2 trụ cột chính trong triển khai đổi mới của Giáo dục Hải Phòng

GD&TĐ - Đổi mới giáo dục tạo ra những cơ hội và thách thức mới. Đón đầu đổi mới, nhiều trường học ở Hải Phòng đã chủ động kế hoạch giáo dục dài hạn bổ sung cơ sở vật chất và chuẩn hóa đội ngũ.

Lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu TP Hải Phòng năm 2020
Lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu TP Hải Phòng năm 2020

Sẵn sàng đổi mới

Trường THCS Ngũ Đoan trong tốp dẫn đầu về chất lượng giáo dục bậc THCS của huyện Kiến Thụy. Để duy trì chất lượng giáo dục, nhà trường có sự đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất và đội ngũ.

Đón chương trình SGK mới vào năm học 2021-2022 nhà trường được đầu tư nhà đa năng, nâng cấp 8 phòng học và sẽ được xây dựng thêm 4 phòng học mới. Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, nhà trường có định hướng xây dựng đội ngũ đạt chuẩn, tích cực tổ chức các chuyên đề giáo dục tiệm cận chương trình GDPT năm 2018.

Thầy giáo Đoàn Đắc Thiếp- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, chương trình mới với niềm tin thay đổi cả chất và lượng trong quá trình giáo dục, đào tạo. Bắt nhịp chương trình, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ để báo cáo lãnh đạo kịp thời bổ sung cho năm học tới.

Hiện, Trường THCS Ngũ Đoan còn thiếu 3 giáo viên môn Tin học, Tiếng Anh, Toán. Tuy nhiên, huyện Kiến Thụy đã có kế hoạch tuyển dụng và sẽ bổ sung kịp thời. 

Cô trò Trường THCS Ngũ Đoan trong giờ học
Cô trò Trường THCS Ngũ Đoan trong giờ học

Xác định việc đổi mới giáo dục có thành công hay không là ở đội ngũ nên ngay khi có chỉ đạo của ngành, Trường THCS Ngũ Đoan đã phổ biến chương trình đến giáo viên. Thầy cô được nghiên cứu về chương trình, có sự thay đổi dần trong tư duy để sẵn tâm thế bước vào đổi mới.

Trường THCS Ngũ Đoan là một trong những trường THCS tại huyện Kiến Thụy có sự chuẩn hóa đội ngũ sớm, hiện có 2 thầy cô là Thạc sĩ. 

Cô giáo Phạm Thị Thanh Chiên- GV Ngữ văn Trường THCS Ngũ Đoan chia sẻ, đổi mới giáo dục là cần thiết. Việc lấy học sinh làm trung tâm, giúp các em hình thành nhân cách, phát triển toàn diện cả đức- trí-thể-mĩ là điều những người làm nghề giáo mong muốn. Để có được điều đó, bản thân cô Chiên luôn tự học hỏi, nghiên cứu chương trình mới. Qua các đợt tập huấn, cô Chiên tự lên kế hoạch cá nhân để đón chương trình SGK mới. 

Với Trường THCS Đồng Hòa, quận Kiến An - Hiệu trưởng Đỗ Đức Thiện chia sẻ, xác định đổi mới giáo dục là cơ hội, thách thức, vì thế đã xây dựng kế hoạch dài hạn về cơ sở vật chất, đội ngũ. Bên cạnh việc được đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện đón chương trình SGK lớp 6 trong năm học tới, nhà trường chủ động các hoạt động chuyên môn tiệm cận chương trình.

Sự đổi mới giáo dục tạo nên luồng gió mới, từ sự thay đổi trong cơ chế, chính sách đến tư duy, hành động của đội ngũ. Với nhiều lợi thế, ngành giáo dục Hải Phòng đang từng bước đổi mới với niềm tin chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, nhiều nhà giáo bày tỏ mong muốn nhà nước có sự quan tâm, nâng cao hơn nữa đến đời sống của đội ngũ những người làm nghề.

Chất lượng giáo dục của Hải Phòng ngày càng được nâng cao
Chất lượng giáo dục của Hải Phòng ngày càng được nâng cao

Cơ chế tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng

Thời gian qua, công tác giáo dục, đào tạo của TP Hải Phòng đã có bước vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vững chắc ở vị trí tốp đầu của cả nước. Với quy mô tiếp tục ổn định, vững chắc cả về cơ cấu, loại hình trường lớp.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được nâng lên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo tăng cao, cơ sở vật chất trường học tiếp tục đầu tư theo hướng khang trang, hiện đại.

Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao, đặc biệt là chất lượng mũi nhọn. Hải Phòng là địa phương duy nhất 24 năm có học sinh đạt huy chương quốc tế. Chất lượng điểm thi vào đại học của học sinh Hải Phòng luôn trong tốp 3 toàn quốc.

Lễ ra quân các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021
Lễ ra quân các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021

Nhiều năm qua TP Hải Phòng có sự quan tâm mạnh mẽ đến cơ chế, chính sách với đội ngũ những người làm trong ngành giáo dục. Cụ thể, Nghị quyết số 06 ngày 12/7/2018 về cơ chế chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thành phố; Nghị quyết số 11 ngày 12/7/2018 về chế độ chi hỗ trợ đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn thành phố.

Sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đồng thời giúp tăng cường nội lực, nâng cao vị thế, uy tín của thành phố, làm tiền đề thực hiện mục tiêu Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

PGS.TS Lê Quốc Tiến- Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng nhận định, trong nhiệm kỳ vừa qua TP Hải Phòng quan tâm, đầu tư cho giáo dục trên 22 nghìn tỷ đồng. Đó là đầu tư cho sở vật chất các bậc học và nâng cao tay nghề cho đội ngũ thầy cô giáo. Chất lượng giáo dục từng bước phát triển, đời sống của giáo viên được tăng lên. 

Để thực hiện tốt việc đổi mới giáo dục, TP Hải Phòng xác định 2 trụ cột chính là đội ngũ và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Vì thế, song song với việc tăng cường trang thiết bị dạy học, tận dụng nguồn lực xã hội cho giáo dục, ngành Giáo dục Hải Phòng tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ hướng tới chuẩn trình độ giáo viên, trình độ ngoại ngữ, tin học và năng lực giảng dạy chương trình GDPT năm 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ