Dưới đây là 5 bí quyết “vàng”, được tổng hợp bởi các nhà chuyên môn, nhà tâm lý học, các sĩ tử đã “dày dạn” trên các “trường thi”.
Tạo dựng hình ảnh trong trí não
Các nhà chuyên môn về tâm lý chỉ ra rằng, cách dễ nhớ và duy trì trí nhớ tốt nhất là hình ảnh hóa các thông tin được học và xâu chuỗi thành các câu chuyện trong trí tưởng tượng bằng hai cách: Tạo dựng hình ảnh và sáng tạo hình ảnh.
Về tư duy tạo dựng, hình ảnh được lưu lại bởi người diễn giải biết kích thích, gợi mở tư duy.
Về sáng tạo hình ảnh, đây là quá trình tư duy độc lập, một cách thể hiện sự thấu đạt của tư duy về một sự kiện nào đó nhằm nắm bắt và và khái quát nhất, sâu sắc nhất vấn đề mà tư duy đã thấu đạt.
Khi làm bài thi, các hình ảnh đó như những cuộn phim “tua” lại các kiến thức đã được học.
Bí quyết thứ hai: Bò nhai lại!
Có một câu chuyện vui nói đại để các loại dạ dày như ở người thì gọi là bao tử, ở gà vịt ngan ngỗng thì gọi là mề, ở ếch nhái thì gọi là tù và… Riêng ở bò thì gọi là… dạ sách.
Không biết có “chữ nghĩa” trong cái… “dạ sách” đó không nhưng qua đúc kết của các sĩ tử, có một cách học mang tên “bò nhai lại”. Đó là phương pháp tự ôn luyên thông qua trí nhớ với hai, ba hoặc nhiều lần hơn thế. Cách “nhai lại” này khiến kiến thức hằn sâu trong các nếp nhăn của não bộ nên sẽ lưu lại rất lâu.
Bí quyết thứ ba: Luôn nói về nó
Hãy luôn nói, nhắc về nó dưới nhiều hình thức, đặc biệt là phương pháp tranh luận đối thoại.
Đây thực chất là phương pháp học nhóm nhằm trao đổi, tranh luận trên cơ sở phối hợp thống nhất, chặt chẽ với nhau để cùng nhận dạng, phân tích và luận giải các vấn đề học tập đặt ra.
Từ đó lĩnh hội, củng cố và mở rộng kiến thức đã được học và vận dụng chúng trong quá trình thi cử nhằm đạt kết quả cao nhất.
Phương pháp thứ tư: Khoan sức… dân!
Phương pháp này được gợi ý từ câu của Đức vua Trần Anh Tông nói về kế giữ nước: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc”.
Các nhà khoa học và tâm lý học chỉ ra rằng, để não bộ khỏe mạnh, học và thi đạt kết quả tốt, cần có tâm lý, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.
Về tâm lý, cần tạo lập ra một tâm lý thỏai mái nhất, tránh những áp lực kiểu “một mất, một còn”, đặc biệt là cần tạo ra niềm hứng khởi, sự hưng phấn cao độ khi làm bài thi.
Về chế độ sinh hoạt, nên bố trí một cách hợp lý, tránh thức đêm quá nhiều, cần vận động hoặc nghe nhạc. Tránh để điện thoại trong phòng ngủ hay lạm dụng các chất kích thích như cà phê, chè đặc... Cần tập thể dục, thể thao hoặc các vận động nhẹ nhàng khác.
Tóm lại, cơ thể cần được nghỉ ngơi một cách thích hợp nhất để đến khi “xung trận”, cho kết quả cao nhất.