Rút trong túi ra 2 cọc tiền mệnh giá 1.000 và 2.000 đồng sắp xếp cẩn thận, ông Thịnh nhờ cán bộ gửi vào Nậm Pồ - tâm dịch Covid-19 tại Điện Biên đợt này.
“Có gì đâu mà khoe khoang”
“Lúc đó trời nắng gắt, chúng tôi đang tiếp nhận từ thiện tại Nhà khách UBND tỉnh Điện Biên, thì thấy một cụ ông đạp xe đến. Ông rút ra 2 tập tiền lẻ được sắp xếp rất cẩn thận và bảo: “Các anh cho vợ chồng tôi gửi chút quà vào cho học sinh vùng dịch”.
Lúc đầu tôi từ chối, phần vì theo quy định địa điểm này không được phép nhận tiền, phần vì thấy cụ cũng có vẻ khó khăn, nên bảo cụ cứ cầm về, chúng con rất ghi nhận tấm lòng. Thế nhưng cụ vẫn tha thiết nhờ chúng tôi gửi giúp”, anh Điêu Bình Dương, cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Nậm Pồ nhớ lại.
Cũng theo anh Dương, ông Thịnh tâm sự là không có tài khoản ngân hàng và không biết các thủ tục chuyển tiền. Trong khi huyện Nậm Pồ xa xôi quá không thể tự đi, nên khi biết có điểm tiếp nhận ở cách nhà chừng 3km, ông Thịnh đã đạp xe mang tiền ra nhờ gửi giúp.
Xúc động trước tấm lòng và sự nhiệt tình của cụ ông, các thành viên Ban tiếp nhận cũng vui vẻ đón nhận để cụ cảm thấy yên lòng. Họ cũng không quên ghi tên, địa chỉ để thay mặt ông chuyển đủ số tiền đến tài khoản của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện. Tuy vậy, ông Thịnh đã từ chối, với lý do “Chút quà nhỏ, là tấm lòng góp chung vào phòng chống dịch, có gì đâu mà khoe khoang”. Song cũng bởi đây là quy định, nếu không thực hiện thì sẽ không thể nhận quà. Biết vậy, nên ông Thịnh mới chấp nhận cung cấp thông tin cá nhân.
Lần theo địa chỉ lưu lại trong cuốn sổ nhật ký của Ban tiếp nhận, chúng tôi tìm đến nhà ông Trương Ngọc Thịnh để hiểu hơn về câu chuyện đằng sau 2 cọc tiền lẻ “góp sức” chống dịch. Đó là một ngôi nhà nhỏ, nằm khiêm nhường giữa con phố đông đúc dân cư, bên trong có khoảng hơn chục chiếc máy tính kinh doanh dịch vụ Internet. Mọi thứ đều cũ kĩ, nhưng rất ngay ngắn.
Khi biết mục đích chuyến thăm “đột xuất” của chúng tôi, ông Trương Ngọc Thịnh và vợ (bà Nguyễn Thị Nghĩa) tỏ ra e ngại. “Đáng lẽ anh chị phải tìm đến những mạnh thường quân ủng hộ cả chục, cả trăm triệu kìa. Chúng tôi chỉ có vài đồng lẻ tích góp, đưa lên sợ người ta cười cho” – bà Nghĩa khiêm tốn nói.
Là giáo viên, “tôi không thể làm ngơ…”
Sau một hồi thuyết phục, về ý nghĩa và mục đích muốn truyền đi cảm hứng cho tất cả mọi người, cùng chung sức trong “cuộc chiến” chống dịch lần này, bà Nghĩa mới mở lòng. Bà chia sẻ: “Khi xem những hình ảnh về khu cách ly ở huyện Nậm Pồ, vợ chồng tôi thấy rất thương các cán bộ, bác sĩ làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, thương bà con trong đó. Đặc biệt, tôi từng là giáo viên vùng cao nhiều năm, nhìn thấy đồng nghiệp, rồi học sinh của mình trong khó khăn, hoạn nạn, không thể làm ngơ”.
Ông Thịnh là bộ đội phục viên, bà Nghĩa là cựu giáo viên Trường Tiểu học Hua Thanh (huyện Điện Biên). Hồi còn công tác, bà Nghĩa từng nhiều năm “cắm bản” Nậm Ti – điểm vùng cao khó khăn nhất xã. Ông bà khó khăn lắm mới có một cô con gái, hiện đã lập gia đình và ra ở riêng. Cảnh hai vợ chồng già, kinh tế eo hẹp nên để có đồng ra, đồng vào, ông bà có mở thêm quán kinh doanh Internet.
Hai cọc tiền toàn 1.000, 2.000 đồng ấy là ông bà nhặt nhạnh, tích góp từ mùa dịch năm ngoái đến giờ đó. Dịch dã suốt, nên quán cũng đóng cửa liên tục. Thỉnh thoảng vãn dịch, tỉnh cho phép thì mở ra, nhưng cũng chỉ vài ba khách vào sử dụng dịch vụ, thu mỗi người được 1 – 2 nghìn đồng.
Gọi là cọc tiền, nhưng thực ra cũng chỉ là 250 nghìn đồng, không thừa, không thiếu. Của ít, nhưng lòng nhiều. Chính sự nhiệt tình, tấm lòng “cho đi mà không cần nhận lại” của ông bà, đã khiến mọi người không khỏi xúc động. Giữa thời điểm đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, có những tấm lòng nhân ái tràn đầy yêu thương, sẻ chia với cộng đồng đã thắp lên niềm tin, sự ấm áp tình người…
“Mới chỉ trong thời gian ngắn bố trí điểm tiếp nhận từ thiện tại đây, chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến các em nhỏ, cụ già, rồi những phụ nữ “bồng bế” theo cả con đến tặng quà. Trong đó có không ít người đã, đang hoặc từng là giáo viên như vợ chồng ông Thịnh.
Tôi nghĩ, chính họ là những người cảm nhận sâu sắc nhất về những khó khăn của đồng nghiệp và học sinh đang ở tâm dịch. Trong điều kiện khó khăn này, mỗi món quà đều là nghĩa tình, là tấm lòng mà mọi người dành cho chúng tôi. Đó là động lực để chúng tôi nỗ lực sớm vượt qua cơn bão dịch bệnh này” – anh Dương cho hay.