(GD&TĐ) – Hôm qua (10.3), hàng ngàn người Nhật đã biểu tình tại Thủ đô Tokyo, kêu gọi chính phủ từ bỏ điện hạt nhân – một ngày trước khi kỷ niệm ngày xảy ra thảm họa kép động đất sóng thần gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới trong 25 năm.
Hàng ngàn người phản đối chống điện hạt nhân sau sự cố Fukushima cách đây 2 năm |
Nhật Bản vẫn còn phải xử lý thảm họa đã làm rung chuyển khu vực phía đông bắc cách đây 2 năm – vụ động đất và sóng thần làm chết hơn 15.000 người. Vài ngàn người vẫn chưa được tìm thấy.
“Phản đối vấn đề này ngày càng quan trọng hơn. Tôi làm điều này cho con cái tôi, chúng ta không thể để đống rác điện hạt nhân lại cho chúng được” – một bà mẹ 32 tuổi có mặt trong cuộc biểu tình trước Bộ Kinh tế, Năng lượng và Công nghiệp Nhật Bản nói và hô vang khẩu hiệu “Dừng hạt nhân! Hãy bảo vệ con cái chúng ta”! “Người dân và truyền thông đang dần quên Fukushima và những gì đã xảy ra ở đó”.
Hạt nhân tan chảy tại nhà máy Fukushima Daiichi của Công ty Điện Tokyo (Tepco) đã buộc 160.000 người phải rời nhà, trong đó có nhiều người không bao giờ trở về. Nó cũng tạo ra một cuộc phản đối chưa có tiền lệ chống lại điện hạt nhân.
Tepco phải đối mặt với một nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để làm sạch và hủy bỏ nhà máy hạt nhân đã hỏng sau thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất xảy ra sau vụ Chernobyl năm 1986.
Tất cả 50 lò phản ứng của Nhật đã dần dần đóng cửa sau thảm họa Fukushima.
Tuy nhiên, sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe và đảng Dân chủ tự do của ông (LDP) - từ lâu đã ủng hộ điện hạt nhân và nuôi dưỡng các mối quan hệ giữa các chính trị gia, các quan chức và chính thể - là một sự lo lắng cho những người phản đối điện hạt nhân.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 70% người Nhật muốn loại bỏ điện hạt nhân. Một số người tương đương ủng hộ ông Abe – người muốn khởi động lại các lò phản ứng độc lập nếu chúng đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn.
Hà Châu (Theo Reuters)