3 phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Đại Nam năm 2024

GD&TĐ - Năm 2024, Trường ĐH Đại Nam tuyển sinh theo 3 phương thức với tổng số 7.600 chỉ tiêu ở 36 ngành đào tạo; trong đó có ngành Công nghệ bán dẫn.

Hoa hậu Lương Thùy Linh - Đại sứ thương hiệu, giảng viên trợ giảng của Trường ĐH Đại Nam trực tiếp giải đáp thắc mắc của thí sinh về công tác tuyển sinh năm 2024 tại trường.
Hoa hậu Lương Thùy Linh - Đại sứ thương hiệu, giảng viên trợ giảng của Trường ĐH Đại Nam trực tiếp giải đáp thắc mắc của thí sinh về công tác tuyển sinh năm 2024 tại trường.

Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, PGS.TS Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam cho biết, các ngành học tại trường được đánh giá là phù hợp với xu hướng của thời đại vì có nhu cầu nguồn nhân lực cao, cơ hội làm việc trong nước và quốc tế rộng mở cho sinh viên.

Năm 2024, nhà trường áp dụng 3 phương thức xét tuyển gồm:

Phương thức 1: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 chiếm 30% tổng chỉ tiêu.

Phương thức 2: Xét kết quả học tập cấp THPT (Xét học bạ), tương đương 65% tổng chỉ tiêu.

Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình năm học lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển. Điểm xét tuyển = (Điểm môn 1 + Điểm môn 2 + Điểm môn 3). Điểm môn 1 = (TB cả năm lớp 11 môn 1 + TB kỳ 1 lớp 12 môn 1)/2 ; Điểm môn 2, Điểm môn 3 cách tính tương tự Điểm môn 1.

Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình năm học lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển. Điểm xét tuyển = (Điểm môn 1 + Điểm môn 2 + Điểm môn 3). Trong đó, Điểm môn 1 = TB cả năm lớp 12 môn 1; Điểm môn 2 = TB cả năm lớp 12 môn 2; Điểm môn 3 = TB cả năm lớp 12 môn 3.

Phương thức 3: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và Nhà trường chiếm khoảng 5% tổng chỉ tiêu.

PGS.TS Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2024.
PGS.TS Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2024.

Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Hồng, điểm mới của các chương trình đào tạo nhà trường là thay vì 4 năm, thời gian học của sinh viên sẽ được rút ngắn xuống còn 3 năm, mỗi năm 3 học kỳ. Sinh viên sẽ có 1 học kỳ quốc tế, tức có thể lựa chọn học/thực tập ở nước ngoài và 8 học kỳ tại Việt Nam để đủ điều kiện tốt nghiệp.

Riêng chương trình liên kết với Đài Loan về đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn, trường năm nay tuyển sinh 100 chỉ tiêu. Sinh viên có thể sang Đài Loan (Trung Quốc) học 1 năm và thực tập 1 năm, cộng với 3 năm học tại Việt Nam. Sau 5 năm, các em được nhận 2 bằng đại học của Trường ĐH Đại Nam và bằng đại học của trường đối tác Đài Loan cấp.

Các ngành đào tạo của Trường ĐH Đại Nam năm 2024.

Các ngành đào tạo của Trường ĐH Đại Nam năm 2024.

Thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Hồng cũng cho biết, trong 2 năm học ở Đài Loan, sinh viên không phải đóng học phí trị giá 100.000 Đài tệ/năm (tương đương 80.000.000 đồng/năm) và doanh nghiệp cấp sinh hoạt phí 10.000 Đài tệ/tháng (tương đương 8.000.000 đồng/tháng) cho các em tham gia chương trình.

Sau khi học xong, Đài Loan sẽ bố trí công việc lâu dài cho sinh viên tại các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại đây. Ở ngành Công nghệ bán dẫn, nhà trường còn có mối quan hệ với các đối tác của Hàn Quốc, Nhật Bản. Với các ngành khác, sinh viên cũng có cơ hội được học tập ở nước ngoài như Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...

"Với hình thức đào tạo hiện tại, nhà trường vẫn đảm bảo chất lượng và số lượng tín chỉ mà sinh viên được học theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, khung chương trình đào tạo quốc gia được Chính phủ ban hành. Ngoài ra, sinh viên có thể ra trường sớm 1 năm để có cơ hội trải nghiệm và tham gia vào thị trường lao động", PGS.TS Phạm Văn Hồng trao đổi thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ