4 lưu ý để xét tuyển đại học hiệu quả

GD&TĐ - Xét tuyển đại học là một cuộc đua “cân não” đối với thí sinh và phụ huynh - vừa quyết định kết quả của cả 12 năm đèn sách, vừa quyết định cả tương lai sau này. 

4 lưu ý để xét tuyển đại học hiệu quả

Để lựa chọn được ngành học, trường học đúng với nguyện vọng và năng lực thì bên cạnh việc xác định xem mình yêu thích ngành nghề nào, thí sinh (và cả phụ huynh) cần cân nhắc rất nhiều yếu tố.

Với những thay đổi gần đây trong quy chế tuyển sinh theo hướng tăng tính tự chủ của các trường đại học, tăng tính chủ động của thí sinh, có thể nói chính thí sinh là người quyết định khả năng trúng tuyển Đại học của mình - thông qua việc chọn ngành nghề, chọn trường, chọn phương thức xét tuyển và tổ hợp môn xét tuyển,... Vượt qua những bỡ ngỡ của giai đoạn làm thủ tục đăng ký dự thi THPT 2017, giai đoạn chỉnh sửa thay đổi nguyện vọng (từ ngày 15/7 đến ngày 23/7 sắp tới) mới thật sự là giai đoạn nước rút trong cuộc đua vào đại học. Tuy nhiên, dù lựa chọn ngành nào, trường nào, thí sinh cũng cần lưu ý 4 điều dưới đây để xét tuyển đại học hiệu quả, trúng tuyển vào ngành yêu thích ngay từ nguyện vọng đầu tiên.

Cân nhắc thay đổi tổ hợp môn xét tuyển theo tình hình bài thi thực tế

Nếu trong giai đoạn làm thủ tục đăng ký dự thi THPT, thí sinh chọn tổ hợp môn xét tuyển chủ yếu dựa trên thế mạnh của bản thân thì trong giai đoạn chỉnh sửa nguyện vọng, các bạn sẽ chọn tổ hợp môn dựa trên chính kết quả thi của mình. Mặc dù không thể biết chính xác điểm thi từng môn, nhưng thí sinh hoàn toàn có thể căn cứ trên các đáp án đã được công bố để dự đoán tổng điểm xét tuyển của mình, qua đó chọn được tổ hợp môn có tổng điểm cao nhất để tăng khả năng trúng tuyển.

Thay đổi tổ hợp môn xét tuyển là lựa chọn đầu tiên mà thí sinh cần cân nhắc trước khi bước vào thời gian điều chỉnh nguyện vọng ưu tiên. Cách làm này vừa tiện lợi (có thể tiến hành online), vừa không cần thay đổi quá nhiều trên phiếu đăng ký, phụ thuộc chủ yếu vào kết quả thi của thí sinh mà không bị ảnh hưởng nhiều từ mặt bằng kết quả chung. Đặc biệt với những bạn đã chọn được ngành học, trường học phù hợp ngay từ đầu thì lựa chọn thay đổi tổ hợp môn xét tuyển theo tình hình bài thi thực tế của mình là giải pháp đơn giản nhất.

Tránh đăng ký thêm quá nhiều nguyện vọng mới

Bên cạnh việc thay đổi tổ hợp môn xét tuyển thì trong giai đoạn chỉnh sửa nguyện vọng, thí sinh cũng hoàn toàn có quyền thay đổi thứ tự các nguyện vọng, thêm hoặc bớt số lượng nguyện vọng đăng ký. Tuy nhiên, nếu muốn đăng ký thêm hoặc bớt nguyện vọng, thí sinh cần làm thủ tục thay đổi trên giấy, tại nơi đã làm thủ tục đăng ký dự thi.

Hiện nay, với mỗi ngành thường có rất nhiều trường đại học cùng đào tạo. Vì vậy, dù yêu thích chỉ một ngành thì thí sinh vẫn “rộng cửa” lựa chọn. Sau khi ước lượng được điểm thi của mình, thí sinh nên quan tâm tìm hiểu điểm chuẩn qua từng năm của các trường “trong tầm ngắm”, tránh làm mất đi cơ hội trúng tuyển chỉ vì chưa tham khảo kỹ mức điểm chuẩn của trường mình dự định xét tuyển. Về cơ bản thí sinh nên chọn 3 nhóm trường: 1) nhóm trường có điểm chuẩn cao hơn một chút so với năng lực trung bình của mình; 2) nhóm trường hoàn toàn phù hợp với năng lực; 3) nhóm thấp hơn so với năng lực để phòng trường hợp điểm thi không như ước lượng ban đầu. Tuy năm nay quy chế không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký nhưng thí sinh không nên đăng ký thêm quá nhiều nguyện vọng mới, bởi với áp lực tâm lý sau một kỳ thi căng thẳng, các bạn khó có thể đưa ra được những lựa chọn phù hợp. Ngoài ra, đăng ký thêm quá nhiều nguyện vọng tự làm mình thêm hoang mang trong giai đoạn nước rút này.

Tận dụng phương thức xét tuyển riêng của các trường

Năm 2017, bên cạnh xét tuyển nguyện vọng là phương thức phổ biến nhất được tất cả các trường áp dụng thì nhiều trường đại học cũng áp dụng một số phương thức xét tuyển riêng để tăng thêm khả năng trúng tuyển cho thí sinh. Các phương thức xét tuyển riêng phổ biến là xét tuyển bằng học bạ năm lớp 12, xét tuyển bằng học bạ 3 năm THPT hoặc một số học kỳ liên tiếp ở THPT,... Đây là cơ hội để các thí sinh có thành tích học tập tốt ở THPT dễ dàng trúng tuyển vào đại học; đồng thời, thí sinh cũng có thể chọn nộp hồ sơ xét tuyển theo cả hai phương thức để tăng khả năng trúng tuyển vào ngành học yêu thích.

Chẳng hạn, tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), bên cạnh xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia, trường đồng thời xét tuyển bằng kết quả học tập năm lớp 12 với tất cả các ngành đào tạo. Hai phương thức tiến hành độc lập; do đó, thí sinh dù đăng ký nguyện vọng vào trường hay không vẫn có thể xét tuyển bằng kết quả học tập lớp 12. Phương thức này cũng cho phép thí sinh có nhiều lựa chọn tổ hợp môn đăng ký xét tuyển - ví dụ, thí sinh thi theo bài thi Khoa học xã hội vẫn có thể nộp hồ sơ xét tuyển bằng tổ hợp môn Toán - Lý - Hóa, Toán - Hóa – Sinh,... Một số trường cũng áp dụng xét tuyển bằng học bạ lớp 12 là Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), Đại học Quốc tế Sài Gòn, Đại học Văn Hiến, Đại học Phan Thiết,...

Hoặc Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM áp dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT (5 học kỳ trừ học kỳ 2 lớp 12) đối với các ngành hệ Chất lượng cao. Điểm xét tuyển của thí sinh tính bằng tổng điểm trung bình học bạ theo tổ hợp môn đăng ký xét tuyển, với điều kiện điểm trung bình học bạ mỗi môn học theo tổ hợp đăng ký xét tuyển phải đạt từ 7,0 trở lên. Trong khi đó, Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM, Đại học Luật TPHCM xét tuyển kết quả cả 3 năm THPT,...

Chọn thời điểm nộp hồ sơ phù hợp khi đăng ký xét tuyển riêng

Tận dụng phương thức xét tuyển riêng của các trường là xu hướng chung của các năm gần đây –vừa tăng khả năng trúng tuyển, vừa là “phương án dự phòng” trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan khiến kết quả thi không đạt như mong muốn. Nhưng một bộ phận thí sinh vẫn có tâm lý coi đây là “lựa chọn cuối cùng”, trường hợp điểm thi THPT không cao mới tính đến chuyện nộp hồ sơ xét tuyển riêng. Nhìn chung, điều này sẽ gây thiệt thòi cho chính các bạn, bởi cả điểm nhận hồ sơ và điểm trúng tuyển thường sẽ tăng trong các đợt tiếp theo tùy theo trường và ngành đào tạo; thậm chí nhiều ngành “hot” còn đủ chỉ tiêu ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên. Chính vì vậy, thí sinh luôn được khuyến khích nộp hồ sơ sớm để cơ hội trúng tuyển cao như mong muốn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyên thí sinh xem xét kỹ điều kiện xét tuyển của từng trường, từng ngành để chọn được ngành học phù hợp nhất với khả năng và nguyện vọng của bản thân; do trường hợp cùng một trường, cùng phương thức xét tuyển học bạ nhưng từng ngành khác nhau vẫn có mức điểm nhận hồ sơ và điểm trúng tuyển khác nhau. Ngoài ra, một số sai sót mà thí sinh thường mắc phải khi nộp hồ sơ học bạ là nhầm lẫn tổ hợp môn xét tuyển, các loại giấy tờ không được đóng dấu giáp lai đầy đủ, hoặc không chuẩn bị giấy chứng nhận ưu tiên nên không được cộng điểm khi xét tuyển,... Các bạn thí sinh cần chú ý tránh những sai sót không đáng có để hoàn thành hồ sơ đúng quy định của trường, nắm chắc cơ hội trúng tuyển vào ngành học mong muốn.

Theo ghi nhận chung, xu hướng đăng ký nguyện vọng (NV) tập trung ở một số trường “top”; trong đó, ĐH Cần Thơ là trường đứng đầu cả nước với hơn 95.000 NV. Ở khối các trường ngoài công lập, ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cũng đạt hơn 40.000 NV, đứng thứ 14 trong Top các trường có số lượng nguyện vọng nhiều nhất và là trường ngoài công lập duy nhất lọt vào Top 15. Ngoài ra, danh sách các trường Đại học thu hút đông đảo thí sinh còn có những “tên tuổi” như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM,... Đây cũng là các trường có truyền thống đào tạo trong nhiều năm qua nên số lượng đăng ký NV dự đoán sẽ không có quá nhiều thay đổi. Vậy nên, đối với thí sinh thì việc nhìn nhận chính xác năng lực của mình trong kỳ thi THPT vừa qua chính là yếu tố tiên quyết để chọn ngành, chọn trường phù hợp và xét tuyển Đại học hiệu quả nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.