Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Reuters
Viết trên trang tin Learning Curve ngày 14/7, ông Richard Javad Heydarian - Chuyên gia về địa chính trị châu Á tại Đại học Ateneo De Manila và là cố vấn chính trị của Hạ viện Philippines - nhận định rằng tranh chấp lãnh thổ về cơ bản là điều khó tránh khỏi khi điều này có liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
“Tại thời điểm này, mục tiêu cấp thiết nhất cần đạt được là thiết lập các cơ chế tạm thời nhằm làm giảm căng thẳng và ngăn cản Trung Quốc có thêm các hành động khiêu khích” - Ông Heydarian nói.
Chuyên gia này cho biết mục tiêu nói trên đòi hỏi cần có một sự kết hợp của các yếu tố sau:
1. Thiết lập vùng không khiêu khích
Trong khi đàm phán về việc thành lập bộ quy tắc ứng xử (COC) vẫn gặp nhiều cản trở, các nước thành viên ASEAN ít nhất cũng nên gây áp lực buộc Trung Quốc giữ đúng nghĩa vụ của mình theo quy định của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) được ký kết hồi năm 2002, vốn quy định rõ rằng các nước tranh chấp chủ quyền không nên đơn phương làm thay đổi hiện trạng, ông Heydanrian đề xuất.
“Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc và các bên có tranh chấp nên ngừng đem giàn khoan ra các vùng tranh chấp, ngừng các hành động khẳng định chủ quyền trên các khu vực có tranh chấp và kiềm chế sử dụng các lực lượng bán quân sự và quân sự để trong các tranh chấp chủ quyền” - Chuyên gia Philippines viết.
2. Cơ chế bảo vệ môi trường khu vực
Nhà nghiên cứu địa chính trị châu Á này kêu gọi Trung Quốc nên lý giải quy định cấm đánh bắt cá hồi đầu năm nay tại biển Đông thông qua nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn tài nguyên biển.
“Các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc nên nắm lấy đề xuất của Trung Quốc để đàm phán thiết lập một cơ chế hợp tác khu vực, tập trung vào các vấn đề ngoài tranh chấp lãnh thổ như việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản” - Ông Heydanrian đề xuất.
Ông Heydanrian nói thêm rằng các loài chim và rùa biển quý hiếm trong khu vực không quan tâm đến các đường biên giới hay các tuyên bố khẳng định chủ quyền, nhưng chúng trông chờ vào sự cảnh giác của các lực lượng thi hành pháp luật dân sự như tuần duyên.
3. Thời điểm để châu Á hợp tác đa phương
Chuyên gia Heydanrian cho rằng việc theo đuổi 2 yếu tố đầu tiên có thể là biện pháp xây dựng lòng tin và điều này sẽ “đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho bất kỳ cuộc đàm phán nghiêm túc nào trong tương lai”.
“Tuy nhiên, cam kết nên đi kèm với phòng thủ. Và điều này có nghĩa là các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn nên nhanh chóng tăng cường năng lực phòng thủ của mình, củng cố sức mạnh nội tại và tích cực hợp tác với các cường quốc Thái Bình Dương như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ - những nước có chung quyền lợi với ASEAN trong việc duy trì ổn định hàng hải tại biển Đông”, ông Heydanrian nói.