Theo báo Anh Guardian, những tính toán sơ lược ban đầu cho thấy khi con người chưa hình thành, một ngày trên Trái Đất vào khoảng 1 tỷ năm trước ngắn hơn 5 giờ 15 phút so với 24 tiếng hiện nay.
Cụ thể, các nhà khoa học đã kết hợp giữa lý thuyết thiên văn và dấu tích địa chất được chôn vùi trong đá cổ đại để có thể chỉ ra rằng 1,4 tỷ năm về trước, khoảng thời gian Trái Đất tự quay quanh trục là 18 giờ 41 phút.
Kể từ thời kỳ Tiền Cambri – Precambrian, trung bình mỗi năm, độ dài ngày đã tăng khoảng 0,001542857 giây tức một phần 74 nghìn giây. Dự kiến trong hàng triệu, hàng tỷ năm tới độ dài của một ngày vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm.
Và khi đó, tốc độ quay của Trái Đất dần dần chậm lại, cũng đồng nghĩa với việc Mặt Trăng đang dần đi ra xa Trái Đất. Nhưng cũng đừng quá lo lắng bởi nó sẽ chỉ chuyển động ra xa Trái Đất đến ngưỡng nhất định.
Đến khi đạt khoảng cách cực đại, từ phía Mặt Trăng, ta chỉ có thể nhìn thấy một nửa Trái Đất. Và rất có thể sau 200 năm, một ngày trên Trái Đất sẽ kéo dài 25 tiếng.
Viết trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, hai nhà khoa học là Stephen Meyers từ Đại học Wisconsin và Alberto Malinverno từ Đại học Columbia (New York) cho biết đã tính toán khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trang hiện nay là 384.000 km, xa hơn 44.000 km vào 1,4 tỷ năm về trước.
Nhóm nghiên cứu đặt ra mục tiêu tìm lại những thay đổi về khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng, những thay đổi trong quỹ đạo quay của Trái Đất và cũng như những thay đổi trong chu kỳ Milankovitch. Và cho đến bây giờ, thật khó để tìm ra những dữ liệu đáng tin cậy và chính xác trong hơn 50 triệu năm trước.
Do chu kỳ Milankovitch ảnh hưởng không nhỏ đến việc Mặt Trời chiếu sáng đến các cực Trái Đất, và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu trong hàng triệu năm qua.
Để xác định tần suất thay đổi của các chu kỳ trong dòng lịch sử 4,5 tỷ năm của Trái Đất, các nhà khoa học đã xem xét liệu tỷ lệ kim loại đồng và nhôm trong tự nhiên có liên quan đến sự biến đổi khí hậu của trầm tích biển Xiamaling 1,4 tỷ năm tuổi ở miền bắc Trung Quốc hay sườn núi Walvis 55 triệu tuổi ở phía nam Đại Tây Dương hay không.
"Chúng tôi rất quan tâm đến việc phục dựng các chu kỳ Milankovitch để có thể tham khảo và đánh giá quá trình hình thành của Trái Đất nói riêng và Hệ Mặt trời nói chung. Chúng giống như "bản chỉ dẫn cắm trên lối mòn", từ đó cho phép chúng ta điều chỉnh lịch sử địa chất.
Thí dụ, việc xác định các chu kỳ Milankovitch xảy ra với các trầm tích qua hàng triệu năm đã cách mạng hóa sự hiểu biết của nhân loại về bản chất thời kỳ băng hà, sự bất ổn của các tảng băng và hệ thống khí hậu của Trái Đất hoạt động ra sao", giáo sư Stephen Meyers cho biết.