25 nghìn học sinh Thừa Thiên Huế nghỉ học trong ngày 15/9

GD&TĐ - Chiều tối ngày 14/9, thông tin từ UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, một người đàn ông trên địa bàn vừa tử vong do bị nước suối dâng cuốn trôi. Nạn nhân là ông N.V.H (SN 1979), trú ở thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền.

25 nghìn học sinh Thừa Thiên Huế nghỉ học trong ngày 15/9

Được biết, sáng cùng ngày, ông H. đi vào rừng cạo mủ cao su thì bất ngờ bị nước lũ ở suối dâng cao và cuốn trôi. Đến 14h, người dân đã tìm thấy thi thể ông H. và bàn giao cho gia đình để lo hậu sự. Ở một diễn biến khác, chính quyền địa phương cùng người thân vẫn đang tích cực tìm kiếm một cháu bé 3 tuổi mất tích tại bờ biển xã Điền Lộc, huyện Phong Điền. Nạn nhân là cháu Nguyễn Viết S. (3 tuổi), trú ở thôn Mỹ Hòa, xã Điền Lộc. Được biết, trước khi mất tích, cháu S. thường ở tại nhà bà nội. Vào chiều 13/9, do bất cẩn nên cháu S. bị sóng cuốn trôi ở bờ biển Điền Lộc và mất tích.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ trưa 13/9, tất cả 138 phương tiện tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, với 1.320 lao động của tỉnh này đã bắt được liên lạc, nhận yêu cầu khẩn cấp quay về nơi tránh trú bão an toàn. Lực lượng biên phòng phối hợp cơ quan chức năng địa phương giám sát chặt hoạt động cấm biển.

Trong ngày 14/9, các đập thủy lợi, đập ngăn mặn đã mở cửa van xả bảo đảm thoát lũ. Đề phòng những ảnh hưởng xấu do bão số 10 gây ra, tỉnh TT-Huế đã chuẩn bị hơn 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm, 100 nghìn lít xăng, 100 nghìn lít dầu diezel và 30 nghìn lít dầu hỏa… phục vụ công tác cứu đói, phòng chống thiên tai. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ chiều 14 đến hết ngày 15/9, toàn bộ 25 vạn học sinh địa phương này được nghỉ học để tránh bão.

Ông Phan Thanh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, nhằm chủ động phòng chống thiên tai, bão lũ gây ra, toàn tỉnh đã thu hoạch gần hết diện tích lúa vụ hè thu. Hiện còn 875 ha lúa chưa chín, chưa thu hoạch tập trung ở huyện A Lưới, Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang. Các địa phương đang huy động lực lượng gặt một số diện tích, số còn lại các HTX đã chủ động triển khai phương án chống úng nhằm giảm thiệt hại.

Tại huyện Quảng Điền, đến nay vẫn còn 32 ha lúa chưa thu hoạch kịp tập trung ở hai HTX Phú Hòa và Phú Thuận. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, sáng 14/9, một số diện tích người dân đã phối hợp với lực lượng dân quân, bộ đội tiến hành thu hoạch. “Đa số diện tích lúa này là những trà muộn, đến 25/9 mới chín nên các địa phương không thể gặt mà chủ động phương án chống úng để giảm thiệt hại”, ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết.

Đến sáng 14/9, công tác kêu gọi tàu thuyền đã hoàn tất, các tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn, các địa phương cũng tiến hành cấm biển. Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng tuyến biển tăng cường số lần bắn pháo hiệu báo bão theo quy định, sẵn sàng phương tiện ca nô để phối hợp với các địa phương ven biển hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền vào khu tránh trú an toàn.

Ông Phan Thanh Hùng thông tin, tính đến 17 giờ ngày 13/9, toàn tỉnh có 138 phương tiện với 1.320 lao động đánh bắt xa bờ chủ yếu họat động tại vùng biển tiếp giáp Đà Nẵng đến đảo Cồn Cỏ đã nắm được thông tin về hướng đi của bão số 10, đến trưa ngày 14/9, toàn bộ phương tiện tàu thuyền đã về nơi tránh trú an toàn.

Đối với tàu thuyền gần bờ, từ khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, tại vùng ven biển xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) và xã Hải Dương (TX Hương Trà) ngoài triển khai giằng chống nhà cửa, ngư dân các địa phương đồng loạt ra quân đưa thuyền, máy móc, lưới cụ lên vùng cao an toàn để trú tránh bão. Ngư dân Trần Khang ở thôn Tân Thành, xã Quảng Công chia sẻ: “Chiếc thuyền máy công suất 15 CV có giá trị hơn 50 triệu đồng. Mới đây nhận tiền bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển, tui đầu tư sửa chữa, mua sắm thêm ngư cụ với chi phí hơn 10 triệu đồng. Đây là phương tiện mưu sinh chính, tài sản lớn nên cần được bảo vệ an toàn trong mùa mưa bão”.

Ông Khang cho biết, một số mùa mưa bão trước dây, do người dân chủ quan, không kịp đưa lên cao trước khi bão đổ bộ vào nên một số thuyền bị biển cuốn trôi, sóng đánh hư hỏng, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Có chiếc bị sóng đánh hư hỏng hoàn toàn, mất cả máy móc, ngư lưới cụ gây thiệt hại lớn.

Từ kinh nghiệm đó, đề phòng trước khi cơn bão số 10 ập đến, ngư dân đã vận chuyển thuyền, máy móc, lưới chài lên vùng cao kịp thời. Các đập thủy lợi ngăn mặn, gồm: đập Cửa Lác đã mở 70/70 cửa, đập Thảo Long đã mở 2 cửa, khi có mưa lũ, tỉnh sẽ chỉ đạo mở tất cả 15 cửa để đảm bảo thoát lũ’

Tính đến 20 giờ tối 14/9 tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm với khoảng 26.977 nhân khẩu/106.104 hộ từ chiều 14 đến hết ngày 15/9, toàn bộ 25 vạn học sinh địa phương này được nghỉ học để tránh bão.

25 nghìn học sinh Thừa Thiên Huế nghỉ học trong ngày 15/9 ảnh 125 nghìn học sinh Thừa Thiên Huế nghỉ học trong ngày 15/9 ảnh 225 nghìn học sinh Thừa Thiên Huế nghỉ học trong ngày 15/9 ảnh 325 nghìn học sinh Thừa Thiên Huế nghỉ học trong ngày 15/9 ảnh 425 nghìn học sinh Thừa Thiên Huế nghỉ học trong ngày 15/9 ảnh 525 nghìn học sinh Thừa Thiên Huế nghỉ học trong ngày 15/9 ảnh 6

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ