Số thí sinh từ Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La được xác định gian lận điểm thi với chênh lệch từ 1 đến 9 điểm/1 môn thi. Đồ họa: Nguyễn Tường
Cơ quan chức năng xác minh có 222 thí sinh từ Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La gian lận điểm số với số điểm chênh lệch từ 1 - 9 điểm/ môn thi.
Những con số “động trời”
Tại Khoản 2, Điều 88 Luật Giáo dục 2005 quy định các hành vi mà người học không được làm, trong đó có hành vi gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh. Nếu người học thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi hành chính. Tuy nhiên, riêng với hành vi gian lận “sửa điểm bài thi trái quy định”, người học sẽ không bị xử phạt vì việc sửa điểm bài thi không thuộc thẩm quyền của người học.
Đối với người vi phạm “sửa điểm bài thi trái quy định”, ngoài việc bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng, các bên còn phải “khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi”, tức là phải trả lại điểm số gốc trước khi sửa điểm. Như vậy, khi trả lại điểm số gốc mà điểm số của các thí sinh không đủ để trúng tuyển vào trường, đương nhiên họ sẽ bị buộc phải thôi học.
Đối với bố mẹ các thí sinh, nếu cơ quan điều tra chứng minh được họ đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất khác để người có thẩm quyền sửa điểm thi, họ có thể bị xử lý hình sự về tội “Đưa hối lộ” theo Điều 364, Bộ luật Hình sự 2015”.
Luật sư Giang Hồng Thanh
Văn phòng luật sư Giang Thanh”
Cụ thể, riêng Hà Giang, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có điểm đã công bố chênh lệch từ 1,0 - 8,75 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được tăng lên đến 26,8 điểm.
Kết quả chấm thẩm định tại Sơn La cho thấy có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm/3 môn. Và bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.
Được đánh giá là nơi có hành vi gian lận tinh vi nhất, Hòa Bình cũng đã công bố kết luận điều tra và danh sách các thí sinh gian lận điểm thi. Cụ thể, có 64 thí sinh đã được can thiệp thay đổi điểm thi; môn được nâng điểm cao nhất là 9,25 điểm.
Điều đáng nói, không ít các thủ khoa, á khoa các trường ĐH đều nằm trong danh sách thí sinh được nâng điểm khống. Cụ thể, điểm ban đầu của thủ khoa trường Sĩ quan Lục quân 1, đến từ Hòa Bình đạt 28,2 điểm.
Tuy nhiên, chấm thẩm định điểm thực của thí sinh này là: Toán 1, Lý 0, Hóa 0. Như vậy, thí sinh này đã được nâng lên tới 26,45 điểm. Một thí sinh Sơn La được nâng 15 điểm để từ trượt trở thành Á khoa của ĐH Y Hà Nội. Tương tự, thủ khoa của Trường Sỹ quan Phòng hóa được nâng 20,95 điểm; thủ khoa Đại học Sư phạm Hà Nội được nâng 15 điểm; thủ khoa của Học viện Kỹ thuật quân sự năm 2018 được nâng 18,7 điểm...
Cơ quan điều tra các địa phương đã khởi tố 16 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự. Cụ thể tại Sơn La, đã khởi tố 8 bị can, trong đó có 6 cán bộ thuộc ngành Giáo dục; 2 cán bộ thuộc Công an tỉnh; tại Hòa Bình khởi tố 3 cán bộ thuộc ngành Giáo dục và tại Hà Giang, khởi tố 5 cán bộ ngành Giáo dục và 1 cán bộ ngành Công an.
Phải chờ kết luận cuối cùng
Trong số 108 thí sinh thuộc Sơn La và Hòa Bình vừa được công khai và gửi danh sách về các trường ĐH - CĐ, hiện mới có 60/108 thí sinh bị các nhà trường buộc thôi học, trả về địa phương hoặc tự ý thôi học.
Danh tính, gia thế của các phụ huynh có con cháu được nâng điểm trong vụ án chấn động gian lận thi THPT quốc gia 2018 dần dần hé lộ. Sau Bí thư Tỉnh ủy, Phó giám đốc Sở, doanh nghiệp lớn ở Hà Giang, những chức danh quyền lực của các phụ huynh Sơn La có con được nâng điểm cũng được công khai như: Phó giám đốc Sở GD&ĐT, Chi cục trưởng Chi Cục thuế, Giám đốc VNPT tỉnh, Phó chánh thanh tra tỉnh, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, các Phó chủ tịch UBND TP Sơn La, huyện Quỳnh Nhai... Để làm rõ hơn trách nhiệm của ngành giáo dục địa phương khi để xảy ra thực trạng trên, PV Báo Giao thông đã liên lạc và đặt câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu ngành Giáo dục Sơn La, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT.
Được biết, ngoài những cán bộ, nhân viên bị khởi tố điều tra vì liên quan trực tiếp việc gian lận điểm thi, đến thời điểm này các tỉnh Hòa Bình và Sơn La cũng chưa có bất cứ hình thức xử lý trách nhiệm nào đối với người đứng đầu Sở GD&ĐT.