2 kịch bản để Đà Nẵng phục hồi du lịch trong năm 2022

GD&TĐ - Sở Du lịch TP. Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch ngành du lịch năm 2022. Trong đó, ngành du lịch thành phố đã đề ra nhiều “chiến lược”, nhằm sớm phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort.
InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, năm 2021, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 1,17 triệu lượt, giảm 55,8% so với năm 2020.

Trong đó, khách quốc tế ước đạt 110.000 lượt, giảm 84,2% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt gần 1,06 triệu lượt, giảm 45,5%  so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 2.554 tỷ đồng, giảm 36,6% so với năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021 không có khách đường biển và khách du lịch quốc tế đường hàng không đến Đà Nẵng.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết, thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống, kiểm soát đại dịch, vừa đẩy mạnh khôi phục tăng trưởng kinh tế, ngành du lịch Đà Nẵng dự kiến 2 kịch bản.

Theo đó, kịch bản 1 là phấn đấu tổng lượng khách lưu trú dự kiến đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 3 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,3 lần so với năm 2020); trong đó khách quốc tế ước đạt 180.000 lượt, tăng 1,6 lần và khách nội địa ước đạt hơn 3,32 triệu lượt, tăng 3 lần.

Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt trên 6,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,7 lần so với năm 2020).

Kịch bản 2 là lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt khoảng 2,1 triệu lượt khách, tăng 87,8% so với năm 2021; khách quốc tế ước đạt 100.000 lượt (tương đương năm 2021) và khách nội địa ước đạt 2 triệu lượt, tăng 2 lần so với năm 2021.

Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 4 nghìn tỷ đồng, tăng 2 lần so với ước thực hiện năm 2021.

Công viên Châu Á, TP Đà Nẵng.
Công viên Châu Á, TP Đà Nẵng.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành du lịch Đà Nẵng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung triển khai thực hiện phương án phòng, chống dịch Covid-19, quy trình đón, phục vụ khách (có lồng ghép biện pháp phòng, chống dịch). Quy trình xử lý sự cố y tế tại cơ sở kinh doanh du lịch, tập trung khôi phục hoạt động du lịch theo phương châm “chủ động-thích ứng-linh hoạt,” hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch.

Ngành sẽ triển khai quy hoạch, đề án, định hướng phát triển du lịch; thực hiện một số nội dung thí điểm và chuẩn bị sản phẩm du lịch mới để khôi phục du lịch. Khuyến khích sự năng động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp du lịch để cung ứng, đưa vào khai thác phục vụ nhiều sản phẩm/dịch vụ mới phù hợp tâm lý, thị hiếu và xu hướng khách trong tình hình mới. Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch...

Ông Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, du lịch là ngành kinh tế mang tính tổng hợp, có tác động rất lớn đến các lĩnh vực khác. Lãnh đạo thành phố xác định kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế trong thời gian đến có vai trò rất lớn của lĩnh vực du lịch.

Ông Sơn đề nghị các doanh nghiệp du lịch tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, có giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch”. Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tăng cường vai trò kết nối hợp tác của các doanh nghiệp du lịch cũng như kết nối các doanh nghiệp du lịch và chính quyền thành phố vì mục tiêu phát triển chung của ngành du lịch.

“Về phía lãnh đạo thành phố, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ và dành một số nguồn lực cho mục tiêu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Căn cứ Quy chế làm việc, định kỳ hàng quý, thành phố sẽ tổ chức rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án du lịch để kịp thời có giải pháp chỉ đạo” - ông Sơn nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.