chí, như tính phái sinh, tính có ý nghĩa, sự xác đáng và sự gắn kết.
Xác định câu hỏi cốt lõi và các câu hỏi gợi mở
Câu hỏi cốt lõi là trung tâm của việc thiết kế chủ đề tích hợp, liên môn, thúc đẩy việc hiểu tất cả các lĩnh vực môn học tham gia vào chủ đề tích hợp.
Câu hỏi cốt lõi mang tính phổ quát chứ không gắn với một môn học cụ thể nào, hướng đến những ý tưởng lớn và những khái niệm mang tính bền vững, không nhằm mục đích gợi ý cho học sinh đưa ra câu trả lời “đúng”, “sai”.
Giáo viên cần sử dụng các câu hỏi cốt lõi để thực hiện một đơn vị bài học lấy việc tìm tòi làm hoạt động chính mà không phải đưa ra cho học sinh một câu trả lời đúng duy nhất.
Nếu đơn vị bài học không đòi hỏi học sinh phải có sự tìm tòi - tức là khi giáo viên truyền đạt những thông tin cụ thể mà học sinh không cần phải đặt ra các câu hỏi hay phải nghiên cứu thì không cần đặt ra câu hỏi cốt lõi.
Câu hỏi gợi mở còn được gọi là các câu hỏi liên quan đến bài học, xuất phát từ chương trình môn học cụ thể. Đó chính là những mục tiêu trong chương trình được cụ thể hóa thành các câu hỏi.
Ví dụ, trong một dự án tìm hiểu về côn trùng, học sinh đóng vai một cá thể côn trùng trong loài. Công việc của học sinh là phải thuyết phục một thành viên trong gia đình vốn rất sợ rệp, nhận ra tầm quan trọng của chúng đối với hệ sinh thái và không việc gì phải sợ chúng...
Khi thực hiện điều này, học sinh phải xem xét và trả lời những câu hỏi: Làm thế nào mà con vật nhỏ bé lại rất cần thiết cho những vật khác đến như vậy (câu hỏi cốt lõi);
Vì sao chúng ta không nên sợ rệp? Nếu côn trùng biết nói, nó sẽ nói với bạn điều gì (Câu hỏi gợi mở);
Điều gì khiến một côn trùng chỉ là côn trùng? Côn trùng có thể phát triển và thay đổi như thế nào? Loài côn trùng có lợi và có hại ở những mặt nào (câu hỏi nội dung).
Thiết kế, sơ đồ hóa các hoạt động và đánh giá bài học tích hợp
Bước thứ 4 là thiết kế các hoạt động tiềm năng thuộc các môn học, sơ đồ hóa các hoạt động đó và thiết lập phân bổ thời gian.
Đối với việc tạo các dự án tích hợp, sẽ tiến hành làm việc theo nhóm hoặc cá nhân để xem xét lại mục tiêu học tập, tâm điểm tổ chức tích hợp và các câu hỏi; thảo luận, thống nhất các dự án tích hợp cho học sinh; xác định các hoạt động khởi đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn đỉnh điểm.
Đối với việc tạo các hoạt động theo từng lĩnh vực môn học riêng, tiến hành làm việc cá nhân, suy nghĩ về các hoạt động và dự án cho lớp học liên quan đến tâm điểm tổ chức tích hợp và các dự án tích hợp chia sẻ các hoạt động đề xuất của giáo viên với nhóm.
Sau đó, cả nhóm lựa chọn các hoạt động cho bài học và phác họa các hoạt động đó. Khi phác họa, cả nhóm cần lưu ý xác định các bài dạy và cách đánh giá cho từng ngày trong tuần.
Bước cuối cùng là đánh giá bài học tích hợp. Để thực hiện bước này, giáo viên cần xem xét các nội dung câu hỏi liên quan đến sự tham gia của học sinh; câu hỏi cốt lõi và câu hỏi gợi mở; các bài học và hoạt động xung quanh các quá trình và nội dung...