Bên cạnh sức ép của các hãng sản xuất hùng mạnh với tiềm lực dồi dào như Samsung hay Apple, ở thời điểm hiện tại các hãng sản xuất smartphone còn phải đương đầu với nhiều thiết bị đến từ Trung Quốc với cấu hình tương đương trong tầm giá chỉ bằng một nửa.
Những diễn biến này khiến rất nhiều hãng sản xuất lớn một thời phải lao đao.
1. BlackBerry: Con bài cuối cùng?
Những chiếc điện thoại như thế này từng được người dùng doanh nhân rất yêu thích. Dù vậy, thị hiếu của khách hàng đã thay đổi rất nhiều so với trước kia.
Mới đây, trong một buổi phỏng vấn tại hội thảo Code/Mobile, BlackBerry CEO John Chen đã hé lộ một số thông tin được nhiều người quan tâm về tương lai của BlackBerry.
Theo đó, ông chia sẻ rằng mục tiêu của họ ở thời điểm hiện tại chỉ gói gọn trong con số 5 triệu máy smartphone bán ra một năm. Con số là thực sự lớn khi đặt song hành với thực tế rằng trong quý II vừa qua, BlackBerry chỉ bán được vỏn vẹn 800.000 máy điện thoại.
Vị CEO của "dâu đen" cũng thừa nhận nếu không đạt được mục tiêu, BlackBerry sẽ cân nhắc rút khỏi sân chơi smartphone vốn là thế mạnh của mình một thời.
The Verge nhận định như vậy thành bại của mục tiêu nói trên phụ thuộc phần lớn vào chiếc BlackBerry Priv, smartphone chạy Android đầu tiên của BlackBerry. Nếu dòng máy này không được đón nhận, tương lai của BlackBerry chưa thể nói trước được điều gì.
Thực tế, tình trạng của BlackBerry đã trở nên cực kì tồi tệ trong vòng 2 năm trở lại đây. Còn nhớ vào cuối tháng 9 năm 2013, cộng đồng người hâm mộ "dâu đen" đã tỏ ra rất lo lắng trước thông tin khẳng định hãng này đồng ý bị thâu tóm bởi một công ty bảo hiểm Canada có tên Fairfax Financial cùng tổng giá trị thương vụ ước tính khoảng 4,7 tỷ USD.
Thông tin về thương vụ này đi kèm với động thái sa thải tới 40% nhân sự cùng khoản lỗ lên tới 1 tỷ USD chỉ trong vòng một quý. Dù vậy, cuối cùng thương vụ nói trên lại không thành. Đến đầu năm 2015, cộng đồng yêu công nghệ lại dấy lên tin đầu Samsung sẽ thâu tóm BlackBerry với giá 7,5 tỷ USD.
Nhiều báo cáo cho rằng ông lớn công nghệ Hàn Quốc muốn sở hữu BlackBerry là bởi hãng muốn có trong tay những bản quyền mà công ty Canada đang nắm giữ. Về sau, đôi bên có liên quan trong vụ việc đều phủ nhận thông tin này. CEO BlackBerry cũng khẳng khái nêu quan điểm, "BlackBerry không dành để bán".
Fan BlackBerry lâu năm vẫn gọi chiếc BlackBerry Priv là sự kết thúc của một kỉ nguyên bởi BlackBerry đã phải rời bỏ chính hệ điều hành làm nên thương hiệu của mình để sử dụng Android. Và thực tế cũng có thể nó là sự kết thúc của ông lớn smartphone nay chỉ còn "vang bóng một thời..."
Chân dung BlackBerry Priv, nước cờ có thể là cuối cùng của BlackBerry.
2. Sony: Một năm cuối cùng để nỗ lực
Sản phẩm tốt, được đánh giá cao về thiết kế, sử dụng hệ điều hành có hệ sinh thái đa dạng nhưng Sony cũng không thoát khỏi được sức ép quá lớn trên thị trường smartphone hiện nay.
Trong suốt hai năm qua, nhiều báo cáo đã nói về việc Sony cân nhắc rời khỏi thị trường smartphone và viễn cảnh này một lần nữa được khẳng định khi CEO Kazuo Hirai nói rằng nếu năm 2016 mảng điện thoại vẫn lỗ, không loại trừ khả năng Sony sẽ rút khỏi thị trường di động.
Trong vài năm trở lại đây, Sony liên tục cải thiện dòng smartphone cao cấp Sony Xperia Z của mình. Thậm chí, hãng công nghệ Nhật Bản còn nhiệt tình thay đổi đến mức là một trong số ít hãng smartphone làm mới sản phẩm cao cấp một năm tới hai lần.
Tuy nhiên, sự "hao hao" về thiết kế đã làm người dùng dần mất đi hứng thú với những sản phẩm của hãng này mặc dù không thể phủ nhận chúng rất đẹp và rất chất lượng.
Sony cũng tìm cách thâm nhập thị trường smartphone trung cấp mạnh mẽ hơn bằng việc mở rộng danh mục sản phẩm của mình ở phân khúc này.
Dẫu vậy, tất cả vẫn là chưa đủ bởi chỉ tính riêng sự cạnh tranh đến từ các hãng sản xuất Trung Quốc ở mạng "cấu hình tốt - giá rẻ bất ngờ" cũng đủ làm Sony khốn đốn.
Tại Mỹ, Sony ở thời điểm hiện tại chỉ có thị phần khiêm tốn ở mức 1% trong khi đó trên sân nhà Nhật Bản con số này cao hơn nhưng cũng chẳng đủ để Sony mỉm cười, ở mức 17,5%.
3. HTC: Hành trình tuột dốc
Hành trình tuột dốc của HTC bắt đầu từ năm 2011. Đây là thời điểm HTC có trong tay khoảng 8,8% thị phần. Đến năm 2012, con số này giảm xuống còn 6% và nó tiếp tục giảm trong hai năm 2013 và 2014 xuống còn lần lượt 4,5% và 3%.
Cùng lúc, những đối thủ trực tiếp như Samsung liên tục đạt được những nốt thăng táo bạo trong tình hình kinh doanh. Điều này đặt HTC vào thế bí.
Năm nay, HTC One (M9) gần như chìm nghỉm trên thị trường smartphone mặc dù giới chuyên môn vẫn đánh giá rất cao sản phẩm này và xếp nó vào hàng một trong những chiếc smartphone Android đẹp nhất.
Chọn thời điểm ra mắt cùng thời điểm Samsung trình làng Samsung Galaxy S6 và S6 Edge, HTC đã đặt "con cưng" của mình vào thế bất lợi, ít nhất là về mặt truyền thông, bởi bộ đôi Samsung năm nay đã có những thay đổi quá ấn tượng trong khi đó One (M9) lại "hao hao" thiết bị tiền nhiệm.
Không khó khăn như BlackBerry hay Sony nhưng HTC cũng được xếp vào danh sách những nhà sản xuất smartphone đang phải đối mặt với một giai đoạn bất định, khi mà chỉ một sai lầm trong chiến lược cũng có thể làm thay đổi tất cả. Hãng công nghệ Đài Loan vẫn còn một chặng đường đầy gai phía trước.