Cuộc sống ngày này đang dần trở nên đơn điệu, vì vậy chẳng có gì lạ nếu như nhiều người trong số chúng ta cảm thấy những thành phố bị biến mất là một điều gì đó rất thu hút, bí ẩn và đôi lúc giống như chuyện cổ tích.
Bất chấp việc người ta không thể tiếp cận được với những nơi đó do nguyên nhân thiên tai, bị chiến tranh tàn phá hay đó chỉ là một sự bịa đặt trắng trợn, các thành phố bí ẩn này vẫn thổi bùng lên trí tưởng tượng nhà nhân chủng học hay kẻ săn tìm kho báu.
1. Pompeii - Thành phố bị vùi lấp
Đó là một ngày bình thường của năm 79 sau Công nguyên đối với những cư dân thành phố Pompeii. Nhưng sau đó, bất chợt núi lửa Vesuvius phun trào, nhấn chìm cả thành phố trong nham thạch, tro bụi và hàng nghìn mảnh vỡ.
Nhiều người dân đã kịp sơ tán trước khi tro bụi núi lửa tràn xuống khắp nơi. Tuy vậy, có hơn 2.000 người đã không thể chạy thoát để rồi bị chôn vùi dưới đống tro tàn.
Các di tích của thành phố đã không bị xáo trộn cho đến năm 1748 được các nhà khảo cổ phát hiện và bắt đầu quá trình khai quật.
Họ chưa bao giờ hi vọng có thể tìm thấy những kiến trúc và hiện vật được bảo quản tốt đến như vậy sau hơn 1.500 năm bị vùi lấp dưới đống đổ nát.
Thế nhưng, các nhà khảo cổ thậm chí còn có thể tạo ra khuôn mẫu từ những người bị mắc kẹt tại đây.
Mặc dù cơ thể họ từ rất lâu đã tan thành cát bụi nhưng nơi họ bị kẹt vẫn lưu lại một hình dáng nguyên vẹn, gần như đã tạo thành những khuôn mẫu hoàn hảo ở đủ mọi tư thế.
Các chuyên gia chỉ cần lấp đầy thạch cao vào đó và chờ đợi một khuôn hình toàn vẹn của các nạn nhân bị mắc kẹt ở khắp mọi ngóc ngách trong thành phố.
2. Troy - thành phố huyền thoại
Thành cổ Troy tọa lạc ở nơi mà ngày nay là đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, kẹp giữa châu Á và châu Âu. Do vị trí đắc địa mà Troy trở thành một địa điểm lý tưởng cho những hoạt động giao lưu văn hóa và thương mại thời bấy giờ.
Những tác phẩm sử thi của Homer có miêu tả cái cách mà Helen, người vợ tuyệt vời của vua Menelaus, được cho là đã bỏ trốn cùng hoàng tử thành Troy – Paris. Mối quan hệ này chính là nguyên nhân gây ra cuộc chiến thành Troy.
Menelaus đã phát động một cuộc tấn công lớn ở Troy, mở màn cho trận chiến khốc liệt, nguồn cơn của những câu truyện truyền kì về chú ngựa gỗ thành Troy, Achilles cùng hàng tá những truyền thuyết nổi tiếng khác.
Chính bởi Troy ẩn chứa gốc rễ của những câu truyện thần thoại nên sẽ chẳng có gì lạ khi không một nhà sử học nào dám khẳng định chắc chắn về sự tồn tại của tòa thành này.
Chỉ có một điều hiển nhiên rằng, sau chiến tranh nó đã bị bỏ hoang trong những năm từ 1100 đến 700 trước Công nguyên.
Và sau đó, tòa thành này được hồi sinh cùng với những người dân định cư mới cho đến khi người La Mã tới nắm quyền kiểm soát ở đây vào năm 85 trước Công nguyên.
Không lâu sau, một nền văn minh đã từng rất phát triển ở đây trở nên lụi tàn, nơi này lại một lần nữa trở thành một di tích hoang phế cho đến khi được tìm ra vào năm 1822.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra rất nhiều lớp kiến trúc được xây dựng chồng chéo lên nhau. Những bức tường đá và những pháo đài có niên đại sớm nhất mà người ta tìm thấy ở tận cùng phía dưới đống đổ nát được cho là dấu tích của thành cổ Troy đã được miêu tả trong sử thi của Homer.
Cho đến ngày nay, bất chấp những điểm mù mờ, không chắc chắn về nguyên nhân gây ra cuộc chiến thành Troy thì truyền thuyết về nó vẫn đang được lưu truyền rộng rãi.