La La Land (2/9): Là tác phẩm khai mạc Liên hoan phim Venice 2016, La La Land rất được chờ đợi khi bộ phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn trẻ tài ba Damien Chazelle. Anh chính là người đứng sau Whiplash (2014) - tác phẩm có ba lần được xướng tên chiến thắng tại Oscar 2015. La La Land thuộc thể loại ca vũ nhạc, theo chân một đôi trai gái trẻ tuổi tại miền đất hứa Hollywood. Từ chỗ chỉ là tài năng vô danh, họ trở thành những ngôi sao sáng giá, và danh vọng khiến cho mối quan hệ giữa hai người đứng bên bờ đổ vỡ. Sắm vai chính trong phim là bộ đôi Ryan Gosling - Emma Stone. Ảnh: Summit Entertainment
The Light Between Oceans (2/9): Đạo diễn Derek Cianfrance được giới phê bình đánh giá cao qua Blue Valentine (2010) và The Place Beyond the Pines (2012). Năm nay, ông chuyển thể lên màn ảnh cuốn tiểu thuyết cùng tên của M. L. Stedman, với ba ngôi sao sáng giá là Michael Fassbender, Alicia Vikander và Rachel Weisz. Chuyện phim lấy bối cảnh thời kỳ hậu Thế chiến thứ I tại một ngọn hải đăng ở miền Tây của Australia. Đôi vợ chồng trẻ nhà Sherbourne nhận nuôi một đứa trẻ bị bỏ rơi trên thuyền và đó là khởi điểm cho chuỗi sự kiện không ai có thể lường trước. Ảnh: Entertainment One
Sully (9/9): Tác phẩm tiểu sử gây chú ý khi có sự tham gia của Tom Hanks và do đạo diễn Clint Eastwood thực hiện. Sully kể về cuộc đời của Chesley “Sully” Sullenberger, viên phi công đáp chuyến bay mang mã hiệu 1549 của hãng hàng không U.S. Airways xuống dòng sông Hudson hồi đầu năm 2009, cứu lấy sinh mạng của 155 hành khách. Trước đó, chiếc máy bay gặp trục trặc động cơ và sự kiện đến giờ được báo chí quốc tế gọi là “phép màu trên sông Hudson”. Ảnh: Warner Bros.
Arrival (11/9): Giới phê bình rất ưu ái Prisoners (2013) và Sicario (2015), nhưng Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ dường như chưa dành cho các tác phẩm của đạo diễn Denis Villeneuve những danh hiệu xứng đáng. Năm nay, nhà làm phim tài ba người Canada bất ngờ chuyển hướng sang dòng phim khoa học viễn tưởng. Arrival theo chân nhà ngôn ngữ học Louise Banks (Amy Adams). Cô có nhiệm vụ giải mã thông điệp của người ngoài hành tinh khi họ đổ bổ xuống Trái đất. Ảnh: Sony
The Birth of a Nation (7/10): Tác phẩm tiểu sử dựa trên cuộc đời của Nat Parker, người nô lệ da màu dám đứng lên nổi dậy tại bang Virginia, Mỹ vào năm 1831. Lần đầu ra mắt tại LHP Sundance 2016, The Birth of a Nation lập tức gây tiếng vang và cái tên Nate Parker được giới truyền thông đặc biệt săn đón khi anh là đạo diễn, biên kịch, đồng thời sắm vai chính trong phim. Song, bê bối hiếp dâm khi còn là sinh viên của nhà làm phim mới lộ ra nhiều tình tiết mới hồi đầu tháng 8, khiến danh tiếng cá nhân anh và tác phẩm hiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Fox Searchlight
American Pastoral (21/10): Dựa trên nguyên tác văn học cùng tên của Philip Roth năm 1997, bộ phim American Pastoral đánh dấu lần đầu tiên tài tử Ewan McGregor ngồi trên ghế đạo diễn và kiêm nhiệm vai chính. Lấy bối cảnh thời kỳ hậu Thế chiến thứ II, cuộc sống của Seymour “Swede” Levov dường như rất hoàn hảo. Nhưng quan điểm chính trị nổi loạn của cô con gái có thể khiến cả sự nghiệp của Swede lẫn gia đình Levov tan vỡ. Bên cạnh McGregor, phim còn có sự tham gia của hai ngôi sao Dakota Fanning và Jennifer Connelly. Ảnh: Lionsgate
Moonlight (21/10): Đến từ xưởng phim A24 - đơn vị từng gặt hái thành công vang dội với Room (2015), đây là ẩn số của mùa giải thưởng điện ảnh cuối năm. Đạo diễn Barry Jenkins thực hiện Moonlight dựa trên vở kịch In Moonlight Black Boys Look Blue. Chuyện phim kể lại cuộc đời của nhân vật Chiron từ lúc nhỏ cho tới khi trưởng thành. Cậu bé người Mỹ gốc Phi sở hữu niềm tin ở Chúa trời, nhưng lại là người đồng tính. Xung đột ấy khiến Chiron không bao giờ cảm thấy bình an trong tâm hồn. Ảnh: A24
Hacksaw Ridge (4/11): Là cái tên gây ra nhiều tranh cãi, nhưng Mel Gibson vẫn được nhận định là một trong những đạo diễn tài ba bậc nhất tại Hollywood. Sau 10 năm kể từ Apocalypto (2006), tài tử người Australia trở lại thực hiện Hacksaw Ridge. Đây là tác phẩm tiểu sử kể về Desmond T. Doss - người lính từ chối cầm súng vì lý do tôn giáo. Nhưng ông vẫn trở thành anh hùng khi là một quân y, cứu sống 75 đồng đội trong trận chiến đẫm máu ở Okinawa, Nhật Bản và nhận Huân chương Danh tự từ Tổng thống Harry Truman. Sắm vai chính trong phim là Andrew Garfield. Ảnh: Summit Entertainment
Billy Lynn’s Long Halftime Walk (11/11): Bốn năm sau Life of Pi (2012), Lý An thêm một lần nữa tìm cách chinh phục Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ. Bộ phim Billy Lynn’s Long Halftime Walk mang đề tài phản chiến, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Ben Fountain. Chàng trai 19 tuổi Billy Lynn trở về Mỹ từ chiến trường Iraq, chuẩn bị xuất hiện trong chuyến diễu hành chiến thắng được chính quyền sở tại tổ chức. Nhưng ký ức trong Lynn cho thấy những gì diễn ra ở quốc gia Trung Đông xa xôi không như người dân quê nhà suy nghĩ. Lý An khá mạo hiểm khi trao vai chính cho gương mặt mới Joe Alwyn. Nhưng phim còn có sự tham gia của nhiều cái tên quen thuộc như Kristen Stewart, Vin Diesel, Garrett Hedlund và Chris Tucker. Ảnh: Sony
Nocturnal Animals (18/11): Nhà thiết kế thời trang Tom Ford trở lại làm phim sau 7 năm kể từ A Single Man (2009). Lần này, ông đem đến cho công chúng câu chuyện giật gân dựa trên cuốn tiểu thuyết Tony and Susan (1993) của Austin Wright. Nhân vật trung tâm câu chuyện là Susan Morrow - một nhà sưu tập tranh bị ám ảnh bởi cuốn tiểu thuyết của chồng cũ. Nocturnal Animals có sự tham gia của dàn sao thượng hạng, bao gồm Jake Gyllenhaal, Amy Adams, Laura Linney, Aaron Taylor-Johnson, Isla Fisher và Armie Hammer. Phim nằm trong danh sách tranh giải Sư tử vàng tại LHP Venice 2016. Ảnh: Focus Features
Manchester by the Sea (18/11): Cũng gây tiếng vang tại LHP Sundance 2016 là bộ phim tâm lý mang đề tài gia đình của đạo diễn Kenneth Lonergan. Sau cái chết bất ngờ của anh trai, Lee Chandler bất đắc dĩ trở thành người bảo hộ cho cậu cháu trai Patrick. Trở về quê hương, anh phải đối mặt với quá khứ không êm đẹp cùng cô vợ Randi và cộng đồng người dân ở vùng bờ biển phía Bắc nước Anh. Nam diễn viên Casey Affleck là người sắm vai chính trong phim. Ảnh: Amazon Studios
Moana (23/11): Trong dòng phim hoạt hình, người ta hiện nhắc nhiều đến Pixar hay thậm chí là Illumination. Nhưng đừng quên xưởng Walt Disney, đơn vị trình làng hàng loạt tác phẩm ấn tượng trong thời gian qua như Wreck-It-Ralph (2012), Frozen (2013) và Zootopia (2016). Năm nay, họ còn một “lá bài tẩy” nữa mang tên Moana - bộ phim hoạt hình do các tác giả của Aladdin thực hiện, có ngôi sao The Rock tham gia lồng tiếng. Chuyện phim là hành trình tìm kiếm hòn đảo trong câu chuyện thần thoại của một cô gái trẻ và vị á thần Maui hài hước ngoài đại dương. Ảnh: Disney
Rogue One: A Star Wars Story (16/12): Cho đến giờ, các fan của Chiến tranh giữa các vì sao vẫn cảm thấy tiếc nuối khi The Force Awakens trượt đề cử Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2016. Hy vọng của họ lúc này dồn vào Rogue One - tác phẩm kể lại những sự kiện diễn ra giữa tập Revenge of the Sith (2005) và A New Hope (1977), khi một biệt đội đặc biệt của quân Kháng chiến có nhiệm vụ đánh cắp bản thiết kế thứ vũ khí hủy diệt Death Star. Bất chấp nhiều trục trặc trong quá trình thực hiện, bom tấn vẫn rất được công chúng quan tâm, nhất là khi nó đến từ đạo diễn Gareth Edwards - tác giả của Godzilla (2014). Ảnh: Disney
Passengers (21/12): Viện hàn lâm không hay ưu ái các tác phẩm khoa học viễn tưởng, nhưng Passengers thực sự là một ẩn số khi có sự góp mặt của “cục cưng” Jennifer Lawrence và do Morten Tyldum - đạo diễn của The Imitation Game (2014) thực hiện. Phim lấy bối cảnh tương lai trên phi thuyền không gian Starship Avalon, Nó đang trong chuyến hành trình kéo dài 120 năm, có nhiệm vụ đưa 5.259 con người tới hành tinh mới Homestead II. Nhưng hai cá nhân bất ngờ thức giấc trước 90 năm và cứ thế lang thang trên chiếc phi thuyền khổng lồ. Đóng cặp với JLaw trong Passengers là Chris Pratt. Ảnh: Sony
Silence (2016): Cho đến giờ, hãng Paramount chưa ấn định ngày khởi chiếu chính thức cho bộ phim mới nhất đến từ đạo diễn Martin Scorsese. Tuy nhiên, đây vẫn là cái tên được giới truyền thông quốc tế xếp vào dạng ứng viên tại Oscar 2017 khi xoay quanh chuyến hành trình của hai nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha tại đất nước Nhật Bản xa xôi. Một số nguồn tin cho biết Scorsese đang cố gắng thuyết phục đội ngũ nhà sản xuất giữ thời lượng 195 phút cho Silence khi phim ra rạp. Ảnh: Paramount